Nước phương Tây đầu tiên hoàn toàn ủng hộ Ukraine dùng tên lửa tấn công vào Nga
Thủ tướng Justin Trudeau tuyên bố Canada hoàn toàn ủng hộ Kiev sử dụng vũ khí tầm xa để ngăn chặn khả năng liên tục của Liên bang Nga trong việc làm suy yếu cơ sở hạ tầng dân sự của Ukraine.
Thủ tướng Canada, ông Justin Trudeau ngày 13/9 đã bày tỏ lập trường ủng hộ Ukraine tấn công vào sâu bên trong lãnh thổ Liên bang Nga, bất chấp những đe dọa của Moskva rằng hành động này sẽ kéo Ottawa và các đồng minh vào một cuộc chiến tranh trực tiếp.
Ông Trudeau cho rằng Ukraine cần phải giành chiến thắng trong cuộc chiến với Liên bang Nga, đồng thời nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ tiếp tục ở đó để hỗ trợ Ukraine” và “Canada hoàn toàn ủng hộ Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa để ngăn chặn việc Moskva tiếp tục sử dụng khả năng của mình làm suy yếu cơ sở hạ tầng dân sự của Ukraine”.
Phát biểu của Thủ tướng Canada đưa ra trong bối cảnh nhiều tháng qua, Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelensky nhiều lần đề nghị đồng mình cho phép Kiev sử dụng tên lửa do phương Tây cung cấp, bao gồm tên lửa tầm xa ATACMS của Mỹ và Storm Shadows của Anh để tấn công sâu trong lãnh thổ Liên bang Nga.
Thậm chí trong một phát biểu ở Kiev hôm 13/9, hãng tin AFP cho biết ông Zelensky lên tiếng cáo buộc phương Tây quá "sợ" đến mức không dám nêu khả năng bắn hạ tên lửa và thiết bị bay không người lái của Liên bang Nga nhắm vào Ukraine, mặc dù phương Tây đang giúp Israel làm như vậy.
Tuy nhiên, tới ngày 13/9, Mỹ, nước cung cấp viện trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine vẫn chưa thay đổi chính sách đối với Kiev.
Hôm 13/9, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà Trắng, ông John Kirby cho biết Mỹ không có kế hoạch công bố bất kỳ chính sách mới nào về Ukraine và việc sử dụng tên lửa tầm xa.
Ông Kirby nói với các phóng viên: “Không có thay đổi nào đối với quan điểm của chúng tôi về việc cung cấp khả năng tấn công tầm xa để Ukraine sử dụng (tấn công vào) bên trong nước Nga".
Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà Trắng nói thêm rằng ông “không mong đợi bất kỳ thông báo quan trọng nào về vấn đề đó" từ các cuộc thảo luận giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Keir Starmer tại Washington, D.C., vào ngày 13/9.
Cùng ngày, người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Hebestreit cũng tuyên bố các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Anh về khả năng tấn công sâu vào lãnh thổ Nga không liên quan đến vũ khí của Đức, vì Berlin vẫn không thay đổi quyết định không chuyển giao tên lửa hành trình tầm xa Taurus cho Kiev.
Đối với Anh, ngày 11/9, tờ Guardian dẫn các nguồn tin ẩn danh từ chính phủ Anh cho biết, London đã bật đèn xanh cho Kiev sử dụng tên lửa Storm Shadow để tấn công sâu hơn vào lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, tới nay, London vẫn chưa đưa ra thông báo chính thức hay bình luận liên quan.
Về phần mình, vào ngày 12/9, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin cảnh báo việc sử dụng vũ khí tầm xa có độ chính xác cao của phương Tây chống lại Nga đồng nghĩa với việc các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ trực tiếp tham gia vào các hoạt động quân sự ở Ukraine.
Theo nhà lãnh đạo Liên bang Nga, sự can dự này sẽ thay đổi đáng kể bản chất của cuộc xung đột và Moskva sẽ đưa ra các quyết định phù hợp dựa trên các mối đe dọa đang phải đối mặt.
Liên quan tới vấn đề nêu trên, vào hôm 11/9, Điện Kremlin cảnh báo Moskva sẽ đáp trả “tương xứng” nếu Mỹ dỡ bỏ hạn chế đối với Ukraine trong việc sử dụng tên lửa do Washington cung cấp để tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Liên bang Nga.
Về phần mình, Thứ trưởng Ngoại giao Liên bang Nga Sergei Ryabkov tuyên bố Moskva sẽ tiêu diệt bất kỳ lô tên lửa mới nào thuộc Hệ thống tên lửa chiến thuật Lục quân (ATACMS) tầm xa mà Mỹ chuyển giao cho Ukraine.
Cùng ngày, Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Liên bang Nga Vyacheslav Volodin tuyên bố trên tài khoản Telegram rằng nước này sẽ coi Mỹ cùng các đồng minh là các bên tham chiến ở Ukraine, khẳng định Moskva sẽ dùng vũ khí mạnh hơn nếu phương Tây cho phép Kiev sử dụng vũ khí tầm xa để tấn công vào sâu bên trong lãnh thổ Liên bang Nga.