"Tích cốc phòng cơ" để làm gì?
Những ngày qua, các chợ, siêu thị ở Hải Dương cơ bản đều đầy ắp thực phẩm làm cho công cuộc "tích cốc phòng cơ" của nhiều người trở thành... công cốc.
Sáng 16/9, trên xe đi làm, tôi nghe đài và lập tức bị thu hút bởi một cuộc trò chuyện về bản lĩnh doanh nhân giữa ông Phạm Thanh Hưng hay còn gọi "Shark Hưng", Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Cen Group - một trong những tập đoàn bất động sản hàng đầu Việt Nam với phóng viên. Điều tôi quan tâm chính là chia sẻ của ông Hưng về việc chuẩn bị cho 100 tháng chịu đựng khủng hoảng của doanh nghiệp vì dịch Covid-19, để giữa thời điểm "ngủ đông" vì dịch bệnh đây vẫn gần như là sàn giao dịch duy nhất ở Việt Nam hoạt động tốt.
Là một doanh nhân nổi tiếng tham gia chương trình “Shark Tank - Thương vụ bạc tỷ” nhiều năm qua, nhưng ông Hưng đã nhắc đến chuyện chuẩn bị, lo xa, "tích cốc phòng cơ" cho mọi tình huống như bao nhiêu người dân Việt khác. Như bà tôi nhiều năm vẫn luôn tích góp từng mớ lá chuối khô, từng nắm rau bòn mót trong vườn, từng cọng rơm để bện chổi... mang ra bán ở chợ làng. Từ những đồng tiền chắt bóp của bà, từ mái nhà lợp tranh, ông bà tôi có nhà ngói sớm gần nhất làng. Như mẹ tôi đều đặn giã lạc làm muối vừng, kho nồi cá tép phơi khô dự trữ phòng khi trời mưa gió... nên chúng tôi chưa bao giờ bị đói.
Tuy nhiên, việc tích trữ lương thực, thực phẩm ngày nay không còn quá cần thiết. Chúng ta không còn cần ăn quá nhiều. Ấy vậy nhưng vừa qua, khi mới có tin đồn về việc vỡ đê ở Hải Dương do bão lũ, vẫn có một bộ phận không nhỏ người dân xuất hiện tâm lý lo lắng, vội vã ra chợ, siêu thị mua về la liệt thực phẩm về tích trữ. Hình ảnh các ngăn hàng rau quả, thực phẩm trống rỗng ở một vài siêu thị lập tức tràn ngập trên mạng xã hội.
Sau bão lũ, cũng trên mạng xã hội đã có những câu chuyện đùa về việc “giải cứu” mì tôm cho những gia đình đã tích mì tôm và đồ ăn thức uống đủ dùng cho vài tháng. Thực tế trong những ngày qua, các chợ, siêu thị ở Hải Dương đều đã hoạt động bình thường, đầy ắp thực phẩm làm cho công cuộc "tích cốc phòng cơ" của nhiều người trở thành... công cốc.
Điều tôi thấm hơn từ câu chuyện Shark Hưng chia sẻ không chỉ là chuẩn bị về vốn liếng, lương thực, mà là sự tích cóp, chuẩn bị dài hơi cho cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình, mỗi địa phương. Thay cho việc chỉ ăn ngon, mặc đẹp, có những người hàng xóm của tôi không đi du lịch, không ăn uống ngoài hàng quán, không ăn diện xa hoa nhưng họ đã có ngôi nhà vững chãi, to rộng để yên tâm đi qua thiên tai. Nhiều người thay cho việc hối hả đi mua sắm đồ tích trữ bằng việc chằng buộc chắc chắn lại mái nhà, gia cố lại bờ kè ao nuôi cá, kê đồ đạc lên cao, sớm bọc gói những đồ dùng cần thiết để sẵn sàng di chuyển đến nơi an toàn ngay từ khi mới nghe các thông tin về cơn bão dữ.
Tất nhiên, đối mặt với thiên tai, khủng hoảng thường là những “cuộc chiến” không cân sức. Nhưng nếu có sự chuẩn bị, có tiềm lực, như Quảng Ninh, Hải Phòng – những địa phương dù bị bão số 3 tàn phá nặng nề nhưng đã nhường phần hỗ trợ 100 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương cho tỉnh khác thì nên tích cóp để giàu mạnh lắm chứ.
Đứa con nhỏ của tôi có lần hỏi, tại sao cứ phải tằn tiện, tiết kiệm để làm gì? Đến hôm nay, sau khi con lần đầu tiên phải chứng kiến thiên tai khốc liệt, đã xem, đã nghe về những mất mát do thiên tai gây ra, tôi mới trả lời con rằng tích cóp chính là để ai ai cũng có ngôi nhà kiên cố, cao ráo để trú ẩn; để mỗi địa phương có những cây cầu, con đường kiên cố, để khi qua khó khăn vẫn có cơ hội, điều kiện để lại vững vàng đứng lên.