Đỉnh lũ các sông Thái Bình, Kinh Thầy, Rạng ở Hải Dương cao nhất trong 28 năm qua
Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Hải Dương, đỉnh lũ các sông Thái Bình, Kinh Thầy, Rạng qua địa bàn tỉnh cao nhất trong ngày 12/9, là mức cao nhất trong 28 năm qua. Hiện lũ ở các sông trên địa bàn tỉnh đang xuống chậm song vẫn ở mức cao.
Đỉnh lũ các sông thuộc hệ thống sông Thái Bình và các sông khu hạ lưu đều xuất hiện trong ngày 12/9 nhưng khác thời điểm. Đỉnh lũ sông Thái Bình tại Phả Lại đạt mức 6,25 m vào lúc 18 giờ, cao hơn báo động III là 0,25 m; sông Gùa tại Bá Nha đạt 3,18 m lúc 15 giờ 10, cao hơn báo động III 0,48 m; sông Kinh Thầy tại Bến Bình đạt 4,94 m lúc 17 giờ 30, cao hơn báo động III 0,44 m; sông Rạng tại Quảng Đạt ở mức 3,38 m lúc 16 giờ 30, cao hơn báo động III 0,48 m; sông Kinh Môn tại An Phụ đạt 3,64 m lúc 16 giờ 30, cao hơn báo động III 0,74 m. Riêng sông Luộc tại La Tiến đỉnh lũ đạt 5,1 m lúc 15 giờ ngày 11/9, cao hơn mức báo động II 0,4 m.
Đỉnh lũ các sông Thái Bình, Kinh Thầy, Rạng đạt cao nhất trong 28 năm qua (năm 1996 đỉnh lũ sông Thái Bình ở mức 6,52 m, sông Kinh Thầy 5,53 m, sông Rạng 3,41 m). Đỉnh lũ các sông Gùa, Kinh Môn vượt lũ lịch sử năm 1996. Riêng sông Luộc không có số liệu so sánh vì các năm trước điểm đo mực nước tại Bến Trại.
Đến sáng 14/9, mực nước các sông khu vực Hải Dương đã xuống nhưng biến đổi chậm. Lúc 7 giờ cùng ngày, mực nước sông Thái Bình tại Phả Lại 5,4 m, trên mức báo động II 0,4 m; sông Kinh Thầy tại Bến Bình 4,26 m, thấp hơn báo động III 0,24 m; sông Rạng tại Quảng Đạt 2,69 m, thấp hơn báo động III 0,21m; sông Gùa tại Bá Nha 2,45 m, thấp hơn báo động III 0,25 m; sông Kinh Môn tại An Phụ 2,94 m, cao hơn báo động III 0,04 m; sông Luộc tại La Tiến 3,35 m, thấp hơn báo động I 0,85 m.
Dự báo trong 12-24 giờ tới, mực nước các sông Thái Bình, Kinh Thầy xuống chậm, sông Luộc đang xuống, các sông khu vực hạ lưu biến động theo ảnh hưởng của thủy triều. Lũ trên sông vẫn ở mức cao kết hợp triều cường có thể gây ra tình trạng ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, gây ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt của người dân, các hoạt động giao thông, nuôi thủy sản trên sông và sản xuất nông nghiệp ngoài bãi sông. Ngoài ra, còn có khả năng làm xuất hiện các sự cố đê điều.