Giới sân khấu tề tựu ngày giỗ tổ
Trịnh Kim Chi, Kim Xuân, Hồng Ánh cùng nhiều diễn viên sân khấu TP Hồ Chí Minh ôn chuyện nghề, quyên góp hỗ trợ người miền Bắc chịu thiên tai dịp giỗ tổ.
Dịp giỗ tổ sân khấu (12/8 âm lịch hằng năm), ngoài hoạt động tưởng nhớ tiền nhân, nhiều đơn vị nghệ thuật hưởng ứng lời kêu gọi hướng về các địa phương chịu bão lũ. Tại Nhà thờ tổ sân khấu (quận 1) sáng 13/9, bà Trịnh Kim Chi - Trưởng ban ái hữu nghệ sĩ, Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh cho biết hội dùng 30 triệu đồng tiền nghệ sĩ cúng giỗ tổ gửi đến Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh, nhằm hỗ trợ người dân gặp nạn sau bão Yagi.
Nhiều nơi ủng hộ khắc phục hậu quả thiên tai bằng các suất diễn. Hồng Vân cho biết sân khấu chị dùng tiền vé thu được trong hai vở Bông cánh cò (ngày 13/9), Mẹ và người tình (ngày 15/9), trao cho Ủy ban MTTQ Việt Nam quận 3. Chị xúc động khi toàn bộ nghệ sĩ lẫn học trò nói không nhận cátxê để đóng góp thêm. Diễn viên Bình Tinh đại diện đoàn tuồng cổ Huỳnh Long gửi 50 triệu đồng sau suất hát Thập tứ nữ anh hào.
Mỹ Uyên, Giám đốc Nhà hát Kịch 5B (quận 3) nói trước lễ giỗ tổ một ngày, chị gửi thư nhắn nhủ các đồng nghiệp chỉ cần đến thắp hương, không mang đồ cúng. Kinh phí sửa soạn mâm lễ được quy thành tiền, gửi vào thùng quyên góp của đơn vị. Đại diện Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang (quận 1) cho biết sẽ chỉ làm lễ sáng 14/9, không tổ chức tiệc họp mặt như mọi năm.
Ông Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu đánh giá năm nay, nhiều nơi tổ chức lễ gọn gàng, tiết kiệm hơn, giảm bớt phần giải trí, ca hát. "Không ai bảo ai, mọi người đều chủ động ủng hộ, gửi khoản hỗ trợ đến các tổ chức nhà nước, thể hiện tinh thần trách nhiệm với cộng đồng", ông nói.
Như truyền thống các năm, một số sân khấu giỗ tổ sớm, thu hút đông đảo diễn viên đến dâng hương. Tại Idecaf - một trong những sàn diễn lâu đời nhất thành phố, từ sáng, khoảng 170 diễn viên đến xếp hàng trước bàn thờ tam vị thánh tổ. Nghệ sĩ Thanh Thủy cho biết sau một năm, chị và đồng nghiệp hạnh phúc khi được quây quần trong ngày trọng đại.
"Chúng tôi hàn huyên kỷ niệm thời mới đi diễn, mong giữ được tình yêu nghề để truyền lửa cho lớp trẻ", Thanh Thủy nói. Thời gian qua, diễn viên 61 tuổi vẫn hoạt động bền bỉ, liên tục tham gia nhiều tác phẩm "cháy" vé như Ngày xửa ngày xưa số 35, 12 bà mụ.
Sau khi Ban Giám đốc Idecaf thành lập thêm Nhà hát Thanh Niên năm 2022, lượng diễn viên trẻ của đơn vị hiện chiếm khoảng 70%. BB Trần nói dịp giỗ tổ hằng năm, Idecaf luôn là một trong những điểm anh đến đầu tiên. Mỗi tuần, từ thứ sáu đến chủ nhật, anh dành trọn thời gian cho kịch, góp mặt trong nhiều vở như Lạc lối Bangkok, Thanh Xà Bạch Xà. Gần đây, dù lấn sân truyền hình thực tế với show Anh trai vượt ngàn chông gai, diễn viên nói luôn hướng về sàn diễn.
"Hoạt động ở mảng nào, tôi vẫn xem kịch nói là cái nôi nuôi dưỡng đam mê, nâng cao tay nghề. Tôi thích cảm giác tương tác với khán giả, xem họ cười, vỗ tay hưởng ứng trước những mảng miếng", anh cho biết.
Nhìn các diễn viên hội ngộ, chia nhau những phần lộc từ "tổ nghề", ông bầu Huỳnh Anh Tuấn xúc động khi sân khấu vượt nhiều khó khăn. Năm ngoái, đơn vị đối diện biến động về nhân sự, một số gương mặt chủ chốt sang nơi khác, trong đó có nghệ sĩ Thành Lộc, Hữu Châu. Dù vậy, nhiều vở vẫn được đón nhận nồng nhiệt, riêng vở Ngày xửa ngày xưa - công diễn dịp hè năm nay - đạt 40.000 lượt người xem, con số kỷ lục trong các mùa.
Tuy nhiên, theo Giám đốc Idecaf, khó khăn nhất với kịch nói vẫn là câu chuyện sáng tạo. Để tiếp cận công chúng trẻ, các vở phải mang tinh thần đời sống đương đại, đeo bám thời sự, dù kịch bản mới hay dựng lại. "Nhiều khán giả ngày nay mau đến, mau đi vì thời đại của TikTok lên ngôi, thị hiếu thay đổi liên tục. Nếu không kịp cập nhật, chúng tôi dễ thất bại", ông Tuấn cho biết.