Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc - Bài 1: Di sản mang tầm quốc tế
Sau nhiều năm chuẩn bị, đầu 2024, hồ sơ đề cử “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc” đã được trình lên UNESCO để xét công nhận là Di sản thế giới. Ba tỉnh có di sản đề cử gồm Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương đang nỗ lực trong việc hoàn thiện các tiêu chí theo yêu cầu của UNESCO.
Tồn tại hơn 7 thế kỷ, nhưng đến nay, Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc vẫn là những di sản văn hóa sống động, còn mãi với thời gian.
Những di sản văn hóa sống động
Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc trải dài qua 3 tỉnh: Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương với hàng trăm di tích và danh thắng, thuộc phạm vi của 6 khu di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt: Khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Yên Tử (thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh); Khu di tích lịch sử nhà Trần tại Đông Triều (thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh); Khu di tích lịch sử Bạch Đằng (thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh); Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, chùa Thanh Mai (thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương); Khu di tích An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương (thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương); Di tích quốc gia đặc biệt chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Bổ Đà thuộc Khu di tích Tây Yên Tử (tỉnh Bắc Giang).
Hơn 7 thế kỷ đã qua, quần thể di tích và danh thắng này luôn là một trong những trung tâm văn hóa tâm linh lớn của đất nước, với nhiều khu khảo cổ học và các công trình tín ngưỡng thờ Phật, các vị thần và anh hùng dân tộc… Với những giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa, khoa học, quần thể di tích và danh thắng này là những di sản văn hóa sống động cho đến ngày nay.
Tại Quảnh Ninh, Khu Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Yên Tử gắn liền với tên tuổi Phật hoàng Trần Nhân Tông (1258 - 1308), vị vua từng lãnh đạo quân dân thời Trần hai lần đánh thắng quân Nguyên - Mông, rồi từ bỏ ngai vàng, lên Yên Tử tu hành, sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm đậm màu sắc Việt. Được xem là kinh đô của Phật giáo Việt Nam, trải qua nhiều biến cố, thăng trầm và dấu vết của thời gian, ngày nay các di tích còn lại ở Yên Tử là 11 ngôi chùa và hàng trăm am, tháp, bia, tượng, hội tụ đầy đủ những phong cách, giá trị quý giá về kiến trúc, mỹ thuật, điêu khắc của các triều đại Lý - Trần - Lê - Nguyễn.
Bên cạnh Khu Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Yên Tử, Khu di tích lịch sử nhà Trần tại Đông Triều với hệ thống lăng mộ, đền, miếu, công trình tín ngưỡng, tôn giáo gắn liền với lịch sử nhà Trần và Thiền phái Trúc Lâm và Khu di tích lịch sử Bạch Đằng là địa điểm ghi dấu sự kiện quân, dân nhà Trần đã lập nên chiến thắng lẫy lừng - Chiến thắng Bạch Đằng đánh tan quân Nguyên Mông ngày 9/4 (8/3 - Âm lịch) năm 1288. Đến nay, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, dấu tích của trận chiến Bạch Đằng năm 1288 vẫn còn hiện hữu qua những di tích tiêu biểu.
Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc (huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương) luôn là một trong những trung tâm văn hóa tâm linh lớn của đất nước. Trải qua thăng trầm của thời gian, vùng đất Côn Sơn - Kiếp Bạc vẫn còn giữ trong mình rất nhiều lớp trầm tích văn hóa vô cùng đặc sắc. Nhiều công trình kiến trúc cổ kính, trong đó tiêu biểu nhất là Chùa Côn Sơn (Thiên Tư Phúc Tự) và Đền Kiếp Bạc. Nơi đây còn lưu giữ nhiều hiện vật quý giá, phản ánh văn hóa nghệ thuật thời Trần, là kho tàng văn hóa vật thể, phi vật thể đa dạng về loại hình, phong phú về nội dung, là kết tinh công sức, tư tưởng, trí tuệ, tình cảm... của nhiều thế hệ cha ông dày công vun đắp, giữ gìn bảo vệ đến ngày nay.
Tại Bắc Giang, hai di tích chính của Bắc Giang có tên trong hồ sơ khoa học đệ trình "Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc" là chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Bổ Đà. Trong đó, chùa Vĩnh Nghiêm (huyện Yên Dũng) được nhìn nhận, tôn vinh là một trong những trung tâm truyền bá Phật giáo của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử thời Trần - trường đào tạo tăng ni đầu tiên ở Việt Nam. Đặc biệt, Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm đã được UNESCO ghi danh là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương từ năm 2012.
Chùa Bổ Ðà (huyện Việt Yên) được coi là trung tâm Phật giáo lớn thứ hai ở Bắc Giang, đóng vai trò quan trọng trong việc truyền bá và duy trì phát triển đạo Phật mà thiền phái Lâm Tế là chủ đạo. Được xây theo kiểu kiến trúc nội công ngoại quốc, Chùa Bổ Đà có kiến trúc độc đáo và khác biệt, tạo nên vẻ thanh tĩnh, u linh cho di tích đặc biệt này. Trong chùa còn đang lưu giữ Bảo vật quốc gia Bộ mộc bản kinh Phật được khắc bằng chất liệu gỗ thị, có niên đại từ thời vua Lê Hiển Tông niên hiệu Cảnh Hưng (1740 - 1786) và các giai đoạn sau này, góp phần làm cho kho tàng pháp bảo của Phật giáo Việt Nam càng thêm phong phú.
Với những giá trị to lớn về lịch sử, tư tưởng, văn hóa, khoa học... các khu, điểm di tích nêu trên ở 3 tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương là một bộ phận cấu thành, không thể tách rời của Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc trong hồ sơ đệ trình UNESCO ghi danh là Di sản thế giới.
Di sản liên tỉnh mang tầm quốc tế
Đầu năm 2024, hồ sơ “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc” đã được trình lên UNESCO để xét công nhận di sản thế giới. Hồ sơ được Thủ tướng Chính phủ giao tỉnh Quảng Ninh chủ trì, phối hợp với các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang xây dựng với 2.139 trang tài liệu bản tiếng Việt và bản dịch tiếng Anh; 101 sơ đồ, bản đồ, 196 bản vẽ kiến trúc, 260 bản vẽ khảo cổ, 1.141 bản ảnh, tái hiện các giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, di sản phi vật thể, vật thể và kế hoạch quản lý tổng thể trên phạm vi 3 tỉnh.
Theo đánh giá của UNESCO trong văn bản phúc đáp, hồ sơ đề cử công nhận và ghi vào danh mục Di sản thế giới đối với “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc” đáp ứng tất cả yêu cầu kỹ thuật được hướng dẫn thực hiện Công ước Di sản thế giới. Đây là hồ sơ khoa học đệ trình có nhiều tiêu chí theo Công ước về việc bảo vệ di sản văn hóa và tự nhiên của thế giới (Công ước 1972) nhất, vừa nghiên cứu, vừa chứng minh, vừa viết với tiến độ nhanh, tích cực, khẩn trương.
Tháng 8/2024, Đoàn chuyên gia Hội đồng Di tích và Di chỉ quốc tế (ICOMOS) - tổ chức tư vấn cho Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) về di sản thế giới đã tiến hành thực địa, thẩm định đối với hồ sơ đề cử “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc”.
Sau khi thực địa các di tích, các chuyên gia của ICOMOS đánh giá cao những nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc làm rõ mối liên hệ giữa các di tích; tính xác thực, toàn vẹn và giá trị nổi bật toàn cầu của các di tích; công tác khoanh vùng, cắm mốc cũng như hiện trạng bảo tồn các giá trị gốc của di tích; quy chế, kế hoạch quản lý di sản đề cử và định hướng phát huy di sản đề cử của địa phương…
Phát biểu tại buổi làm việc với đoàn chuyên gia ICOMOS, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Hạnh nhấn mạnh, đây là hồ sơ di sản chưa có tiền lệ ở Việt Nam, khi phạm vi nghiên cứu xây dựng trải rộng ở 3 tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương, với khối lượng công việc lớn, cần tập trung nhân lực, trí tuệ cùng sự hỗ trợ hiệu quả của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng hơn 100 chuyên gia trong nước và quốc tế thuộc nhiều lĩnh vực tiến hành khảo sát, nghiên cứu và xây dựng hồ sơ.
Việc thẩm định thực địa của chuyên gia ICOMOS tại quần thể di tích lần này rất quan trọng, là cơ sở để UNESCO xem xét và công nhận “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn, Kiếp Bạc” ghi danh là Di sản văn hóa thế giới trong Kỳ họp thứ 47, tổ chức vào năm 2025. Với những đánh giá tích cực từ các chuyên gia, những người yêu di sản có quyền được hy vọng, Việt Nam sẽ có một Di sản thế giới liên tỉnh mang tầm quốc tế trong tương lai không xa.
Bài cuối: Hình thành tuyến du lịch độc đáo