Để người dân không bị “móc túi”
Khi thiên tai, dịch bệnh xảy ra, không ít người dân hoang mang, tích trữ thực phẩm khiến cho cung không đủ cầu. Lợi dụng tình hình này, nhiều mặt hàng được đẩy giá bán khiến không ít người bị "móc túi".
Sau khi cơn bão số 3 đi qua cộng thêm tình hình lũ phức tạp ở miền Bắc đã ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường hàng hóa tiêu dùng và tâm lý của người dân. Giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống người dân tăng lên nhiều so với bình thường. Trên mạng xã hội, thường xuyên có những chia sẻ về tình trạng ở nơi này, nơi kia có người bán hàng với mức giá cao ngất ngưởng. Một suất cơm ngày thường đầy đủ rau, thịt, đậu... với giá 40.000 đồng nhưng nay vẫn giá ấy chỉ có 2-3 miếng thịt, không có rau. Một quả bí xanh được bán với giá 120.000 đồng, cao gấp 3-4 lần bình thường…
Tại một số chợ ở TP Hải Dương, giá nhiều mặt hàng cũng tăng vọt. Ngày 10/9, thời điểm bão số 3 đã đi qua và nước lũ ở các sông dâng cao, giá thực phẩm ở đây tăng từ 5-30% so với ngày thường. Việc tăng giá chủ yếu diễn ra ở các cửa hàng, quầy hàng của người dân.
Sáng 12/9, tôi đi chợ mua 1 kg bánh đa sợi khô với giá 30.000 đồng, tăng 5.000 đồng so với thời điểm chưa xảy ra bão. Tôi giật mình vì nghĩ rằng đây là loại thực phẩm ổn định, không bị ảnh hưởng bởi bão lũ trong mấy ngày qua, thậm chí Hải Dương còn là một trong những nơi sản xuất được nhiều mặt hàng này để bán trong và ngoài tỉnh. Tôi hỏi chủ quán vì sao giá tăng thì nhận được câu trả lời rằng do có nhiều người đến mua nên chủ cung cấp đã tăng giá. Vì vậy, họ đành phải bán tăng giá lên thì mới có lãi. Tôi cũng không biết thực hư thế nào.
Việc hàng hóa tăng giá sau những biến cố như thiên tai, dịch bệnh trong thời gian qua không phải là chuyện hiếm. Chúng ta còn nhớ vào thời điểm dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát, người dân đổ xô đi mua khẩu trang, nước sát trùng, lương thực… khiến những loại mặt hàng này đội giá lên rất nhiều.
Thường thì đó là do tâm lý của người dân, đứng trước thiên tai, dịch bệnh trở nên lo lắng. Từ đó dẫn đến hiệu ứng đám đông, có khi không ai bảo ai cũng sẽ đổ xô đi mua những thứ thiết yếu dự phòng. Khi nhu cầu lớn, nguồn cung trong một thời gian ngắn không đáp ứng đủ, thì người bán thường có động cơ tăng giá. Cũng không loại trừ khả năng, sau thiên tai, nhiều mặt hàng chủ yếu như nhóm hàng nông sản, thủy sản, gia cầm… bị ảnh hưởng dẫn đến khan hiếm nguồn cung nên giá cả tăng lên.
Để người tiêu dùng không bị “móc túi” vào những thời điểm này, cơ quan chức năng cần làm tốt công tác định hướng, tuyên truyền. Ngoài thông tin về nỗ lực phòng chống thiên tai, dịch bệnh của ngành chức năng cũng cần hướng dẫn để người dân biết cần làm gì, mua những vật dụng gì trong thời điểm đó. Thậm chí cần dự báo sớm tình hình để có hướng điều chỉnh kịp thời, phù hợp. Cụ thể như trong đợt bão lũ này, biết người dân sẽ quan tâm nhiều đến vấn đề chất đốt, lương thực thì ngành chức năng cần siết chặt quản lý những cửa hàng bán mặt hàng này, yêu cầu bán đúng giá niêm yết. Trường hợp cần thiết, có thể hỗ trợ các cửa hàng đẩy mạnh việc nhập hàng để không bị khan hiếm. Người dân không nên tích trữ quá nhiều…
Trong và sau thời điểm thiên tai, dịch bệnh, cơ quan chức năng cần chủ động kiểm tra việc chuẩn bị nguồn hàng thiết yếu, sẵn sàng phối hợp cung ứng hàng hoá cho nhân dân, kịp thời xử lý nghiêm việc tăng giá các mặt hàng không đúng quy định, trục lợi.