Đất và người xứ Đông

Nghệ nhân trẻ giữ ký ức trên mộc bản

BẢO ANH 29/09/2024 05:30

Trải qua thời gian, nghề khắc in mộc bản ở Hải Dương dần mai một. Trân trọng nghề của cha ông, nghệ nhân trẻ Nguyễn Công Đạt (sinh năm 1992), người làng Thanh Liễu, phường Tân Hưng (TP Hải Dương) đang nỗ lực hồi sinh làng nghề.

z5861555666334_ed07f6b8aef1758847d46370fc5c3b09.jpg
Nghệ nhân Nguyễn Công Đạt miệt mài khắc in mộc bản (ảnh nhân vật cung cấp)

Người nay giữ nghề xưa

Nghệ nhân trẻ Nguyễn Công Đạt thong thả bê chiếc bàn gỗ rồi xếp ngay ngắn những dụng cụ khắc in mộc bản bên cạnh. Hộp chứa đồ nghề có đến hơn chục loại mũi dao, mũi đục khác nhau. Những tấm gỗ thị nhỏ nhắn, vuông vắn được đặt gọn gàng trước mặt bàn rồi anh ngồi xếp bằng như chuẩn bị bước vào một buổi thiền định. Bấy giờ công việc khắc in mộc bản của nghệ nhân Nguyễn Công Đạt mới bắt đầu.

img_1169.jpg
Từ nhỏ, anh Nguyễn Công Đạt đã ham khắc gỗ. Những con dấu là sản phẩm đầu tay của anh

Anh Đạt bảo: "Nhiều thế kỷ trước, quê tôi từng nổi tiếng với nghề khắc in mộc bản. Nhờ nghề cổ truyền này mà cuộc sống người dân ấm no như câu ca: “Đình Sinh, quán Sếu, chùa Tràng/Trong ba làng ấy không làm có ăn” (Sinh, Sếu, Tràng là tên Nôm của ba làng: Thanh Liễu, Liễu Tràng, Khuê Liễu ngày nay). Khi kỹ thuật in của phương Tây du nhập vào nước ta, nghề khắc in mộc bản dần mai một. Những dấu vết về một trung tâm in ấn” đầu tiên của Việt Nam bị phai mờ".

Anh Đạt kể chuyện về làng nghề của mình rành rọt và chi tiết như một nghệ nhân gạo cội. Ngay từ nhỏ nghệ nhân Nguyễn Công Đạt đã mê khắc, ham vẽ. Học lỏm được chút nghề của bác và các nghệ nhân trong làng nên anh kỳ công đục, đẽo, khắc, in những con dấu-sản phẩm đầu tay của bất cứ một nghệ nhân nào của làng nghề. Lớn lên, yêu nghề nên anh Đạt vẫn kiên định thi vào ngành thiết kế nội thất của Trường Đại học Mở Hà Nội. Tốt nghiệp đại học, anh làm nghề trang trí mỹ thuật truyền thống, đắp nổi các linh thú, hoa văn cho đình, chùa. Nhưng dường như nghiệp khắc mộc bản đã vận vào người, làm nghề được thời gian ngắn anh quyết định trở về quê luyện khắc gỗ.

20240221_142752.jpg
Yêu nghề nên anh Đạt kỳ công sưu tầm và lưu giữ nhiều dụng cụ khắc mộc bản xưa của các nghệ nhân trong làng

Nhắc về duyên với nghề khắc in mộc bản, anh Đạt cho biết ngay trong năm đầu đại học, anh đã 4 lần tìm đến Văn miếu-Quốc tử Giám (Hà Nội). Lần nào đến cũng cố tìm bằng được những cứ liệu liên quan đến nghề khắc in mộc bản. Tiếng Hán không biết thì anh sao chép lại để về quê hỏi các bậc cao nhân của làng, hoặc anh mạnh dạn tìm đến tận nhà Giáo sư Lê Văn Lan, các nhà sử học Dương Trung Quốc, Tăng Bá Hoành để hỏi. "Tôi đã tìm được tấm bia số 1 tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám ghi rõ quê quán cụ Lương Như Hộc là làng Hồng Lục, huyện Trường Tân, phủ Hạ Hồng (phủ Hạ Hồng xưa là một phần tỉnh Hải Dương ngày nay). Hiểu về tổ nghề và nghề tôi càng say sưa nghiên cứu"...

Bố mẹ anh Đạt thấy con say nghề nên không cản. Anh nhiều lần bỏ tiền túi, rong ruổi khắp trong Nam ngoài Bắc để tìm hiểu nghệ thuật khắc in mộc bản của cha ông. Nghe ở đâu có mộc bản là anh tìm tới. Để đọc mộc bản anh cũng không ngại học chữ Hán, chữ Nôm. Anh Đạt cho biết nhiều người thường không để ý là trong các bản kinh và sách cổ dùng kỹ thuật in mộc bản đều có phần giới thiệu về người biên soạn và người khắc các bản in đó. Phần này thường được các cụ in ở trang đầu hoặc trang cuối của cuốn sách. Qua những lần đi thực tế tìm hiểu, anh Đạt nhận ra phần lớn mộc bản cổ đều do các nghệ nhân của làng Thanh Liễu làm. "Tôi còn biết những nghệ nhân ở Thanh Liễu không chỉ là thợ khắc thuê theo yêu cầu mà các cụ còn rất giàu kiến thức văn hóa, ngôn ngữ. Nhiều cuốn sách do các cụ trong làng làm gần như toàn bộ từ soạn văn, viết, khắc chữ đến đóng sách...”.

20240221_150835.jpg
Anh Nguyễn Công Đạt (đứng giữa) cùng các nghệ nhân khác của làng tìm hiểu về ứng dụng khắc in mộc bản trên các sản phẩm mới

Theo anh Đạt, khắc in mộc bản là kỹ thuật in ấn cổ xưa, đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo léo của nghệ nhân. Gỗ chọn làm mộc bản phải tươi và thẳng, ít nhánh, tuổi đời từ 40-60 năm. Gỗ lấy về trải qua nhiều công đoạn xẻ, phơi... khi nào đủ tiêu chuẩn mới có thể khắc chữ nổi lên trên để thành một bản in hoàn chỉnh. Giấy in phải chọn loại giấy dó, giấy xuyến để bảo đảm chất lượng bản in. Sau đó, bản mộc được lăn bằng mực Tàu, dán giấy lên rồi lăn nhẹ đều tay, để một vài phút cho khô mực mới có bản in hoàn chỉnh. Đặc biệt nhất phải kể đến chiếc dao ngang để khắc chữ của các nghệ nhân làng Thanh Liễu. Dao có cán bằng sừng trâu, tiện tròn, xẻ rãnh giữa. Lưỡi dao làm bằng thép mài khuyết hình lưỡi trăng. Chính hình khuyết lưỡi trăng này đã giúp việc khắc chữ uyển chuyển, nét thanh, nét đậm rõ ràng.

20240221_151702.jpg
Nghệ nhân trẻ Nguyễn Công Đạt thường xuyên tổ chức các hoạt động tìm hiểu và trải nghiệm nghề khắc in mộc bản cho học sinh của phường Tân Hưng và TP Hải Dương

Trung bình mỗi bản khắc gỗ nghệ nhân phải mất từ 3-5 ngày mới hoàn thành. Nhiều bản khắc phải mất vài tuần, thậm chí vài tháng tùy vào độ dài ngắn câu chữ và chủ đề mà người đặt hàng yêu cầu. Có những nét chữ mảnh như sợi tóc, bé như hạt gạo nhưng nghệ nhân làng Thanh Liễu vẫn làm được.

Ông Nguyễn Công Tráng, một trong những nghệ nhân cao tuổi của làng Thanh Liễu cho biết: "Những tưởng nghề khắc in mộc bản của Thanh Liễu sẽ thất truyền bởi máy in phát triển và thời nay còn rất ít người thích nghề này. May mắn vẫn có người trẻ yêu nghề như Đạt. Dù còn ít tuổi nhưng Đạt ham học, đam mê nghề và quyết tâm khôi phục nghề của cha ông. Đạt đang cùng chúng tôi thắp lại "lửa nghề" khắc in mộc bản ở Thanh Liễu".

Quyết hồi sinh làng nghề

20240221_142715.jpg
Anh Đạt đã phối hợp với nhiều đơn vị tổ chức giới thiệu về nghề khắc in mộc bản ngay tại làng nghề

Để hồi sinh nghề khắc in mộc bản của cha ông hiện nay gặp rất nhiều khó khăn nhưng anh Đạt không nản chí. Anh Đạt chia sẻ: "Có rất nhiều nghề cổ trên thế giới tưởng như không bao giờ có thể khôi phục và phát triển được nhưng thực tế thông qua du lịch trải nghiệm, nghiên cứu ứng dụng thực tế vào đời sống vẫn có thể hồi sinh".

Điều gì khiến anh Đạt tự tin đến vậy trong hành trình khôi phục làng nghề? Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Hưng, Viện Nghiên cứu Hán Nôm Việt Nam thì nghệ nhân trẻ Nguyễn Công Đạt có đam mê, sẵn kiến thức, ham học hỏi và quyết tâm cao. Anh Đạt đã và đang cùng nhiều nghệ nhân và các bạn trẻ khác thực hiện dự án có tên "Về làng". Dự án có 4 mục tiêu rất rõ ràng. Từ bảo tồn, phát triển nghề khắc in mộc bản đến tạo ra các sản phẩm ứng dụng có giá trị về kinh tế và tiến tới đưa Thanh Liễu trở thành điểm du lịch trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa làng nghề truyền thống thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. "Với cách làm bài bản, những người trẻ như Đạt sẽ có được những thành công nhất định. Đạt cùng các bạn trẻ và nghệ nhân làng Thanh Liễu đã đạt được những kết quả khả quan khi đầu tháng 9 vừa qua, nghề khắc in mộc bản gần 600 năm tuổi tưởng được UBND tỉnh Hải Dương công nhận làng nghề", nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Hưng nói.

448774703_122119298030324304_1942480909865226998_n.jpg
Anh Đạt giới thiệu các sản phẩm thuộc Dự án "Mộc bản Thanh Liễu - Hành trình hồi sinh một làng nghề" tại Hà Nội trong tháng 6 vừa qua

Anh Đạt cho biết: "2 di sản tư liệu thế giới và 4 bảo vật quốc gia hiện nay tại Việt Nam đều có sự góp công rất lớn của các nghệ nhân làng Thanh Liễu. Vì vậy, nghề khắc in mộc bản đáng được trân trọng, gìn giữ".

Anh Đạt và các bạn trẻ yêu nghề khắc in mộc bản đang thực hiện các bước đề cử mộc bản Thanh Liễu là di sản phi vật thể quốc gia. Song song với đó, anh cũng đang phối hợp Công ty CP Gốm Chu Đậu nghiên cứu đưa hình ảnh của mộc bản lên sản phẩm gốm, giới thiệu văn hóa mộc bản đến bạn bè trên thế giới. Ngoài ra, các hình ảnh mộc bản đã được in lên gạch để trang trí tại một số không gian văn hóa cả truyền thống và hiện đại. Anh Đạt cũng mong muốn sớm phát triển làng nghề khắc in mộc bản Thanh Liễu thành điểm du lịch văn hóa gắn với những trải nghiệm trồng hoa, cây cảnh tại quê hương Tân Hưng của anh.

20240221_143445.jpg
Anh Đạt đã thu hút được nhiều người trẻ tìm hiểu và học nghề khắc in mộc bản

Ký ức thời gian sẽ còn mãi trên những tấm mộc bản và những người trẻ yêu nghề, ham mê tìm hiểu lịch sử như nghệ nhân trẻ Nguyễn Công Đạt thật hiếm và đáng được trân trọng.

Trải qua gần 600 năm phát triển, làng nghề mộc bản Thanh Liễu đã để lại nhiều di sản quý giá được trong nước và quốc tế công nhận như: khối mộc bản triều Nguyễn, mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) hay mộc bản trường học Phúc Giang (Hà Tĩnh ngày nay) được UNESCO vinh danh “Di sản tư liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương”. Ngoài ra, khối mộc bản được lưu trữ tại chùa Bổ Đà (Bắc Giang), chùa Trăm Gian (Hải Dương), bộ mộc bản Hải Thượng Y tông tâm lĩnh của chùa Đồng Nhân và mộc bản chùa Dâu đều tại Bắc Ninh là 4 bảo vật quốc gia, ghi dấu ấn quan trọng của làng nghề Thanh Liễu, nơi được coi là “trung tâm in ấn” đầu tiên của Việt Nam.

BẢO ANH