Lòng nhân ái của em gái tôi
Tôi tự hào vì có em gái giàu lòng nhân ái và gia đình tôi cũng góp một phần nhỏ vào giúp đỡ đồng bào bị thiệt hại bởi bão lũ.
Mấy hôm nay, Na em gái tôi thỉnh thoảng lại lấy chú lợn đất tiết kiệm ra xem rồi lắc lắc, thì thầm gì đó mà tôi không hiểu. Tiền bố mẹ cho ăn sáng nó cũng giấu nhẹm đi không chịu mua bánh mỳ hay bánh rán rồi chia cho tôi một ít như mọi khi. Tôi đoán nó là muốn mua bộ váy hồng công chúa hoặc bộ đồ chơi nào đó nên quyết định nhịn ăn sáng, tiết kiệm tiền và đập con lợn đất mà nó đã nuôi được gần 2 năm ra để mua. Kể cũng lạ, không biết món đồ chơi nào đắt đỏ thế mà khiến nó có ý định đập con lợn đất tiết kiệm dành dụm bấy lâu để mua như vậy.
Tò mò nên học bài xong tôi lân la hỏi nó. Nó ngồi lặng yên không nói gì. Nải nỉ mãi nó mới chịu chia sẻ. Na bảo:
- Hôm trước em xem ti vi thấy bão lũ to quá mà các bạn trên vùng núi trôi hết sách vở rồi. Nhiều bạn chẳng còn quần áo mà mặc. Nhà bị lũ cuốn sạch, sống cảnh màn trời chiếu đất khổ quá. Em định xin bố mẹ cho đập lợn đất, lấy số tiền ấy để ủng hộ các bạn. Trường của em phát động cuối tuần này gom quần áo, sách vở cũ gửi lên các bạn nhưng em muốn tặng thêm số tiền này.
Nghe Na nói tôi rất bất ngờ. Bởi Na là đứa tiết kiệm. Dù nó mới học lớp 4 nhưng tính toán như bà cụ non. Dịp hè vừa rồi số tiền ông bà ngoại cho thì tôi tiêu pha phung phí mua đồ chơi, truyện tranh trong khi nó lại miệt mài lên thư viện mượn sách về đọc. Đồ chơi thì thỉnh thoảng mới bảo bố mẹ tôi mua cho vài con búp bê, còn tận dụng chơi đồ cũ. Vậy mà lần này nó quyết dốc hết số tiền tiết kiệm để tặng các bạn vùng lũ lụt thì thật lạ. Tôi khâm phục tình thương người của nó. Dù tôi học lớp 7 rồi nhưng mới chỉ biết gom một vài cuốn sách cũ để mang lên trường nộp cho cô chủ nhiệm để tròn trách nhiệm chứ không nghĩ được như Na.
Trưa chủ nhật, cả nhà quầy quần bên mâm cơm, cùng xem ti vi về tình hình lũ lụt tôi mới thấy mình còn may mắn. Nghe câu chuyện làng Nủ, nhiều em đã mãi mãi không còn được đến lớp chỉ sau một cơn lũ, tôi cảm nhận được sự mất mát, đáng thương của người dân vùng lũ. Không chỉ làng Nủ, nhiều nơi vẫn chưa có điện. Nước ngập lưng mái nhà, thiếu ăn, cần được hỗ trợ. Đợt bão vừa rồi nhà tôi may mắn không bị ngập hôm nào, chỉ có vài cây cảnh của bố bị bật gốc. Xem những hình ảnh, câu chuyện về sự tàn phá của cơn bão số 3 tôi mới hiểu vì sao cái Na làm như vậy. Chiều nay, tôi cũng sẽ xin phép bố mẹ cho đập con lợn đất của mình để rủ cái Na cùng quyên góp, ủng hộ các bạn vùng bão lũ.
Vậy là tối hôm ấy, ăn cơm xong hai anh em chúng tôi quyết định xin phép bố mẹ mổ lợn. Ban đầu cũng sợ bố mẹ không đồng ý vì số tiền tiết kiệm của hai anh em tôi trong gần 2 năm không nhỏ nhưng khi đề xuất bố mẹ ủng hộ ngay. Không những vậy cả ông, bà, bố và chú Long cũng góp thêm. Vậy là cả nhà tôi gom được gần 5 triệu đồng để ủng hộ đồng bào bão lũ. Cái Na còn làm tuyên truyền viên tích cực ở lớp. Nó vận động các bạn cùng tổ ủng hộ.
Tôi tự hào vì có e gái giàu lòng nhân ái và gia đình tôi cũng góp một phần nhỏ vào giúp đỡ đồng bào sau bão số 3. Qua câu chuyện của Na, chắc chắn đề văn "Lá lành đùm lá rách" cô giáo mới giao sẽ không làm khó tôi.