Lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước có thể nhận lương cơ bản 80 triệu đồng/tháng
Tiền lương trong các doanh nghiệp Nhà nước sẽ được điều chỉnh theo hướng phải gắn với năng suất lao động, hiệu quả sản xuất, kinh doanh và bảo đảm tiệm cận với mặt bằng tiền lương trên thị trường.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất mức lương cơ bản của các lãnh đạo chủ chốt trong các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước sẽ được chia theo 8 mức. Trong đó, Chủ tịch Hội đồng thành viên có mức lương cơ bản cao nhất là 80 triệu đồng/tháng và thấp nhất là 32 triệu đồng/tháng. Trưởng Ban Kiểm soát mức cao nhất là 66 triệu đồng/tháng, thấp nhất là 26 triệu đồng/tháng. Thành viên Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên mức lương cơ bản cao nhất là 66 triệu đồng mỗi tháng và thấp nhất 25 triệu đồng/tháng.
Với những nội dung mà Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vừa trình Chính phủ trong dự thảo Nghị định quy định về quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp Nhà nước, thì đề xuất tiền lương khu vực này phải bảo đảm gắn với năng suất lao động và hiệu quả sản xuất, kinh doanh, hướng đến bảo đảm mặt bằng thị trường.
Tiệm cận với mặt bằng tiền lương của thị trường
Mức tiền lương cơ bản sẽ là căn cứ tính mức lương kế hoạch và được quy định gắn với ba chỉ tiêu vốn, doanh thu, lợi nhuận chia theo ngành, lĩnh vực và không dựa vào xếp hạng như quy định hiện hiện hành.
Như vậy, doanh nghiệp có lợi nhuận, tỷ suất lợi nhuận trên vốn cao hơn thực hiện của năm trước thì tiền lương kế hoạch tối đa bằng hai lần mức lương cơ bản, tức lương tối đa của chủ tịch hội đồng thành viên cao nhất là 160 triệu đồng/tháng.
Về tiền lương và thưởng của người lao động và ban điều hành, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất Nhà nước chỉ quy định nguyên tắc và giao cho doanh nghiệp xác định, chi trả theo quy chế của doanh nghiệp.
Trong đó, doanh nghiệp hoàn thành vượt kế hoạch đề ra được bổ sung tối đa hai tháng tiền lương vào quỹ tiền lương nhằm khuyến khích doanh nghiệp nâng cao hiệu quả. Doanh nghiệp được tính thêm tiền lương đối với lao động đặc thù, lao động chuyên môn kỹ thuật cao trong các lĩnh vực mũi nhọn.
Đối với ban điều hành, tiền lương và thưởng dự kiến tính chung trong quỹ tiền lương, thưởng với người lao động và giao cho Hội đồng thành viên đánh giá, quyết định mức lương cụ thể theo mức độ hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh.
Trong đó, dự thảo nghị định có khống chế mức hưởng tối đa của Tổng giám đốc không vượt quá 10 lần so với mức lương bình quân chung của người lao động
Với dự kiến quy định này, mức tiền lương bình quân của tổng giám đốc do doanh nghiệp phân phối theo quy chế trả lương tối đa có thể đạt khoảng 100-120 triệu đồng/tháng. Riêng tập đoàn, tổng công ty quy mô lớn tối đa có thể đạt khoảng 170-180 triệu đồng/tháng.
Mức tiền lương tối đa này bảo đảm bao trùm mức lương hiện đang trả thực tế, tương quan với mức lương tối đa của Chủ tịch Hội đồng thành viên cùng doanh nghiệp và cũng bước đầu tiệm cận gần hơn với mặt bằng tiền lương trên thị trường.
Tiền lương gắn với hiệu quả kinh doanh
Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cơ chế tiền lương, thưởng tại doanh nghiệp Nhà nước hiện hành đang bộc lộ một số bất cập. Chẳng hạn, có sự phân biệt giữa doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và doanh nghiệp có cổ phần chi phối của Nhà nước, chính sách tiền lương chưa phân biệt rõ theo quy mô năng suất và hiệu quả giữa doanh nghiệp, lương của người quản lý còn thấp…
Cơ quan soạn thảo xây dựng nghị định theo hướng tiền lương phải gắn với năng suất lao động và hiệu quả sản xuất, kinh doanh, hướng đến bảo đảm mặt bằng thị trường.
Các doanh nghiệp được tự quyết định chính sách tiền lương; thực hiện giao khoán chi phí tiền lương, bao gồm cả tiền thưởng trong quỹ lương gắn với nhiệm vụ, điều kiện sản xuất kinh doanh, ngành nghề, tính chất hoạt động của doanh nghiệp.
Thêm vào đó, dự thảo nghị định cũng phân định rõ tiền lương của người đại diện vốn Nhà nước với ban điều hành. Trong đó ban điều hành hưởng chung quỹ tiền lương với người lao động và có khống chế mức hưởng tối đa của tổng giám đốc so với mức lương bình quân của người lao động. Tiền lương thực hiện nguyên tắc ai thuê, bổ nhiệm thì người đó đánh giá và trả lương.