Nhiều người chưa biết đến Trung tâm Học tập cộng đồng
Trung tâm Học tập cộng đồng được biết đến là "trường học nhân dân", góp phần tích cực tạo cơ hội học tập thường xuyên, học tập suốt đời cho người dân. Nhưng nhiều người chưa biết đến trung tâm này.
Hoạt động chưa hiệu quả
Cũng như nhiều người dân ở các địa phương khác trong tỉnh, bà Nguyễn Thị Bẩy ở xã Quốc Tuấn (Nam Sách) cho biết chưa từng nghe đến Trung tâm Học tập cộng đồng, cũng chưa hiểu trung tâm đó có chức năng gì.
“Cũng có lần tôi dự hội thảo ở hội trường xã về các giống lúa, loại phân bón nhưng không biết đó có phải là một hình thức hoạt động của Trung tâm Học tập cộng đồng hay không. Để người dân biết đến thì những người quản lý nên nói rõ đó là hoạt động của trung tâm, đồng thời có biển bảng tên trung tâm, ghi rõ những ngành nghề và lớp học mà trung tâm có dạy trên tấm bảng hoặc có những tấm băng rôn treo kèm theo mỗi khi có những chuyên đề học tập”, bà Bẩy nói.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Mạnh ở thôn Bái Hạ, xã Toàn Thắng (Gia Lộc) cho biết: “Giờ được hỏi thì tôi mới biết, chứ trước giờ tôi chưa nghe xã có Trung tâm Học tập cộng đồng. Không chỉ riêng tôi mà có nhiều người lâu nay không hề biết Trung tâm Học tập cộng đồng ở đâu, dạy cái gì. Nếu trung tâm này có tại địa phương thì nên thường xuyên tuyên truyền, phổ biến rộng rãi để người dân biết”.
Có mặt tại xã Toàn Thắng, ông Phạm Văn Duy, Phó Chủ tịch UBND xã, Giám đốc Trung tâm Học tập cộng đồng xã Toàn Thắng chỉ tay về phía hội trường xã cho biết dù không có biển hiệu nhưng đó tạm được gọi là Trung tâm Học tập cộng đồng của xã. Trụ sở làm việc, phương tiện, thiết bị hỗ trợ để trung tâm hoạt động đều nhờ phòng làm việc của Phó Chủ tịch UBND xã.
“Bình quân mỗi năm, trung tâm phối hợp với các đoàn thể tổ chức từ 5-7 buổi các chuyên đề học tập hoặc tập huấn, hội thảo. Mỗi buổi khoảng 50-100 người dân tham gia, chủ yếu là người cao tuổi. Hoạt động của trung tâm rất khó khăn cả về nhân lực, cơ sở vật chất và không có kinh phí. Mỗi lần tập huấn, UBND xã phải hỗ trợ một phần kinh phí nên trung tâm rất bị động. Do đó, hoạt động của trung tâm còn chưa thực sự hiệu quả”, ông Duy nói.
Theo khảo sát thực tế của phóng viên, phần lớn các Trung tâm Học tập cộng đồng đều không có trụ sở, không có biển hiệu. Công tác tuyên truyền về sự tồn tại của trung tâm còn hạn chế, hoạt động của trung tâm chưa hiệu quả. Việc vận động người dân tham gia học tập cũng khó khăn do nhiều người chưa tích cực. Nội dung các chuyên đề học tập, tập huấn chưa hấp dẫn người dân... Đây là những nguyên nhân khiến nhiều người chưa biết đến Trung tâm Học tập cộng đồng tại địa phương.
Nhiều khó khăn
Theo quy định, Trung tâm Học tập cộng đồng có nhiệm vụ tổ chức thực hiện hiệu quả công tác xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ, củng cố chất lượng phổ cập giáo dục; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức nhằm mở rộng hiểu biết, nâng cao nhận thức và cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân dân trong cộng đồng; phối hợp triển khai các chương trình khuyến công, khuyến nông, khuyến ngư và các dự án, chương trình tại địa phương.
Trung tâm tổ chức các hoạt động giao lưu văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, đọc sách báo, tư vấn khuyến học, giáo dục cho con em nhân dân địa phương, phòng chống tệ nạn xã hội. Đồng thời, điều tra nhu cầu học tập của cộng đồng, xây dựng nội dung và hình thức học tập phù hợp với điều kiện cụ thể của từng nhóm đối tượng.
Một số chuyên gia giáo dục, khuyến học nhận định Trung tâm Học tập cộng đồng có vai trò quan trọng trong bảo đảm sự công bằng và bình đẳng xã hội về giáo dục, vì sự phát triển bền vững tại cộng đồng dân cư ở cấp xã. Đặc biệt, khi sự phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng của khoa học kỹ thuật, nhất là công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu, công nghệ năng lượng, trí tuệ nhân tạo… thì trung tâm càng có vai trò trong việc phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương.
Tuy nhiên, đa số trung tâm hoạt động chưa hiệu quả và thực chất do gặp nhiều khó khăn. Hạn chế và khó khăn nhất của các trung tâm hiện nay là chưa có phòng làm việc riêng, phương tiện và trang thiết bị không có. Mọi hoạt động nếu có đều nhờ tại hội trường, nhà văn hoá xã, thôn.
Đặc biệt, ngân sách nhà nước chi cho hoạt động của trung tâm không có mà chủ yếu từ nguồn xã hội hoá hoặc “cấu” ra từ nguồn chi thường xuyên của mỗi địa phương nên đã ảnh hưởng đến việc mở lớp và tổ chức các hoạt động của trung tâm.
Không chỉ khó khăn về cơ sở vật chất, nhân lực của trung tâm đều là cán bộ kiêm nhiệm như Giám đốc trung tâm thường là Phó Chủ tịch UBND cấp xã, Phó Giám đốc trung tâm là Hiệu trưởng một trường học tại địa phương và một lãnh đạo đoàn thể nào đó. Vì phải quán xuyến nhiều nhiệm vụ khác của địa phương, đơn vị nên thời gian dành cho hoạt động của trung tâm còn hạn chế. Trong khi đó, bộ máy của nhiều trung tâm không cơ cấu cán bộ khuyến học.
Mặt khác, phụ cấp cho cán bộ phụ trách các hoạt động của trung tâm ít, thậm chí không đủ tiền xăng xe để đi tuyên truyền, vận động người dân nên chưa khích lệ được sự nhiệt tình của họ. Thậm chí có cán bộ phụ trách còn chưa hiểu rõ về chức năng, nhiệm vụ và vai trò của trung tâm. Không ít trung tâm chưa đi sâu khảo sát nhu cầu học tập của người dân, nội dung tuyên truyền, học tập còn lặp đi lặp lại nên chưa thu hút được đông đảo nhân dân.
Nâng cao năng lực cho cán bộ trung tâm
Hiện 100% cấp xã trong tỉnh đã thành lập được Trung tâm Học tập cộng đồng. Dù đã có những kết quả bước đầu nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, trong đó đội ngũ cán bộ phụ trách trung tâm.
Do đó, cần thiết phải nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ của Trung tâm Học tập cộng đồng. Bổ sung thêm cơ cấu cho bộ máy hoạt động của trung tâm. Ngoài Phó Chủ tịch UBND cấp xã là Phó Giám đốc, cần bổ sung thêm lãnh đạo Hội Khuyến học tham gia kiêm nhiệm Phó Giám đốc trung tâm. Đây thường là những giáo viên đã về hưu có kinh nghiệm, tâm huyết và có nhiều thời gian để quan tâm hơn cho hoạt động của trung tâm. Nên để Hội Khuyến học cơ sở giữ vai trò nòng cốt trong công tác tham mưu, xây dựng phong trào và vận động quần chúng; các tổ chức chính trị - xã hội chủ động kết hợp, tự giác và gương mẫu cùng cấp ủy, chính quyền thực hiện những việc trên.
Mỗi trung tâm nên có ít nhất một cán bộ thường trực để chịu trách nhiệm về các công việc thường xuyên như lập kế hoạch, tham mưu triển khai thực hiện các hoạt động giáo dục...
Nguyễn Văn Nhang, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Hải Dương
Cấp kinh phí hoạt động cho Trung tâm Học tập cộng đồng
Ngoài cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực, kinh phí để Trung tâm Học tập cộng đồng duy trì hoạt động thường xuyên rất quan trọng. Thực tế, ngoài kinh phí hỗ trợ ban đầu khi thành lập trung tâm, hằng năm các đơn vị phải tự cân đối ngân sách, huy động nguồn xã hội hóa để duy trì hoạt động. Không có nguồn kinh phí cố định nên việc triển khai các hoạt động cũng bị động, không hiệu quả.
Do đó, cần ưu tiên cấp một phần kinh phí cố định hằng năm cho các trung tâm. Có kinh phí cố định sẽ tạo điều kiện cho các trung tâm chủ động xây dựng kế hoạch cũng như tổ chức nhiều hoạt động hơn. Từ đó, các cán bộ trung tâm sẽ có điều kiện thuận lợi hơn để tham mưu, phối hợp và đẩy mạnh xã hội hoá.
Việc vận động người dân tham gia các hoạt động của trung tâm không hề dễ dàng nên cần có một phần kinh phí nhỏ hỗ trợ để thu hút người dân.
Hiện những cán bộ phụ trách trung tâm được hỗ trợ từ 70.000 - 100.000 đồng/tháng. Vì vậy, cũng cần nghiên cứu tăng thêm kinh phí để khích lệ hơn tinh thần, trách nhiệm của những người này.
Nguyễn Thị Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Học tập cộng đồng xã Quốc Tuấn (Nam Sách)
Đổi mới, đa dạng nội dung chương trình học tập
Một nguyên nhân dẫn đến Trung tâm Hoạt động cộng đồng chưa hiệu quả, chưa thu hút được đông đảo người dân là do nội dung chương trình học tập chưa phong phú, chưa đáp ứng được nhu cầu người học.
Vì vậy, ngoài tuyên truyền sâu rộng để người dân biết đến sự tồn tại của trung tâm thì các trung tâm cần đổi mới nội dung chương trình học tập. Đổi mới cả cách thức truyền đạt tới người dân bằng cách cầm tay chỉ việc, thực hành tại khu vực sản xuất… Tất nhiên phải tùy vào điều kiện cụ thể mà mỗi trung tâm cần tổ chức các loại chương trình phù hợp và hiệu quả. Khi xây dựng chương trình hoạt động của trung tâm cần dựa trên nhu cầu của nhân dân, cộng đồng, chương trình hoạt động của các ban, ngành, đoàn thể, khả năng, nguồn lực của địa phương và của trung tâm. Phải làm sao để mỗi người học lại là một tuyên truyền viên, hướng dẫn những nông dân khác sau mỗi chương trình học tập.
Đặc biệt, lứa tuổi tham gia chương trình học tập chủ yếu là người lớn, do đó các trung tâm cần chọn nội dung dạy học phù hợp với từng đối tượng người học; phát huy tính tích cực, độc lập của người học; sử dụng các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học thích hợp; chọn địa điểm và thời gian học tập hợp lý; tạo ra môi trường học tập thuận lợi cho người học.
Nguyễn Văn Luật, Chủ tịch Hội Nông dân xã Toàn Thắng (Gia Lộc)