Tản văn

Thương cây ngày bão

VŨ THANH HƯNG 24/09/2024 14:00

Cơn bão số 3 đi qua, nhìn cây gục gãy, bật gốc, ngã rạp, tan tác, xơ xác, thấy thương cây biết bao nhiêu!

z5838529856687_db869fca98feb230e26ef7db390a5c1b.jpg
Bão số 3 khiến nhiều cây xanh ở Hải Dương bị gãy đổ

Hành tinh của chúng ta, ba phần tư là đại dương, một phần tư là đất liền. Trên diện tích đất liền quý giá ấy, con người và muôn loài cỏ cây, muông thú cùng nhau sinh trưởng, tồn tại, nương tựa vào nhau. Thảm thực vật phong phú, đa dạng làm nên màu xanh trù phú, dịu mát cho Trái Đất. Cây cho ta bóng mát những ngày hè nắng lửa. Cây ngăn gió, bão. Cây chống xói mòn. Cây cho hoa thơm, trái ngọt, hạt bùi, lá non. Cây là nguồn thức ăn quý giá trong chuỗi thức ăn nuôi sống con người cùng vạn vật. Cây cho thuốc quý chữa bệnh. Cây cho gỗ làm nhà, làm vật dụng đẹp bền. Ở đâu có cây, ở đó có sự sống.

Cây cối có hàng trăm nghìn loài khác nhau, từ loài thân cỏ mọc sát mặt đất tới loài thân gỗ vươn cao chạm mây, từ loài lá to đến loài lá nhỏ, từ loài rau thơm thân mềm đến cổ thụ cứng cáp, từ loài sống thành khóm, thành bụi đến loài sống riêng lẻ, từ loài được người ta gieo trồng đến loài tự mọc hoang dã... tất cả đều có tên gọi. Ai biết gọi tên càng nhiều loài cây, chắc chắn người đó có vốn sống, vốn trải nghiệm càng phong phú, dồi dào.

Nếu ai yêu cây sẽ để ý thấy cây rất giống người. Rễ cây là chân. Thân cây là mình. Cành cây là cánh tay. Lá cây là con mắt. Nhựa cây là máu. Hoa quả là cách cây sinh sản để duy trì giống nòi. Cây mượn gió rì rào để cất tiếng nói lúc êm đềm, tình tứ; lúc đùa nghịch vui vẻ; lúc phẫn nộ, đớn đau... Cây bám rễ vào lòng đất, cần mẫn, chắt chiu, kiên cường, bền bỉ. Cây cũng có tuổi, có vòng đời. Cây non, cây trưởng thành, cây già, rồi cây chết đi. Những loài cây thân gỗ cổ thụ, vòng đời càng già, gỗ càng chắc, càng quý. Lim, sến, táu, dổi, de... được con người khai thác lấy gỗ làm nhà, làm cửa, ấy cũng là cách cây chuyển kiếp về ở với người, biến thành vật dụng có ích. Có loài cây khi sống làm nhà cho kiến, ong, chồn, sóc nhưng khi ngã xuống vẫn để lại trầm thơm quý giá vô vàn.

Cây gắn bó với người đời đời, kiếp kiếp. Cây thân thuộc với người từ trong vườn, trong làng, ngoài phố. Nhiều loài cây như đa, đề, đinh trống, tre pheo... đã trở thành biểu tượng của làng mạc, trở thành nỗi nhớ và ký ức của người xa quê. Những cụ xà cừ lão thành, những cây bàng trĩu quả, những chùm phượng vĩ đỏ thắm đã gắn bó, thân thuộc với bao lớp người dưới mái trường mến thương. Ở đâu có người, ở đó có cây. Ở đâu có cây, ở đó có sự sống, có kỷ niệm. Tôi tin rằng trong ký ức của bất kỳ người nào cũng từng có hơn một kỷ niệm, hơn một nỗi nhớ, một mối tình về một loài cây mà họ đã từng gặp gỡ, thân thiết trong cuộc đời.

Cây không vô tri, vô giác. Phải tinh tế, lắng nghe mới thấy. Ngày thường, cây âm thầm cần mẫn lao động, cống hiến theo cách riêng. Ngày bão, cây oằn mình chống chọi với cơn giận dữ cuồng nộ của gió. Cơn bão số 3 lịch sử vừa đi qua miền Bắc với sức gió giật trên cấp 17, mạnh chưa từng thấy. Nhìn cây ngả nghiêng, dẻo dai chống chọi với giông bão, thấy cây kiên cường biết chừng nào! Nhìn cây gục gãy, bật gốc, ngã rạp, tan tác, xơ xác, thấy thương cây biết bao nhiêu! Nhưng khi giông bão qua đi, chỉ cần còn gốc, còn rễ bám đất, còn lơ thơ ít lá để quang hợp, cây sẽ tự chữa lành vết thương mà hồi sinh kỳ diệu. Lá mới sẽ mọc lên, cành mới sẽ ra đời, từ quả rụng, ngàn ngàn, vạn vạn cây con sẽ mọc lên, màu xanh lại bạt ngàn như chưa hề có biến cố, đau thương nào. Sức sống của cây, của tự nhiên nhiệm màu, kỳ diệu biết bao!

VŨ THANH HƯNG