Dự kiến tiêu thụ 1 triệu ô tô tại Việt Nam vào năm 2030
Bộ Công thương đặt mục tiêu tổng lượng ô tô bán ra trên thị trường vào năm 2030 lên 1-1,1 triệu chiếc, gấp đôi mức kỷ lục năm 2022.
Tại dự thảo Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2030, Bộ Công thương đặt mục tiêu tổng lượng ô tô bán ra đạt khoảng 1-1,1 triệu xe, tốc độ tăng trưởng bình quân 14-16% mỗi năm. Trong đó, tiêu thụ xe điện và hybrid, năng lượng mặt trời chiếm 350.000 chiếc đến năm 2030.
Đến năm 2045, nhà chức trách đặt mục tiêu tăng trưởng thị trường 11-12% mỗi năm, tổng lượng xe đạt 5-5,7 triệu chiếc. Trong đó, xe điện, sử dụng năng lượng sạch chiếm 80-85% thị phần, tương đương 4,3-4,4 triệu xe. Sản lượng xe lắp ráp trong nước khoảng 4-4,6 triệu chiếc, đáp ứng 80-85% nhu cầu nội địa.
Mức tiêu thụ đặt ra tới năm 2030 gấp khoảng 2,5 lần số liệu ghi nhận vào cuối năm 2023.
Bộ Công thương dẫn báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết năm 2023, lượng xe trên toàn quốc đăng ký mới là hơn 408.500 chiếc. Tổng số xe đã đăng ký luỹ kế đến cuối năm là 6,31 triệu chiếc.
Mức này cũng gấp đôi lượng bán ra kỷ lục trong năm 2022, vượt 500.000 xe, thuộc nhóm 4 thị trường lớn nhất Đông Nam Á. Thời điểm đó, doanh số nửa triệu xe tại khu vực vốn chỉ có 3 thị trường lớn nhất là Thái Lan, Indonesia và Malaysia đạt được. Cùng đó, tăng trưởng sức mua của thị trường ôtô Việt Nam cao thứ hai khu vực, chỉ sau Malaysia.
Theo Bộ Công thương, từ năm 2011 đến nay, thị trường ô tô Việt Nam liên tục tăng trưởng. Hiện, mức sở hữu xe bình quân đầu người là 63 xe trên 1.000 dân vào 2023. Nếu chỉ tính xe du lịch dưới 9 chỗ, tỷ lệ sở hữu ô tô là 30 xe trên 1.000 dân. Tỷ trọng xe cá nhân, gia đình và tổ chức chiếm 67% tổng lượng ô tô đang lưu hành toàn quốc, theo cơ quan quản lý.
Khi xây dựng chiến lược lần này, nhà chức trách cũng muốn tăng tỷ lệ xe sản xuất lắp ráp trong nước lên khoảng 70% so với nhu cầu nội địa vào năm 2030 và đáp ứng 87% vào năm 2045.
Hiện trong nước có 56 doanh nghiệp tham gia sản xuất và lắp ráp ô tô, gồm 38 doanh nghiệp trong nước và 18 doanh nghiệp nước ngoài. Tỷ trọng xe nhập khẩu nguyên chiếc (CBU) vẫn khá lớn, khoảng trên 40%, theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan và VAMA.
Cùng với đó, Việt Nam định hướng đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ. Cụ thể, đến năm 2030, ngành công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất ô tô sẽ đáp ứng khoảng 55-60% nhu cầu về linh kiện, phụ tùng cho sản xuất lắp ráp trong nước, tăng lên 80-85% vào 2045.
Ngành công nghiệp hỗ trợ sẽ tăng ứng dụng công nghệ để chế tạo các chi tiết, linh kiện quan trọng như bộ truyền động, hộp số, động cơ, thân vỏ xe. Họ cũng phải tăng hợp tác với các hãng ô tô lớn, lựa chọn loại phụ tùng, linh kiện có thể sản xuất để đảm nhận vai trò mắt xích trong chuỗi sản xuất - cung ứng toàn cầu.