Lo dịch bệnh phát sinh ở Hải Dương sau ngập úng
Nhiều khu vực ngập úng ở Hải Dương đang đối diện với nguy cơ phát sinh dịch bệnh dù nước đã rút. Công tác vệ sinh môi trường, bảo vệ sức khoẻ người dân đã và đang được các địa phương ưu tiên hàng đầu.
Tiềm ẩn phát sinh dịch bệnh
Đến sáng 19/9, một số tuyến phố, ngõ nhỏ ở các khu dân cư số 7, 8, 9 thuộc phường Hải Tân (TP Hải Dương) vẫn trong tình trạng ẩm ướt, đọng nước đen ngòm. Cành, lá cây sau nhiều ngày ngâm nước bắt đầu phân huỷ, bốc mùi hôi thối khó chịu.
Một dãy nhà trọ ở khu dân cư số 8 ngổn ngang rác thải, nước đọng. Nhiều gia đình tại khu dân cư này đang tích cực vệ sinh, khử trùng nhà cửa sau khi nước rút.
Bà Trương Thị Tiệp ở số 58 phố Trần Ích Phát (khu 8, phường Hải Tân) chỉ vào vết ngấn nước trên tường nhà cho biết: "Nước ngập hết tầng 1 và mới rút 2 hôm nay. Tường nhà và nhiều đồ đạc bị ngâm nước nhiều ngày nên sinh ra nấm mốc, mùi rất khó chịu. Tôi phải tranh thủ dọn dẹp sạch để ngăn ruồi, muỗi, vi khuẩn phát triển gây bệnh".
Các khu dân cư 7, 8, 9 phường Hải Tân bị ngập úng kéo dài. Nước ngập ngoài đường, tràn cả vào nhà của hàng trăm hộ dân, các công trình công cộng, cơ sở giáo dục. Đến ngày 17/9, nước ở các khu vực này mới rút hết.
Lo ngại môi trường ô nhiễm làm tăng nguy cơ phát sinh dịch bệnh, từ ngày 17/9, sau khi nước rút, phường Hải Tân đã huy động cán bộ, công chức, người lao động, các lực lượng công an, quân sự và nhân dân địa phương ra quân tổng vệ sinh môi trường tại 3 khu dân cư trên. Cán bộ, hội viên các đoàn thể từ các khu dân cư không bị ngập cũng tăng cường hỗ trợ.
Trung tâm Y tế TP Hải Dương đã ưu tiên cấp cho phường Hải Tân 22 kg hoá chất CloraminB. Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng hỗ trợ phường 30 kg hoá chất loại này. Các lực lượng chia nhau ra nhiều tuyến phố phun thuốc khử trùng.
"Phường còn phát cho mỗi hộ 1 gói CloraminB để tự phun khử khuẩn. Hằng ngày chúng tôi xuống cơ sở giám sát, hướng dẫn, tham gia cùng nhân dân vệ sinh môi trường để hạn chế thấp nhất nguy cơ dịch bệnh bùng phát", Chủ tịch UBND phường Hải Tân Phạm Văn Mai thông tin.
Sau khi lũ rút, 2 thôn ở ngoài đê sông Thái Bình bị ngập gồm Mỹ Xá (xã Minh Tân) và Lấu Khê (xã Hiệp Cát, cùng huyện Nam Sách) đã ra quân tổng vệ sinh môi trường, phun khử khuẩn dưới sự hỗ trợ của nhiều lực lượng.
Các loại rác thải, bùn đất, xác động vật trôi nổi ở 2 thôn trên đã được xử lý. Tuy nhiên, một số khu vực vẫn còn ngập nước, các loại cây cối ngã đổ dưới ao, kênh mương chưa được thu dọn đang bắt đầu thối rữa, bốc mùi.
Một lượng lớn cá chết trôi dạt ở bờ sông Thái Bình đang bốc mùi hôi thối. Không chỉ gây ô nhiễm không khí, cá phân huỷ còn là môi trường để một số loài truyền bệnh trung gian như ruồi, muỗi phát triển. Sau lũ, nước sông bị ô nhiễm. Bể nước ngầm phục vụ sinh hoạt của một số gia đình cũng bị nước sông xâm nhập.
Bà Đoàn Thị The ở thôn Lấu Khê lo lắng: "Nhiều người dân trong thôn đã bị mắc một số bệnh ngoài da, đặc biệt là nước ăn chân, ngứa".
Giám sát chặt
Ngành y tế Hải Dương đã cung cấp hàng tấn hoá chất Cloramin B về các địa phương để hỗ trợ phun khử khuẩn; tuyên truyền, ban hành nhiều văn bản hướng dẫn vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh trước, trong và sau mưa lũ, nhất là các vùng bị ngập nước. Các địa phương đang tích cực triển khai vệ sinh môi trường theo phương châm "4 tại chỗ".
Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố và trạm y tế các xã nơi có vùng bị ngập hằng ngày đều cử cán bộ giám sát, đôn đốc các lực lượng và nhân dân triển khai nghiêm túc hướng dẫn. Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TP Hải Dương Đặng Văn Nguyên trực tiếp có mặt tại khu dân cư số 8 phường Hải Tân hướng dẫn công tác vệ sinh môi trường nói: "Ngày nào chúng tôi cũng xuống các khu dân cư. Việc này phải được giám sát chặt vì nếu để dịch bệnh bùng phát sẽ gây ra những ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ người dân và phát triển kinh tế - xã hội".
Nước ở thôn Lấu Khê đã rút nhưng y sĩ Cấn Thị Huyền, Phó Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hiệp Cát (Nam Sách) vẫn thường xuyên xuống phát tờ rơi, hướng dẫn nhân dân vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh. Chị Huyền cho hay: "Chúng tôi đã tổ chức phun sát khuẩn toàn thôn. Vài ngày tới sẽ triển khai đợt phun thứ 2. Trạm đang tập trung hướng dẫn các hộ vệ sinh nhà cửa, thau rửa các dụng cụ, vật dụng sau bão lũ".
Những ngày gần đây, mỗi ngày Phòng khám da liễu (Bệnh viện Mắt và Da liễu Hải Dương) có từ 180-200 bệnh nhân đến khám và điều trị các bệnh về nấm, nước ăn chân, hắc lào, nhiễm trùng nang lông, mụn nhọt, ghẻ, viêm da tiếp xúc… Mưa bão, ngập nước kéo dài, môi trường ẩm ướt là nguyên nhân khiến vi khuẩn gây ra các bệnh này phát triển.
Sau mưa bão, lũ lụt, những vùng bị ngập thường có nhiều rác, môi trường nước ô nhiễm, vi khuẩn phát triển. Nếu không tập trung tiêu độc khử trùng, nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh như tiêu chảy cấp, đau mắt, các bệnh ngoài da, sốt xuất huyết... Người dân cần thu gom rác, chôn lấp xác cá và động vật chết theo hướng dẫn, tích cực vệ sinh nhà cửa, vệ sinh cá nhân hằng ngày, thực hiện ăn chín uống sôi, hạn chế tiếp xúc với nước tù đọng. Khi mắc bệnh cần đến cơ sở y tế.