Thống nhất một số nội dung chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan gửi tài liệu đến đại biểu Quốc hội chậm nhất ngày 1/10; không đề nghị bổ sung nội dung họp sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát hành công văn triệu tập Kỳ họp.
Sáng 17/9, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đồng chủ trì Hội nghị giữa Đảng đoàn Quốc hội và Ban Cán sự Đảng Chính phủ nhằm trao đổi, thống nhất một số nội dung chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Tham dự có các Ủy viên Bộ Chính trị: Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang; Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang.
Thay đổi tư duy, cách làm trong xây dựng pháp luật
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết kỳ họp thứ 8 là kỳ họp có nội dung nhiều nhất từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay. Cuộc họp hôm nay rất có ý nghĩa, họp trước hơn 1 tháng để các cơ quan liên quan có thời gian trao đổi cặn kẽ, thẳng thắn, đề xuất kiến nghị cụ thể và xử lý các vấn đề phát sinh.
Theo Chủ tịch Quốc hội, thời gian qua, công tác phối hợp giữa các cơ quan của Chính phủ với các cơ quan của Quốc hội ngày càng chặt chẽ, nhịp nhàng, thực chất, hiệu quả. Các cơ quan đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, chuẩn bị từ sớm, từ xa, làm việc ngày đêm để chuẩn bị cho các dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan gửi tài liệu đến đại biểu Quốc hội chậm nhất ngày 1/10/2024 đối với các nội dung trình Quốc hội xem xét, thông qua; không đề nghị bổ sung nội dung vào chương trình Kỳ họp thứ 8 sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát hành công văn triệu tập Kỳ họp.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh cơn bão số 3 vừa qua diễn biến rất phức tạp, hậu quả để lại rất nặng nề. Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân lại thêm khó khăn mới, thách thức mới. Chính phủ đứng trước khó khăn, áp lực thêm trong việc thu, chi ngân sách, thực hiện mục tiêu tăng trưởng, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát để đảm bảo cuộc sống người dân.
Vì vậy, Đảng đoàn Quốc hội sẽ phối hợp thực chất, hiệu quả với Ban Cán sự Đảng Chính phủ để thể chế kịp thời, giải quyết các vướng mắc, khó khăn, đáp ứng yêu cầu thực tiễn vì sự phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo đời sống người dân, thúc đẩy tăng trưởng.
Vấn đề nào vượt thẩm quyền của Chính phủ thì xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẵn sàng họp bất cứ lúc nào để giải quyết khó khăn, vướng mắc. Những vấn đề vượt thẩm quyền, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo Quốc hội, thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm là việc xây dựng pháp luật phải xuất phát từ thực tiễn, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không cầu toàn, không nóng vội; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, khơi thông nguồn lực, giải quyết, khắc phục các điểm nghẽn. Tất cả vì sự phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước, đảm bảo đời sống của nhân dân.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định các cơ quan của Quốc hội luôn sẵn sàng tiếp nhận đề nghị, hồ sơ, nghiên cứu trước các nội dung dự kiến Chính phủ sẽ trình Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội đề nghị việc gì chưa rõ, chưa thống nhất, còn ý kiến khác nhau thì các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra phải ngồi với nhau nhiều lần, kể cả các lãnh đạo, trưởng ngành trên tinh thần xây dựng, trao đổi, tranh luận có lý lẽ khoa học, thực tiễn để đi đến thống nhất phương án.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các lãnh đạo được phân công chỉ đạo, theo dõi thực hiện phải đeo bám đến cùng, tránh tình trạng nay cử đồng chí này, mai cử đồng chí khác đi họp. Tới đây, Chính phủ sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sẽ thay đổi tư duy, cách làm trong xây dựng pháp luật, đảm bảo đơn giản hóa, tăng cường phân cấp, phân quyền, đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng.
Vừa tập trung quản lý hiệu quả, vừa góp phần kiến tạo sự phát triển
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc vào ngày 21/10/2024. Dự kiến thời gian làm việc là 29 ngày; được tổ chức thành 2 đợt: đợt 1 từ ngày 21/10-13/11/2024; đợt 2 từ ngày 20-30/11/2024.
Dự kiến tại Kỳ họp, Quốc hội sẽ xem xét 39 nội dung, trong đó có 29 nội dung thuộc công tác lập pháp; 10 nhóm nội dung về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát, công tác nhân sự và các vấn đề khác.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận nhằm thống nhất về nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 8, nhất là những dự án luật, nghị quyết nào đã đủ điều kiện trình Quốc hội; những dự án luật, nghị quyết nào chưa trình, liệu có kịp tiến độ thời gian, chất lượng theo quy định không.
Các đại biểu cũng trao đổi về việc chuẩn bị nội dung những dự án luật, nghị quyết đề nghị bổ sung vào chương trình Kỳ họp thứ 8 (nhất là những dự án luật, nghị quyết thông qua tại Kỳ họp theo quy trình rút gọn).
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Chính phủ thời gian qua.
Để chuẩn bị tốt cho Kỳ họp thứ 8, Thủ tướng Chính phủ đề nghị hai bên tăng cường phối hợp ngay từ khâu soạn thảo dự thảo văn bản với tinh thần "vướng ở đâu thì tháo gỡ ở đó". Hai bên chia sẻ, cung cấp tài liệu; các bộ, ngành chủ động làm việc với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội với tinh thần tích cực, chủ động, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, công tác xây dựng pháp luật ngoài việc phải thể chế hóa, cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng một cách nghiêm túc để tổ chức thực hiện thì cần tiếp tục đổi mới tư duy từ tập trung cho công tác quản lý sang vừa tập trung quản lý hiệu quả, vừa góp phần kiến tạo sự phát triển; đổi mới ngay trong cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm định, mở ra không gian kiến tạo cho sự phát triển, huy động mọi nguồn lực của xã hội, của nhân dân.
Thủ tướng lưu ý các cơ quan có thể nghiên cứu, đề xuất vấn đề nào cần quy định chi tiết, cụ thể, rõ ràng; vấn đề nào tác động nhiều, chưa ổn định thì khái quát; trên cơ sở đó tiếp tục hoàn thiện.
"Tinh thần là cái gì đã rõ, đã chín, thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, đa số đồng tình thì luật hóa. Cái gì chưa chín, chưa rõ, thực tiễn còn biến động, diễn biến phức tạp, khó lường thì thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần", Thủ tướng nhấn mạnh.
Người đứng đầu Chính phủ cũng đề cập đến việc tập trung cho phân cấp, phân quyền; đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, thiết kế công cụ để tăng cường giám sát, kiểm tra; nâng cao tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm. Các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện có hiệu quả các quyết định của mình; chịu trách nhiệm vấn đề hậu kiểm.
Trung ương, Chính phủ, Quốc hội xây dựng chính sách, định hướng, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch tăng cường công cụ giám sát, kiểm tra. Việc phân công phải rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ sản phẩm, kiểm tra cho tốt. Tinh thần là phân cấp triệt để, tăng cường chịu trách nhiệm, khuyến khích đổi mới, sáng tạo.
Bên cạnh đó, giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho người dân, doanh nghiệp; xóa bỏ cơ chế xin-cho; không tạo môi trường dễ dẫn đến tham nhũng, tiêu cực.
Cơ bản thống nhất với chương trình Kỳ họp thứ 8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai bên tích cực phối hợp chặt chẽ để giải quyết các điểm nghẽn, ách tắc. Các bộ trưởng, trưởng ngành nắm bắt tình hình với tinh thần cao nhất, vừa nâng cao chất lượng, vừa đảm bảo tiến độ các nội dung trình Quốc hội.
Hai bên cùng nhau rà soát lại, phát huy tinh thần trách nhiệm để giải quyết theo thẩm quyền, không đùn đẩy, né tránh. Những vấn đề nào vượt thẩm quyền của Chính phủ, Quốc hội thì mới xin chủ trương của Bộ Chính trị.
Để phấn đấu hoàn thành mục tiêu mà Đại hội Đảng toàn quốc đã đề ra, Thủ tướng Chính phủ cho rằng phải quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa.