Con chồng tranh chấp tài sản với mẹ kế ở Bình Giang
Vụ con chồng đâm đơn kiện mẹ kế vì tranh chấp tài sản thừa kế xảy ra ở xã Vĩnh Hưng, huyện Bình Giang (Hải Dương).
Ngày 11/9, Tòa án Nhân dân tỉnh Hải Dương xét xử sơ thẩm vụ án tranh chấp thừa kế tài sản và quyền sử dụng đất giữa những con chồng và mẹ kế.
Nguyên đơn là chị Vũ Thị Nga (sinh năm 1975, trú tại thị xã Mỹ Hào, Hưng Yên) là con gái ông Khang. Theo đơn kiện của chị Nga, bố chị là ông Vũ Xuân Khang và mẹ là bà Phùng Thị Trang ở huyện Bình Giang (Hải Dương) sinh được 6 người con gái.
Năm 1993, bà Trang qua đời, ông Khang đưa bà Nguyễn Thị Thảo ở xã Vĩnh Hưng (Bình Giang) về sống chung mà không đăng ký kết hôn. Sau nhiều năm chung sống, ông Khang và bà Thảo sinh được 2 người con gái.
Trước đó, ông Khang và bà Trang có tài sản chung là thửa đất số 181, tờ bản đồ số 2 với diện tích 229 m2 ở xã Vĩnh Hưng. Vợ chồng ông Khang, bà Trang cùng 6 người con cũng có quyền sử dụng hơn 5.000 m2 đất ruộng. Sau khi bà Thảo về chung sống với ông Khang, ông bà đã phá ngôi nhà cũ đi để xây dựng nhà mới, công trình phụ và trồng cây.
Khi các con riêng của ông Khang chưa lập gia đình, mọi người vẫn sống chung với ông Khang, bà Thảo trên đất và cùng canh tác ruộng. Sau khi các con riêng của ông Khang lấy chồng và ra ở riêng, chỉ có ông Khang và bà Thảo cùng các con chung của ông bà quản lý, sử dụng nhà đất và canh tác ruộng. Đến năm 2018, ông Khang qua đời. Cả ông Khang và trước đó là bà Trang đều không để lại di chúc.
Chị Nga đã đề nghị tòa án chia di sản thừa kế của bố mẹ chị là bà Trang, ông Khang với diện tích đất thuộc thửa 181, tờ bản đồ số 02 ở xã Vĩnh Hưng; diện tích đất nông nghiệp; chia di sản thừa kế của ông Khang đối với ½ ngôi nhà và một số tài sản khác.
Khi con chồng khởi kiện, bà Thảo cho biết bà và 2 con chung với ông Khang không được chia ruộng. Khi về sống chung, bà và ông Khang quản lý, sử dụng các di sản của bà Trang trước đây và 1 trong 6 người con gái đã mất. Sau khi ông Khang qua đời, bà và các con trực tiếp quản lý nhà đất và các thửa đất nông nghiệp. Hiện bà không trực tiếp canh tác trên ruộng mà cho người khác mượn để cấy lúa.
Đồng ý với yêu cầu khởi kiện của con chồng, bà Thảo chỉ đề nghị được trích trả công sức trông nom, quản lý di sản thừa kế của ông Khang và bà Trang. Đối với đất ở và nhà trên đất hiện nay, bà Thảo đề nghị trả lại bà một nửa đất ở và nhà trên đất và xin được giao sử dụng ngôi nhà vì hiện nay bà không có chỗ ở nào khác. Đối với ruộng canh tác, bà Thảo đề nghị được chia ruộng để có thể sản xuất nông nghiệp.
Xét tính chất, mức độ của vụ án, Tòa án Nhân dân tỉnh Hải Dương đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của chị Vũ Thị Nga. Tòa đã quyết định giao phần đất ở và nhà ở cho bà Thảo quản lý sử dụng. Bà Thảo phải trả phần chênh lệch được hưởng cho 5 người con của ông Khang và bà Trang được hưởng di sản thừa kế. Còn 2 người con của ông Khang và bà Thảo đã tự nguyện tặng phần được hưởng cho mẹ. Cùng với đó, bà Thảo sẽ phải trả lại phần đất ruộng cho các người con của ông Khang và bà Trang được hưởng theo đúng quy định của pháp luật.
Theo Tòa án Nhân dân tỉnh, từ vụ việc này cho thấy việc giải quyết các vụ án liên quan đến phân chia di sản thường kéo dài, khó giải quyết do quá trình thu thập chứng cứ tại thời điểm đã lâu, những người liên quan đã chết. Một phần nguyên nhân cũng phát sinh từ sự chủ quan trong việc kết hôn, tặng cho, chuyển đổi tài sản... không tuân thủ theo quy định của pháp luật. Việc tranh chấp di sản thừa kế thường liên quan đến nhiều người, nhiều thế hệ khác nhau trong gia đình.
Vì vậy, người dân cần xác định rõ tài sản của mình, trong khối tài sản chung tài sản nào được chia; xác định cho ai, tặng ai, ai được thừa kế để hạn chế các tranh chấp có thể xảy ra... Để không phải "dắt nhau" ra tòa, cùng với việc thực hiện phân chia tài sản theo quy định của pháp luật, các thành viên trong gia đình cũng cần trao đổi, họp bàn, thống nhất để có tiếng nói chung, không vì quyền lợi, tài sản mà mất đi tình thân.
(tên các nhân vật trong vụ án đã được thay đổi)