Chỗ dựa an sinh cho người cao tuổi Hải Dương
Thời gian qua, người cao tuổi ở Hải Dương đã được quan tâm chăm lo với nhiều việc làm thiết thực, nhất là chính sách bảo trợ xã hội tăng thêm từ ngày 1/8, tạo chỗ dựa an sinh tuổi già.
Nâng cao chất lượng sống
Hải Dương là một trong những địa phương đang đối mặt với tình trạng giá hóa dân số diễn ra nhanh. Toàn tỉnh hiện có khoảng 373.000 người cao tuổi, chiếm hơn 18% số dân. Tỷ lệ người già ở mức cao đặt ra nhiều thách thức đối với vấn đề an sinh xã hội, đặc biệt là gánh nặng chăm sóc sức khỏe vật chất và tinh thần.
Song với quan điểm chăm lo, quan tâm đến đời sống tinh thần, vật chất của người cao tuổi là bổn phận, trách nhiệm của mỗi gia đình và toàn xã hội, thời gian qua, các cấp chính quyền, đoàn thể ở Hải Dương đã nỗ lực chung tay chăm sóc người cao tuổi. Một trong những chính sách thiết thực nhất là trên cơ sở quyết định của Trung ương, tỉnh Hải Dương đã nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.
Chính sách này mang đến niềm vui cho các đối tượng bảo trợ hưởng trợ cấp hằng tháng ở Hải Dương nói chung, gần 50.000 người từ đủ 80 tuổi trở lên nói riêng, trong đó có nhiều người cao tuổi hoàn cảnh khó khăn sống chủ yếu phụ thuộc vào nguồn phụ cấp này.
Trong căn nhà nhỏ ở khu 10, phường Tân Bình (TP Hải Dương), ông Vũ Văn Duyệt (sinh năm 1935) cho biết tuổi cao rồi ông không thể làm được gì thêm. Các con mỗi người một hoàn cảnh, dù thương bố nhưng cũng còn nhiều khó khăn. “Cuộc sống của người cao tuổi như tôi rất đạm bạc, chỉ quanh quẩn rau dưa qua bữa là xong. Vì vậy, mức trợ cấp tăng lên cũng đủ giúp tôi mua thức ăn hằng ngày. Khi mình tự trang trải được cuộc sống, các con cũng an lòng hơn mà mình cũng cảm thấy vui”, ông Duyệt chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Đo (86 tuổi) ở thôn Hòa Nhuệ, xã Tiên Động (Tứ Kỳ) nhiều năm qua cùng vợ sống dựa vào nhau vì các con đều ở xa. Hằng ngày, ông bà vẫn làm ruộng trang trải cuộc sống. Ông Đo cho biết: “Sang năm bà nhà tôi cũng được nhận trợ cấp, cuộc sống của 2 vợ chồng bớt khó khăn hơn. Sau này nếu sức khỏe giảm sút không thể lo được việc đồng áng thì vợ chồng tôi có thể dựa vào nguồn trợ cấp cũng đủ ăn đạm bạc qua ngày, mà tuổi già thì cũng đâu cần cao sang gì hơn”.
Sắp tới đây niềm vui còn lan tỏa đến nhiều người cao tuổi hơn bởi từ tháng 7/2025, Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có hiệu lực quy định chuyển chế độ bảo trợ đối với người cao tuổi thành chế độ trợ cấp hưu trí xã hội. Đối tượng thụ hưởng được điều chỉnh từ đủ 80 tuổi xuống còn từ đủ 75 tuổi. Ngoài ra, những người từ đủ 70 đến dưới 75 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo không hưởng lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng cũng được hưởng. Mức hưởng trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng được Chính phủ quy định và cho phép các tỉnh chủ động thêm, bảo đảm không thấp hơn mức hưởng hiện hành.
Vui hưởng tuổi già
Cùng với chế độ trợ cấp xã hội được nâng lên, thời gian qua, người cao tuổi ở Hải Dương cũng được chăm lo thiết thực về tinh thần, sức khỏe để vui hưởng tuổi già. Các cấp Hội Người cao tuổi đã phối hợp với ngành y tế tổ chức khám sức khỏe định kỳ và lập sổ theo dõi sức khỏe ban đầu cho người cao tuổi theo quy định. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, các đơn vị đã phối hợp tổ chức khám bệnh về mắt cho khoảng 30.000 người cao tuổi, mổ thay thủy tinh thể cho hơn 3.500 người; tổ chức 28 lớp tập huấn về chăm sóc sức khỏe, phòng bệnh về mắt cho 668 cán bộ Hội Người cao tuổi cấp huyện, cấp xã trong tỉnh.
Hiện nay, ngoài số người cao tuổi từ đủ 80 tuổi trở lên được chế độ bảo hiểm y tế miễn phí theo quy định, Hải Dương cũng đã quan tâm bố trí kinh phí hỗ trợ người từ đủ 77 đến dưới 80 tuổi 100% số tiền mua bảo hiểm y tế hằng năm, hỗ trợ người từ đủ 70 tuổi đến dưới 77 tuổi 70% số tiền mua bảo hiểm y tế hằng năm.
Theo ông Lương Anh Tế, Chủ tịch Hội Người cao tuổi tỉnh Hải Dương, đây là chính sách rất thiết thực vì người cao tuổi cần quan tâm đến sức khỏe thường xuyên nhưng nhiều người không đủ kinh phí để thăm khám, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Nhờ có thẻ bảo hiểm y tế, sức khỏe, chất lượng cuộc sống của nhiều người cao tuổi được nâng lên rõ rệt.
Bà Nguyễn Thị Kiên (sinh năm 1938) ở phường Bình Hàn (TP Hải Dương) đã 2 lần mổ thay thủy tinh thể miễn phí theo diện người cao tuổi. Vì nhà gần bệnh viện nên bà chỉ cần nhờ con cháu đưa đi trong ngày là xong. “Trước đây mắt tôi rất mờ, nhưng khi được thay thủy tinh thể, tôi đã nhìn rõ hơn rất nhiều. Thậm chí bây giờ còn xỏ được cả kim nữa, vui lắm”, bà Kiên cho biết.
Theo ông Tế thì người cao tuổi thường rất nhạy cảm. Họ rất sợ bị bỏ rơi, bỏ quên nên thường nảy sinh tâm lý tự ti. Việc quan tâm đến người cao tuổi đôi khi không phải là nhiều nhưng lại mang đến giá trị động viên tinh thần rất lớn. Chính vì vậy, sự hỗ trợ của Nhà nước, sự quan tâm của tỉnh, tổ chức hội, các đoàn thể... rất đáng quý đối với người cao tuổi. “Mới đây, tôi về huyện công tác, gặp các cụ vui lắm. Các cụ bảo tăng trợ cấp là các cụ đủ ăn rồi. Vì ở quê, các cụ nuôi được gà, trồng rau nên thêm tiền để mua mắm, muối, dầu, gạo... thế là đủ. Già rồi cũng không còn phải chi tiêu nhiều như trước nữa”, ông Tế kể.
Tuy nhiên, ông Tế cũng cho rằng để xóa mặc cảm, tạo niềm vui đối với người cao tuổi, ngoài sự quan tâm của chính sách thì trong mỗi gia đình, các con cháu cũng cần chăm lo tốt cho ông bà, bố mẹ. Đó mới là giá trị cốt lõi để người cao tuổi sống vui, sống khỏe, sống có ích.
HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 07/2024/NQ-HĐND ngày 12/7/2024, quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh áp dụng từ ngày 1/8/2024 là 550.000 đồng/tháng (cao hơn 50.000 đồng so với quy định của Chính phủ, cao hơn 170.000 đồng so với mức chuẩn trước đây của tỉnh).