Tác động từ cuộc tranh luận tổng thống đến bầu cử Mỹ 2024
Một cuộc đối đầu căng thẳng, thể hiện rõ sự phân cực trong chính trị Mỹ được thể hiện trong cuộc tranh luận giữa Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump.
Theo hãng tin AP ngày 13/9, cuộc tranh luận giữa Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump hôm 10/9 (giờ Mỹ) vừa qua đã mang đến một cuộc đối đầu kịch tính, đánh dấu một trong những khoảnh khắc quan trọng nhất trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ 2024. Sự kiện này không chỉ làm nổi bật sự khác biệt sâu sắc giữa hai ứng cử viên về các vấn đề như phá thai, nhập cư, và nền dân chủ, mà còn phản ánh sự phân cực chính trị hiện tại của nước Mỹ.
Trong suốt cuộc tranh luận, bà Harris đã đưa ra những lập luận mạnh mẽ chống lại ông Trump, không ngần ngại khiêu khích ông bằng những lời nhắc nhở về thất bại trong cuộc bầu cử năm 2020 - một kết quả mà cựu Tổng thống Trump vẫn từ chối chấp nhận. Bà liên tục chế giễu những tuyên bố sai sự thật của ông Trump và nhấn mạnh vai trò của ông trong việc Tòa án Tối cao lật ngược quyền phá thai trên toàn quốc 2 năm trước. Đối mặt với những chỉ trích này, ông Trump đã phản công bằng cách chỉ trích bà Harris là quá tự do, cho rằng bà chỉ là sự tiếp nối của chính quyền không được lòng dân của Tổng thống Joe Biden.
Cuộc tranh luận diễn ra chỉ còn chưa đầy hai tháng trước Ngày bầu cử (5/11) và ngay trước khi các lá phiếu sớm bắt đầu được gửi qua đường bưu điện tại Alabama, tạo ra một thời điểm quan trọng để các cử tri đánh giá sự khác biệt giữa hai ứng cử viên. Bà Harris dường như cố gắng định vị bản thân như một sự lựa chọn giải tỏa cho những cử tri muốn thoát khỏi chính trị đầy tranh cãi của ông Trump. Sự tương phản này được làm nổi bật qua các lập luận của bà Harris, khiến ông Trump mất tập trung và đi lệch khỏi các chủ đề chính trong chiến dịch của mình.
Giáo sư truyền thông chính trị Ben Warner, người đã theo dõi cuộc tranh luận cùng sinh viên tại Đại học Missouri, cho biết bà Harris đã thành công trong việc ngăn chặn ông Trump tập trung vào các vấn đề then chốt như nhập cư và lạm phát. Thay vào đó, ông Trump liên tục quay lại bảo vệ bản thân về cuộc bầu cử năm 2020 và vai trò của ông vào ngày 6/1/2020 (thời điểm những người biểu tình ủng hộ ông Trump tràn vào toà nhà Quốc hội Mỹ). "Đó là lần đầu tiên chúng ta thấy ông Trump đi chệch hướng. Ông ấy nên nhấn mạnh một trong những vấn đề tốt nhất của mình, nhưng lại nói về các cuộc vận động", Giáo sư Warner nhận xét.
Ông Trump, mặc dù liên tục ở thế phòng thủ, đã tìm cách thúc đẩy thông điệp cốt lõi của chiến dịch rằng lạm phát và nhập cư đang gây tổn thương cho người Mỹ. Ông cho rằng những người nhập cư đã "phá hủy cấu trúc của đất nước," và liên tục gắn kết bà Harris với Tổng thống đương nhiệm Jo Biden. "Bà ấy là Biden", ông Trump khẳng định, nhấn mạnh rằng lạm phát và nền kinh tế là vấn đề mà bà Harris không thể thoát khỏi. Phó Tổng thống Harris, đáp trả mạnh mẽ, nhấn mạnh rằng bà không phải là Joe Biden hay Donald Trump, mà đại diện cho một thế hệ lãnh đạo mới.
Kết quả các cuộc thăm dò nhanh sau cuộc tranh luận cho thấy khoảng 6 trong số 10 người xem cho rằng bà Harris đã thể hiện tốt hơn, vượt quá mong đợi của họ. Tuy nhiên, cuộc tranh luận dường như không có ảnh hưởng lớn đến quyết định bỏ phiếu của cử tri, với nhiều người vẫn giữ nguyên quan điểm trước và sau sự kiện. Bà Harris đã cải thiện nhẹ về mặt tỷ lệ những người có cái nhìn tích cực về bà, đặc biệt là ở khả năng xử lý vấn đề phá thai và bảo vệ nền dân chủ. Tuy nhiên, ông Trump vẫn giữ vững lợi thế về kinh tế và nhập cư - những vấn đề mà ông cho là đang làm khổ người dân Mỹ.
Cuộc tranh luận này đã củng cố vai trò của của bà Harris như một ứng cử viên đại diện cho sự thay đổi và một hướng đi mới cho nước Mỹ, trong khi ông Trump tiếp tục đóng vai trò là người bảo vệ các giá trị truyền thống và kinh tế của đảng Cộng hòa. Mặc dù tác động trực tiếp đến lá phiếu của cử tri là không rõ ràng, cuộc tranh luận đã mang lại cho cử tri một cái nhìn sâu sắc hơn về hai ứng cử viên, định hình nhận thức về cuộc đua giành chức tổng thống.