Tư vấn

Sửa sao kê ngân hàng nhằm trục lợi có bị xử phạt?

. 18/09/2024 15:14

Hỏi: Đợt ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bị bão lũ vừa qua, tôi thấy có hiện tượng nhiều người sửa sao kê ngân hàng. Vậy có bị xử phạt?

HOÀNG GIANG (TP Hải Dương)

Trả lời:

Việc sửa sao kê, đăng tải trên mạng xã hội có thể căn cứ theo khoản 1 điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP hành vi "Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân" thì có thể bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng với tổ chức vi phạm; với cá nhân vi phạm thì chịu phạt bằng 1/2 của tổ chức, tức là từ 5 - 10 triệu đồng. Đây là mức phạt áp dụng cho các trường hợp đăng tải thông tin sai sự thật nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng. Trong trường hợp làm giả sao kê chuyển tiền từ thiện mà chưa gây ra thiệt hại lớn, hành vi này có thể bị xử phạt hành chính.

Hành vi làm giả sao kê và kêu gọi từ thiện nhưng không chuyển tiền đúng số lượng cam kết có thể bị xử lý nghiêm theo điều 175 Bộ luật Hình sự 2015. Trong đó quy định về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, bao gồm hành vi vay, mượn hoặc thuê tài sản rồi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản đó. Trong bối cảnh từ thiện, điều này có thể bao gồm việc không thực hiện đúng cam kết về việc quyên góp hoặc chiếm đoạt số tiền quyên góp bằng các thủ đoạn gian dối như làm giả bằng chứng chuyển tiền.

Người phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản có thể bị phạt tù lên đến 12 năm. Ngoài hình phạt tù, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc hành nghề từ 1 đến 5 năm, hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.


.