Người dân Hải Dương gấp rút ổn định đời sống sau lũ
Nước rút, nắng lên, khắp nơi ở Hải Dương gấp rút khắc phục hậu quả do bão lũ. Đời sống người dân, nhất là ở những vùng phải di dời đang dần ổn định trở lại.
Đồng loạt tổng vệ sinh
Sáng 15/9, tình trạng ngập lụt tại thôn Lấu Khê ở ngoài đê sông Thái Bình thuộc xã Hiệp Cát (Nam Sách) cơ bản chấm dứt. Tuyến đường trục chính dẫn vào thôn đã có thể đi lại được. Nước từ trong nhà, sân vườn của nhiều hộ dân nơi đây cũng rút hết.
Lấu Khê là một trong những thôn ngoài đê ở Hải Dương bị ngập nước nặng do mưa lũ. Khắp nơi trong thôn, đâu đâu cũng thấy bùn đất, rác thải ngập ngụa.
Sáng sớm, hầu hết các gia đình trong thôn đã thức dậy, hô hào nhau tổng vệ sinh môi trường. Công việc bộn bề, mệt nhọc nhưng nụ cười đã hiện lên trên khuôn mặt của người dân nơi đây. Bà Phạm Thị Loan, một người dân trong thôn nói: "Nước rút là mừng lắm rồi. Nhà nhà, người người cùng cố gắng thì cuộc sống sẽ sớm ổn định trở lại. Bà con đang hỗ trợ nhau cũng tích cực lắm".
Hơn 30 cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an và 60 người thuộc các hội, đoàn thể địa phương chung tay hỗ trợ bà con thôn Lấu Khê khắc phục hậu quả sau bão, vệ sinh môi trường. "Chúng tôi đã được cấp 50 kg thuốc để khử khuẩn toàn bộ môi trường thôn Lấu Khê. Hệ thống điện, nước trong thôn cũng đang được các lực lượng tổ chức khắc phục. Trong thời gian chờ có điện trở lại, xã đã vận động ủng hộ 233 chiếc bếp ga mini cho tất cả các gia đình ở đây để nấu ăn. Lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm vẫn được cung cấp, hỗ trợ đầy đủ cho các gia đình", Chủ tịch UBND xã Hiệp Cát Nguyễn Văn Thành thông tin.
Từ sáng 14/9, hơn 100 người dân ở các thôn Tiên Động, My Đồng thuộc xã Hồng Phong (Thanh Miện) phấn khởi trở về nhà sau gần 1 tuần di đời đến nơi an toàn. Một cuộc tổng vệ sinh môi trường, giải phóng bùn đất, rác thải trôi dạt trong sân vườn, đường làng, ngõ xóm được nhân dân nơi đây nhanh chóng triển khai. Hàng chục cán bộ, hội viên thuộc Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên đã được xã huy động hỗ trợ người dân các thôn dọn dẹp nhà cửa và di chuyển đồ đạc, tài sản. Cuộc sống bình yên đang dần trở lại.
Tại huyện Ninh Giang, toàn bộ 1.823 người dân ở các xã thuộc diện di dời đã trở về nhà an toàn từ ngày 14/9. "Các lực lượng từ huyện đến cơ sở đã và đang triển khai các hoạt động hỗ trợ những khu vực dân cư bị ảnh hưởng do thiên tai như tổng vệ sinh môi trường, giúp đỡ nhân dân dọn dẹp nhà cửa, vận chuyển đồ đạc, thu gom cây cối bị đổ. Đây là nhiệm vụ được huyện ưu tiên hàng đầu hiện nay", Chủ tịch UBND huyện Ninh Giang Phan Nhật Thanh nhấn mạnh.
Hai mẹ con bà Vũ Thị Xoa ở thôn 2, xã Văn Hội (Ninh Giang) thuộc diện di dời vừa trở về nhà an toàn hồ hởi nói: "Tài sản, đồ đạc của gia đình được chính quyền bảo vệ an toàn nên tôi mừng lắm. Gia đình có bị hư hại một ít diện tích rau màu nhưng tôi sẽ sớm khôi phục lại được".
Hàng trăm người dân ở vùng "rốn nước" xã Hà Thanh (Tứ Kỳ) đi di dời tạm thời cũng đã trở lại nhà an toàn sau khi nước rút. Điều đáng mừng là ngoài diện tích cây cối, hoa màu thì nhà cửa của các gia đình không bị thiệt hại nhiều.
Không chủ quan
Huyện Thanh Hà có 1.670 hộ, 2.684 người di dời khi có báo động lũ. Đến sáng ngày 15/9 các hộ sinh sống ở ven đê (khoảng 95% số dân trong diện di dời) đã về nơi ở, dọn dẹp nhà cửa, ổn định lại cuộc sống. Còn lại những hộ sinh sống ở vùng đất bãi ngoài đê vẫn còn ngập nước, chính quyền địa phương chỉ cho đại diện gia đình (là người khoẻ mạnh) về dọn dẹp nhà cửa trước.
Xã Thanh Quang có xóm Đồng Ngành bị ngập sâu nhất. Nước sông Thái Bình hiện đang rút nhưng còn chậm và nguy cơ nước ngập ở xóm này do thuỷ triều vẫn cao. Chủ tịch UBND xã Thanh Quang Nguyễn Văn Khoa cho biết địa phương vẫn yêu cầu các lực lượng, người dân nâng cao cảnh giác. Đặc biệt là người già và trẻ nhỏ vẫn chưa được trở lại xóm Đồng Ngành trước khi rút tất cả các mức báo động. Một số người trẻ, khoẻ mạnh có thể ra để dọn dẹp nhưng luôn phải bảo đảm các điều kiện an toàn.
Chủ tịch UBND phường Chí Minh (Chí Linh) Vũ Văn Nho cho biết mặc dù các khu dân cư có nguy cơ chưa bị ngập lụt. Tuy nhiên, do mực nước trên các sông vẫn cao, đề phòng những tình huống xấu có thể xảy ra, hầu hết người già, trẻ nhỏ thuộc diện di dời vẫn đang sống tạm nhà người thân. Khi nào tình hình thực sự bảo đảm an toàn mới chuyển về.
Cùng với công tác vệ sinh môi trường, nhân dân khắp nơi trong tỉnh đang tập trung khắc phục thiệt hại do bão lũ. Chính quyền nhiều địa phương hỗ trợ người dân lợp lại nhà cửa bị tốc mái, dọn dẹp diện tích lúa, hoa màu, cây cối bị thiệt hại, tiêu thụ cá lồng...