Góc nhìn

Để yên cho mọi người chống bão lũ

KIM THANH 13/09/2024 05:30

Trong khi chính quyền địa phương và lực lượng chức năng đang nỗ lực khắc phục hậu quả của bão số 3 và mưa lũ thì một số người lại mua thêm việc cho lực lượng chức năng bằng những tin đồn vô căn cứ, những hành động chạy lũ vô lối.

0 to
Lo ngại bị úng ngập, nhiều người mang ô tô lên đậu trên đồi cỏ gần khách sạn Nam Cường (ảnh trên Facebook)

Đã lâu rồi Hải Dương mới lại chịu ảnh hưởng nặng nề đến thế từ mưa bão, lũ, úng ngập. Trước bão, do nắm được thông tin về sức mạnh của siêu bão, nhiều người đã bảo nhau đi mua đồ tích trữ. Nhưng điều họ không lường được là khi bão đổ bộ vào địa phận Hải Dương lại có sức tàn phá ghê gớm đến thế. Bão đã khiến chúng ta có thời điểm không điện, không mạng điện thoại, không internet... Và chính bởi thế, những nhà đã thay thế toàn bộ bếp gas bằng bếp từ, bếp điện, lò vi sóng, nồi chiên không dầu… mà không có bếp cồn, không có củi… thì dù có tích trữ thịt lợn, thịt gà, gạo… đầy đủ cũng chỉ còn cách ăn mì tôm sống.

Sau khi bão đi qua, nhiều mái nhà, cửa hàng, công sở, trường học tốc mái, đổ tường... Nhiều cây cổ thụ bật gốc gây nguy hiểm. Ngay sau bão là nỗi lo lụt lội, cuộc sống sinh hoạt ở nhiều vùng trong tỉnh bị đảo lộn. Nhiều địa phương phải cấp tốc di dời dân sống ở vùng ngoài đê tới nơi an toàn, chạy đua để giúp dân thu hoạch nông sản…

tich-tich.jpg
Nhiều cửa hàng, siêu thị "cháy" hàng vì người dân mua tích trữ với số lượng lớn

Nhưng đúng lúc này lại có tin đồn "vỡ đê". Đó cũng là nguyên nhân khiến nhiều quầy hàng thiết yếu như gạo, mì tôm, bếp cồn, đèn tích điện... lại đông như nêm. Nhiều chủ xe ô tô đánh xe lên những khu cao như đồi cỏ gần khách sạn Nam Cường, cầu chữ Y... để chạy lũ lụt. Hay tin đồn về việc Công ty CP Kinh doanh nước sạch Hải Dương gửi tin nhắn tới khách hàng thông báo mất nước kéo dài... cũng khiến nhiều người hoang mang.

Sau vụ sập cầu Phong Châu (Phú Thọ), trong khi chính quyền, lực lượng chức năng trong tỉnh lo rà soát, lên phương án phân luồng giao thông ở những cầu yếu để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện qua cầu thì nhiều người lại đua nhau lên các cây cầu để livestream, chụp ảnh, quay phim đưa lên mạng xã hội. Việc tụ tập trên cầu vừa gây nguy hiểm cho bản thân họ, vừa làm cản trở giao thông.

Cho tới hôm nay, dù bão số 3 đã qua gần 1 tuần nhưng những nguy hiểm mà nó để lại vẫn tiềm tàng. Trên địa bàn tỉnh vẫn còn đó nhiều gốc cây đổ nghiêng có nguy cơ bật gốc bất cứ lúc nào. Nhiều bãi rác lớn là cành, rễ, gốc cây đổ được chặt bỏ và chất tạm ven đường khiến tầm nhìn của người tham gia giao thông bị hạn chế, việc đi lại cũng khó khăn hơn do lòng đường một số nơi vẫn bị thu hẹp…

Toàn bộ hệ thống chính trị, nhất là các lực lượng thường trực phòng chống thiên tai đang nỗ lực từng ngày. Và thực tế mọi chuyện vẫn đang trong tầm kiểm soát của chính quyền và lực lượng chức năng. Hệ thống đê vẫn an toàn. Nên chúng ta cần bình tĩnh, cẩn trọng nhưng cũng không được chủ quan khi đối mặt với những mối nguy hiểm tiềm tàng. Hãy chung tay để thu dọn, khắc phục hậu quả của bão lụt bằng nhiều cách như nhiều hội, đoàn thể đang tham gia tổng vệ sinh môi trường ở khu dân cư, hộ đê, nấu nướng cung cấp những suất ăn cho các lực lượng đang làm nhiệm vụ, cho bà con đang phải sơ tán hay đang trong vùng ngập sâu, mất điện, mất nước… Còn nếu không thể làm những việc có ích như vậy thì chí ít cũng đừng tham gia vào những việc vô nghĩa như tung tin đồn thất thiệt, gây rối lòng dân, nhiễu loạn thị trường… để chính quyền và lực lượng chức năng đã bận còn thêm việc và ảnh hưởng đến công tác phòng chống thiên tai.

KIM THANH