Việc tử tế

Chung tay giải cứu nông sản Hải Dương bị ảnh hưởng do mưa lũ

HIỀN TRANG 13/09/2024 05:00

Do ảnh hưởng của bão số 3 và lũ dâng cao, sản xuất nông nghiệp của Hải Dương bị thiệt hại nặng. Người dân Hải Dương và các tổ chức, đoàn thể đang chung tay giải cứu nông sản, góp phần giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ gây ra.

dualuoi(1).jpg
Đoàn viên thanh niên xã Phạm Trấn (Gia Lộc) tham gia giải cứu dưa lưới giúp bà con nông dân (ảnh cơ sở cung cấp)

Chung tay tiêu thụ

Biết được thông tin về giải cứu cá lồng, bà Trần Thị Cúc ở thị trấn Nam Sách và nhiều người dân lên tận khu vực đầu thôn Lấu Khê, xã Hiệp Cát (Nam Sách) để mua cá ủng hộ nông dân. Bà Cúc chia sẻ: "Mưa bão, bà con nông dân thiệt hại nhiều quá. Chúng tôi không có điều kiện để hỗ trợ nhiều cho bà con, chỉ có thể ủng hộ bằng việc mua cá, mong chủ các lồng nuôi gỡ gạc được một phần vốn liếng".

70% số diện tích trong số 45 ha nhà màng, nhà lưới của xã Phạm Trấn (Gia Lộc) bị đổ sập hoàn toàn sau bão số 3, còn lại là diện tích có thể khôi phục. Đây là địa phương có diện tích dưa lưới trồng trong nhà màng, nhà lưới bị thiệt hại nhiều nhất tỉnh. Ông Phùng Đình Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phạm Trấn cho biết: "Ngay khi ngớt mưa bão, địa phương đã huy động người dân và đoàn viên thanh niên hỗ trợ thu hoạch dưa và dọn dẹp ở các khu vực nhà màng, nhà lưới bị thiệt hại. Đến nay, địa phương đã chung tay hỗ trợ tiêu thụ hơn 30 tấn dưa lưới cho nông dân. Số dưa này chưa đến kỳ thu hoạch nhưng vẫn được tiêu thụ nhanh chóng".

Do ảnh hưởng của bão số 3, tại nhiều địa phương, nông sản của bà con nông dân đã bị thiệt hại nặng nề. Nhiều diện tích lớn trồng bưởi, chuối, đu đủ... bị rụng quả, cây gãy đổ rạp. Phần lớn các loại nông sản này đều chưa đến kỳ thu hoạch. Trước tình hình đó, người dân ở khắp nơi đã cùng nhau kêu gọi, chung tay để giải cứu nông sản giúp bà con.

Lực lượng thanh niên tình nguyện đã đến các vùng ngập lụt để hỗ trợ bà con nông dân thu hoạch và vận chuyển nông sản đến nơi an toàn, kêu gọi nhiều tổ chức, đoàn thể, cá nhân chung tay tiêu thụ. Chiều 12/9, mặc dù trời có lúc mưa nặng hạt nhưng rất nhiều người dân vẫn xếp thành hàng dài ở Quảng trường Thống Nhất (TP Hải Dương) để mua cá lồng. Cá được bán ra đồng giá 120.000 đồng/con. Nhiều đoàn viên thanh niên đã có mặt tại đây để bán cá giúp bà con. Trước đó ngày 11/9, Tỉnh đoàn và Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh Hải Dương đã phối hợp phát động "Chương trình giải cứu tiêu thụ cá lồng trên sông cho bà con nông dân do ảnh hưởng của mưa lũ lớn sau bão số 3". Theo lãnh đạo Tỉnh đoàn, Tỉnh đoàn đã chỉ đạo các cấp bộ đoàn trong tỉnh căn cứ theo tình hình thực tế tại địa phương để tiến hành giải cứu một số loại nông sản cho bà con nông dân như cá lồng, dưa hấu, bưởi, chuối ở các huyện Nam Sách, Thanh Hà, Tứ Kỳ…

Giảm bớt thiệt hại

mua ca
Chiều 12/9, tại Quảng trường Thống Nhất (TP Hải Dương), rất đông người dân xếp hàng chờ mua, giải cứu cá lồng cho bà con nông dân

Chị Bùi Thị Thu Hoài có 10 lồng bè nuôi cá ngạnh và cá chép giòn ở thôn Lấu Khê, xã Hiệp Cát (Nam Sách). Trước bão lũ, gia đình chị đã chằng chống, gia cố lồng bè để đề phòng gió lớn gây thiệt hại. Thế nhưng, sau bão, nước lũ dâng cao, dòng chảy siết cùng nhiều vật cản va chạm vào lồng bè đã làm 2 lồng cá bị vỡ.

"Sau bão ngớt, tôi huy động người thân, bạn bè hỗ trợ thu hoạch cá bán chạy, mong vớt vát chút vốn liếng. Từ hôm qua đến nay, tôi thu hoạch cá bán lẻ cho người dân trong vùng. Cá bán chạy lũ nên người dân đến mua giải cứu nhiều. Tuy nhiên, do mưa bão cùng nước sông dâng cao, thu hoạch cá khó nên lượng tiêu thụ chưa nhiều", chị Hoài nói.

Nhiều lồng bè nuôi cá trên sông của nhiều hộ khác cũng đang khẩn trương huy động nhân lực hỗ trợ thu hoạch cá để giảm thiểu thiệt hại. Ông Nguyễn Văn Nam, một hộ nuôi cá lồng bè ở xã Nam Tân (Nam Sách) cho biết: "Nước sông dâng cao cùng với lượng phù sa lớn và nhiều vật cản trôi nổi trên sông làm gia tăng nguy cơ làm vỡ các lồng bè nuôi cá. Gia đình tôi vẫn còn khoảng 150 tấn cá lồng ở dưới sông. Chúng tôi cố gắng thu hoạch nhanh, kể cả những lồng cá chưa đến kỳ thu hoạch. Giá bán cá rất rẻ chỉ từ 40.000-50.000 đồng/kg, nhiều loại cá đặc sản như cá lăng, cá tầm cũng chỉ 80.000-90.000 đồng/kg. Cá lồng còn có thể vớt vát được một phần vốn liếng nhưng các diện tích cá nuôi ngoài bãi sông thì đã mất trắng".

Việc giải cứu nông sản đã được nhiều tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp và người dân chung tay hưởng ứng. Đó là những hình ảnh đẹp sau cơn bão, góp phần phát huy truyền thống tương thân tương ái, đùm bọc lẫn nhau của người Hải Dương.

HIỀN TRANG