Bệnh chồng bệnh ở nhiều người mắc bệnh thận mạn tính
Không ít người ở Hải Dương bị bệnh thận mạn tính lại đồng thời mắc thêm nhiều loại bệnh khác, đối diện với cuộc sống nhiều khó khăn, tương lai mờ mịt.
Áp lực tâm lý đè nặng
Hơn 3 tiếng nằm lọc máu chu kỳ tại Bệnh viện Đa khoa Hải Dương, bà P.T.T. ở huyện Thanh Hà gần như chẳng trò chuyện với ai. Khuôn mặt bà thẫn thờ, đôi mắt đỏ hoe khi chúng tôi lại gần hỏi thăm. "4 người bạn vào cùng đợt chạy thận với tôi mất hết cả rồi. Tôi may mắn hơn họ khi còn sống nhưng cuộc sống thì quá nhiều phiền muộn, chán lắm", bà T. than thở.
Bà T. bị thận mạn tính, phải lọc máu chu kỳ trong 14 năm qua. Bà còn bị mắc một số bệnh mà người già hay gặp. Để có tiền chạy chữa, bà đã bán hết số ruộng mình có. Cứ cách 1 ngày, bà lại phải tới bệnh viện lọc máu 1 lần. Bệnh tật đeo bám, cuộc sống phải phụ thuộc hết vào các con khiến bà mỏi mệt, tinh thần dần rơi vào trạng thái trầm cảm.
Từ một thanh niên vạm vỡ, sống lạc quan, yêu đời, anh N.T.H. (cùng ở huyện Thanh Hà) bỗng trở nên trầm tính, ít giao tiếp kể từ khi phát hiện mắc bệnh thận mạn tính, phải lọc máu chu kỳ 3 lần/tuần. 8 năm liên tục chạy thận, sức khoẻ của anh H. yếu đi trông thấy. Áp lực tâm lý càng đè nặng khi anh còn được phát hiện bị mắc đồng thời nhiều bệnh khác như suy tim nặng, xương khớp, huyết áp cao, thường xuyên tràn dịch phổi...
Bà N.T.T. (mẹ của anh H.) đau khổ khi con trai mình phải chịu hoàn cảnh trên. "Kinh tế gia đình gần như đã kiệt quệ từ ngày H. đổ bệnh. Năm nay mới 30 tuổi nhưng tương lai con trai tôi thì gần như đã khép lại rồi. Tâm lý của H. giờ bất ổn lắm. Tôi phải nuốt nước mắt vào trong, động viên để con có nghị lực tiếp tục chữa trị", bà T. nói trong nước mắt.
Bị thận mạn tính đã khiến tương lai của nhiều người trẻ tuổi trở nên mù mịt. Bệnh tâm lý mà biểu hiện rõ nhất là trầm cảm thường xuất hiện ở nhóm bệnh nhân này. Họ mặc cảm, tự ti, cho rằng bản thân mình là người vô dụng, "kẻ ăn bám" gia đình, thậm chí không dám lấy vợ, lấy chồng.
Chị N.T.L. ở huyện Bình Giang năm nay 35 tuổi nhưng đã có tới 18 năm liên tục chạy thận chu kỳ. "Tôi không nghĩ căn bệnh này lại nguy hiểm và gây ra những hệ luỵ như này. Bệnh tật đã cướp đi công việc yêu thích và tương lai của tôi. Tôi sẽ chẳng dám lấy chồng. Bố mẹ tôi đã đủ khổ vì lo chạy chữa cho tôi rồi", chị L. trải lòng.
Ngày càng nhiều người mắc thận mạn tính, phải lọc máu chu kỳ. Đáng lo ngại là tỷ lệ người trẻ mắc bệnh này đang tăng lên. Đa số bệnh nhân bị thận mạn tính sẽ đồng mắc một số bệnh lý khác, phổ biến là tim mạch và đái tháo đường.
Không ít bệnh nhân, nhất là những người trẻ đã bị sốc tâm lý khi bị mắc bệnh thận mạn tính giai đoạn cuối, phải lọc máu chu kỳ. Bản thân họ hiểu rằng, cuộc sống từ nay đến hết đời phải thường xuyên gắn bó với giường bệnh. Công việc hiện tại và những dự định trong tương lai gần như đã khép lại với nhiều bệnh nhân. Áp lực tâm lý đè nặng khiến họ thường có suy nghĩ tiêu cực, rơi vào trầm cảm, thậm chí cáu gắt với nhân viên y tế, người nhà...
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ước tính có từ 20%-25% số người bệnh thận mạn tính mắc trầm cảm. Tỷ lệ này ở Khoa Thận - Thận nhân tạo Bệnh viện Đa khoa Hải Dương có thể còn cao hơn.
Cần sự kết hợp từ 3 phía
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Hường, Trưởng Khoa Thận - Thận nhân tạo Bệnh viện Đa khoa Hải Dương cho biết nhiều bệnh nhân phát hiện mắc thận mạn tính giai đoạn cuối. Lúc này, vấn đề quan trọng nhất là phải giúp họ vượt qua cú sốc về mặt tâm lý. Các nhân viên y tế phải thực sự cảm thông, gần gũi, động viên, chia sẻ với người bệnh để giúp họ vơi bớt lo lắng, hiểu được rằng đây là căn bệnh vẫn có phương pháp điều trị. "Chúng tôi cũng nhờ những bệnh nhân lọc máu chu kỳ nhiều năm, có tinh thần lạc quan tham gia động viên, tư vấn. Điều này cũng phát huy tác dụng", bác sĩ Hường thông tin.
Tuy nhiên, chỉ có nhân viên y tế thôi chưa đủ mà cần sự tham gia đồng thời của người nhà bệnh nhân và bệnh nhân. Bố mẹ, vợ hoặc chồng của bệnh nhân phải luôn bên cạnh động viên tinh thần, chăm sóc, giúp đỡ họ giải quyết những khó khăn trong sinh hoạt thường ngày. Bệnh nhân sẽ rơi vào tình trạng tâm lý u uất, không lối thoát khi người nhà thiếu quan tâm. Ngoài ra, người nhà cũng cần thường xuyên trao đổi hai chiều với bác sĩ khi phát hiện những dấu hiệu khác thường về mặt bệnh lý, tâm sinh lý để được tư vấn giải quyết kịp thời.
Về phía người bệnh, việc giữ được trạng thái lạc quan, tin tưởng, kiên trì với phương pháp điều trị, sự tư vấn của bác sĩ là rất quan trọng. "Người mắc bệnh thận mạn tính, phải lọc máu chu kỳ cần suy nghĩ tích cực, thực hiện nghiêm túc chế độ dinh dưỡng theo khuyến cáo. Nếu có thể thì thường xuyên tham gia vào các hoạt động xã hội phù hợp ở khu dân cư để giúp cuộc sống bớt áp lực, căng thẳng", bác sĩ Hường nói.
Ai cũng có nguy cơ mắc thận mạn tính, đối diện với những hệ luỵ về sức khoẻ, tinh thần. Bác sĩ khuyến cáo người dân cần đi khám sức khoẻ định kỳ để giải quyết sớm, hiệu quả.