Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2024 được tổ chức từ ngày 1 đến 7/10
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tổ chức Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2024.
Theo đó, Tuần lễ được tổ chức từ ngày 1 - 7/10/2024, với chủ đề “Phát triển văn hóa đọc thúc đẩy học tập suốt đời”. Lễ khai mạc được tổ chức vào ngày 1/10.
Căn cứ vào chủ đề năm 2024 và điều kiện cụ thể của địa phương, UBND các tỉnh chỉ đạo triển khai Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời với hình thức, nội dung phù hợp, linh hoạt, sáng tạo, huy động tối đa các nguồn lực tổ chức các hoạt động phát triển văn hóa đọc thúc đẩy học tập suốt đời.
Bộ Giáo dục và Đào tạo gợi ý một số hoạt động, gồm: Đẩy mạnh và đổi mới các hoạt động thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các cổng thông tin điện tử của đơn vị, tổ chức liên quan, các trang mạng xã hội về tầm quan trọng và vai trò của việc phát triển văn hóa đọc thúc đẩy học tập suốt đời. Các địa phương treo băng rôn, khẩu hiệu tại các cơ sở giáo dục, các công xưởng, nhà máy, văn phòng, cơ quan và nơi công cộng; tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức về chủ đề và các hoạt động của Tuần lễ để người dân biết và tham gia.
Các địa phương tổ chức Lễ khai mạc Tuần lễ có sự tham gia của đại diện lãnh đạo cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, tổ chức xã hội, doanh nghiệp có liên quan; đại diện các cơ sở giáo dục, các thiết chế văn hóa, các cơ quan thông tin đại chúng; đại diện của các tầng lớp nhân dân, học sinh, học viên, sinh viên trên địa bàn. Đồng thời, triển khai các hoạt động của Tuần lễ với các hình thức phù hợp, hiệu quả; chú trọng địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện khó khăn, nhằm tạo sự hưởng ứng của xã hội một cách sâu rộng, đưa chủ đề của Tuần lễ vào cuộc sống một cách thiết thực.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng gợi ý tổ chức các Hội sách để giới thiệu sách mới, tạo không gian giao lưu giữa tác giả và độc giả; thành lập các câu lạc bộ đọc sách báo theo chủ đề, độ tuổi, giúp mọi người cùng nhau đọc và chia sẻ cảm nhận; tổ chức các cuộc thi viết, vẽ, kể chuyện dựa trên sách báo để kích thích sự sáng tạo và yêu thích đọc sách báo; tổ chức các hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về đổi mới thư viện trường học và phát triển văn hóa đọc trong cơ sở giáo dục, cộng đồng; tổ chức các sự kiện, hoạt động giao lưu, các cuộc thi, buổi tọa đàm... nhằm khuyến khích học sinh, sinh viên, giáo viên, cán bộ quản lí, người dân đọc sách; phát động học sinh, sinh viên và mọi người dân quyên góp sách xây dựng tủ sách lớp học cho các trường vùng sâu, vùng xa.
Các cơ sở giáo dục đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá theo hướng tận dụng các nguồn học liệu, tài liệu tham khảo, thông tin ngoài sách giáo khoa, giáo trình để nâng cao chất lượng giáo dục, khuyến khích học sinh, sinh viên đọc các tài liệu in và tài liệu kỹ thuật số, rèn luyện năng lực tự học, năng lực học tập suốt đời.
Các địa phương đa dạng hóa các dịch vụ thư viện; đẩy mạnh dịch vụ thư viện lưu động tại các địa phương, nhất là ở vùng nông thôn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; tăng cường luân chuyển sách, báo, tài liệu giữa các thư viện, chú trọng luân chuyển từ hệ thống thư viện công cộng tới các địa bàn nông thôn, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đến các trường học, đồn Biên phòng, trại giam, các thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng.