Lao động - Việc làm

Những nữ nhân viên đa năng ở khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc

PV 29/09/2024 20:30

Ngoài công tác quản lý, chuyên môn, các nữ cán bộ, nhân viên Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương) còn đảm nhận nhiều nhiệm vụ khác. Đa năng, ở vị trí nào họ cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Cac chi dep
Những cô gái năng động ở Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc

Giỏi chuyên môn
Trên chuyến xe đi từ Côn Sơn sang đền Kiếp Bạc dịp lễ hội mùa thu năm nay, chị Đinh Thị Liên (Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc) giải đáp nhiều thắc mắc của khách liên quan đến Phật pháp, việc thờ Phật tại chùa Côn Sơn, những câu chuyện liên quan đến di tích...

Chị Liên cũng chính là người vừa đoạt giải nhất và giải chuyên đề Hội thi hướng dẫn viên du lịch tỉnh Hải Dương năm 2024 do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Ở Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, những nữ nhân viên như chị Liên đều rất năng động. Người thạo ngoại ngữ thường đón tiếp khách nước ngoài, người có kinh nghiệm được phân công đón các nguyên thủ quốc gia.

img_8247777.jpg
Chị Đinh Thị Liên (ngoài cùng bên phải) trong một lần đón tiếp khách tại chùa Côn Sơn

“Chúng tôi luôn đặt ra cho mình kỷ luật, trau dồi kỹ năng, kiến thức, làm mới mình mỗi ngày để công tác phục vụ được tốt hơn”, chị Nguyễn Thị Ngọc Xuân, Trưởng Phòng Du lịch dịch vụ nói.

Không chỉ hướng dẫn viên, những người làm công tác nghiên cứu khoa học ở đây cũng là bộ phận vững vàng, có kiến thức chuyên môn sâu. “Đây là lực lượng nòng cốt, thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, phối hợp xây dựng hồ sơ quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc trình UNESCO công nhận di sản thế giới”, Tiến sĩ Lê Duy Mạnh, Phó Trưởng Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc khẳng định.

Chị Ngô Thị Lượng, Trưởng Phòng Nghiệp vụ cho biết suốt nhiều năm, phòng tập trung cho công tác phục vụ xây dựng hồ sơ như theo các đoàn chuyên gia khảo sát thực địa, chuẩn bị tài liệu, chỉnh sửa hồ sơ... “Đặc biệt, năm 2023 là thời gian gấp rút để hoàn thiện hồ sơ. Khối lượng công việc lớn vì quần thể gồm 20 di tích thành phần, công tác thực hiện cần phối hợp giữa 3 tỉnh. Ngoài tập trung đóng góp xây dựng hồ sơ, chúng tôi vẫn phải bảo đảm nhiều việc khác của cơ quan như tổ chức các nghi lễ trong 2 mùa lễ hội, quảng bá tuyên truyền tại di tích… Lúc đó, phòng có 4 thành viên đều là nữ nhưng chị em không quản vất vả để hoàn thành công việc”, chị Lượng nói. Chưa kể trong thời gian thiên tai, dịch bệnh như bão số 3 vừa qua khối lượng công việc tăng lên bội phần.

Những bàn tay tài hoa

Chi Dung ok
Chị Nguyễn Thị Thu Dung thực hiện các bước pha trà sen Kiếp Bạc

Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc có 96 cán bộ, nhân viên, trong đó 26 nữ. Ngoài hướng dẫn viên, nghiên cứu khoa học, họ còn hoạt động ở nhiều bộ phận khác như lễ tân, bán soát vé… Bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn, nữ cán bộ, nhân viên còn thực hiện nhiều nhiệm vụ khác. Bằng tình yêu với nghề, có lúc họ thăng hoa, trở thành những đầu bếp, nghệ nhân… thực thụ.

Tại trải nghiệm ẩm thực chay Côn Sơn dịp 30/4-1/5/2023, du khách thích thú khi được thưởng thức hơn 40 món ăn đẹp mắt, hấp dẫn với đủ các món khai vị, món chính và tráng miệng. Việc lên thực đơn, mua nguyên liệu và nấu trên 500 suất ăn chay mỗi ngày đều do chị Bùi Thị Cẩm Vân (hiện là nhân viên Phòng Du lịch dịch vụ) chủ công thực hiện. Nấu ăn không hề đơn giản, đòi hỏi sự tinh tế và người làm phải luôn chân luôn tay nhưng điều đó không làm khó chị. “Tôi bị cuốn vào công việc vì đây là việc tôi thích. Làm ra những món ăn ngon, được thực khách khen là niềm vui của người đứng bếp”, chị Vân nói.

img_2612222.jpg
Các món ăn hấp dẫn tại trải nghiệm ẩm thực chay Côn Sơn dịp 30/4-1/5/2023 (ảnh tư liệu)

Chị Vân cũng là tác giả ý tưởng sáng tạo dự án “chợ quê”, những bộ quà tặng mang biểu trưng của di tích, sản phẩm rượu sen, rượu sim, rượu Dược Sơn...

Ở di tích Côn Sơn, Kiếp Bạc, các nữ nhân viên đều có bàn tay tài hoa, sắp các mâm lễ sang trọng, đẹp mắt dâng lên Phật, thánh. Hầu hết các nữ nhân viên đều nắm vững quy trình và thực hiện thuần thục các bước làm trà sen, trà hoa cúc, pha trà trong các sự kiện. “Nếu pha từ nước máy coi như hỏng cả ấm trà. Tại di tích, chúng tôi thường lấy nước giếng Mắt Rồng để pha, trà mới thơm ngon, tinh khiết. Khi rót nước vào ấm phải rót theo chiều kim đồng hồ hoặc rót cao để nước đủ mạnh làm cánh trà bung nở, tỏa hương...”, chị Nguyễn Thị Thu Dung, hướng dẫn viên tại di tích tiết lộ một trong nhiều bí quyết pha trà sen Kiếp Bạc ngon.

Bay co
Hầu hết nữ nhân viên Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đều có thể sắp các mâm lễ rất đẹp mắt

Trong chuyến thẩm định thực địa hồ sơ đề cử quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc, ông Ratish Nanda, chuyên gia ICOMOS có dịp được thưởng thức trà sen tại đền Kiếp Bạc. Nhấp ngụm trà, thưởng thức, ông dùng từ “tuyệt vời” để nói lên cảm nhận của mình.

Nhằm thực hiện Đề án “Phát triển du lịch chất lượng cao tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” và xây dựng khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc trở thành khu du lịch quốc gia, việc phát triển nguồn nhân lực tinh nhuệ, chuyên nghiệp và xây dựng các dịch vụ, sản phẩm du lịch đặc thù có vai trò quan trọng.

Bà Nguyễn Thị Thùy Liên, Trưởng Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc khẳng định luôn khích lệ, đón nhận và triển khai nhanh nhất có thể những ý tưởng sáng tạo, khả thi của cán bộ, nhân viên nhằm phát huy tối đa tiềm lực sẵn có. “Trong Ban Quản lý di tích, số cán bộ, nhân viên nữ không nhiều nhưng đa số chị em tâm huyết và có vai trò quan trọng trong việc xây dựng sản phẩm, dịch vụ du lịch”, bà Liên nói.

Trong các phong trào văn hóa, thể thao, chị em cán bộ, nhân viên ở Ban Quản lý di tích cũng hăng hái đi đầu với đội bóng chuyền nữ, tham gia các giải của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đội văn nghệ xung kích…

PV