Danh nhân

Cuộc đời và sự nghiệp danh tướng Vũ Văn Dũng quê Hải Dương. Bài cuối: Anh hùng đa nạn

NGUYỄN QUỐC VĂN 23/09/2024 11:00

Danh tướng Vũ Văn Dũng bản tính thông minh, giàu lòng nghĩa hiệp, thích giao du nhưng cuộc đời ngày cũng nhiều sóng gió.

denthohovu_1.jpg
Nhà thờ họ Vũ Đình ở thôn Đan Giáp, xã Thanh Giang (Thanh Miện) có lập bàn thờ Đại Tư đồ Vũ Quốc Công. Ảnh: Đỗ Quyết

Gian nan lập nghiệp, lập công

Ngài bản tính thông minh, giàu lòng nghĩa hiệp, thích giao du, thường tìm nơi quyền môn dấn thân cho sự nghiệp, dẫu đường công danh gặp nhiều gai góc nhưng vẫn giữ phong độ, không lạy lục van xin, sống vài nơi thấy không vừa ý liền bỏ đi.

Rồi một hôm ngài đến Hoan Châu, bấy giờ ở Hoan Châu có Tiên Điền sứ bộ Thượng thư, không biết tên huý là gì, chỉ biết là người được triều đình tin cậy. Công đến lậy xin làm con nuôi. Vương thấy dung mạo khác thường liền nhận. Công ra sức rèn rũa ăn lời dạy bảo, chưa được hai năm bỗng có lệnh của chúa kéo quân vào Nam, Tiền quân có Đức Quận Công, Hậu quân có Chất Quận Công, Hình bộ có Tán lý Quận Công theo đi được một tuần chẳng may Công bị ốm không thể đi được. Cùng đi với Công có mấy bạn thân xin ở lại chăm sóc cho vẹn tình bằng hữu.

Đến mười ngày sau bệnh tăng giảm chất thường, mọi người lo lắng. Bỗng một đêm có người con trai khoảng ba mươi tuổi đến hỏi bệnh rồi đi. Công quan sát cử chỉ biết là người khác thường nên còn ngờ mà lấy cớ có bệnh không tiện đường đột. Đêm sau người ấy mang thuốc đến, qua mười lần sắc uống bệnh tình giảm dần. Công cùng người ấy nói chuyện trong người khoan khoái, các chứng bệnh đều hết.

Đây là thần đem thuốc đến chữa cho người anh kiệt chăng! Khỏi bệnh Công cùng bạn dắt nhau đến quê Tây Sơn, vườn đào ước định thoả được ao ước đã lâu.

Ở lại Tây Sơn khoảng một tuần, Công cùng bạn đi về hướng bắc tới thành Phú Xuân. Trên đường đi bỗng trời tối sầm mây che kín một vùng không trông thấy đường đi và bạn hữu đâu nữa. Tuy vậy Công vẫn gắng sức phạt gai góc mà đi, ngoảnh lại chỉ còn một mình một ngựa một người hầu. Người hầu của Công tên là Chinh, con ngựa tên là Xích lân.

Một hôm đi tắm cho ngựa, Chinh để ngựa đá vào Công, Công dùng trượng đánh hắn. Hắn tức giận trình lên suý phủ, suý phủ bắt Công vào tù ở Phú Xuân. Anh hùng sao đa nạn đến thế! Nhà tù đông người lại thêm nạn ôn dịch hành hoành, chúa ngục uỷ cho người tù đi khám xét ai bệnh nặng đem chôn.

Công bầy mưu cho bạn tù giả chết để được đem ra ngoài chôn thì trốn đi, sau có người trốn ra bị bắt lại khai với suý phủ rằng mưu ấy là do Công. Suý phủ gọi Công đến hỏi, Công khai thật là cùng cảnh tù nên thương nhau mà vẽ ra để thoát tội thôi. Suý phủ uỷ cho Công cùng chúa ngục coi tù, tìm thuốc chữa bệnh cho những tù nhân còn bị ốm.

Chẳng mấy chốc quân phương Bắc kéo vào Nam đã chuẩn bị đầy đủ, nhưng gió không thuận mà quan quân đã cầu đảo ba ngày vẫn không ứng. Phủ suý gọi Công đến hỏi? Công thưa rằng:

“Nay mọi thứ đã trù liệu đủ chỉ thiếu có gió, vậy cứ lập đàn cầu ắt sẽ có gió thuận để quân thuỷ lục đều tiến, kẻ tù này chỉ biết đến vậy”. Nói xong giữ kín miệng Suý phủ tự đoán không hỏi thêm nữa.

Công ở tù ba năm không biết đến gió xuân, quần áo thiếu tơ lụa, ăn uống thiếu rượu thịt, rồi sau vận may cũng đến. Một ngày, Đào Hoa Viên biết Công ở trong tù liền cử quân đến hạ thành Phú Xuân, ngày thành bị hạ tù nhân chạy tán loạn. Duy có Công không chạy mà ở lại coi kho. Tiền bạc châu báu quân Tây Sơn đến, định lấy đi, Công khéo léo can ngăn. Có vị quan đến bảo Công dẫn đi lấy châu báu. Công nói: “Hiện nay trong kho chưa rõ có bao nhiêu, ta sợ mỗi người đến lấy một tí thì sao còn gọi là đạo quân có đạo. Xin hỏi người khai quốc thuộc họ nào? Quan đây làm chức gì?...''. Viên quan nói: “Đây là Tả Long Giang họ Nguyễn làm chủ, còn ta là một trong năm vị tướng quân của chủ”. Công nói uy danh của Tả Long Giang lẫy lừng thiên hạ, đến nhi đồng phụ nữ cũng nhận làm vua, ông làm tướng hạ được thành, ham của cải thu làm tư lợi thì sao xứng đáng là tướng, sao không báo lên trên cho biết. Viên quan nói: “Nếu ta không lấy làm của tư thì ô ô tiến cả nên ư”!

Công nói: “Dầu có nhiều ít kíp báo lên nhà vua thu nhận chi cho việc quân, trong thủ hạ của quan có cả tôi, quan tiến tôi lên vua, vua được của cải dùng cho việc nước, thì lòng yêu nước của quan chả là một công to sao”. Viên quan dẫn Công lên gặp vua, vua từ bậc cao xuống ôm Công nức nở và nói: “Kinh luân việc lớn, Công sẵn có tài mà để anh hùng chịu nhục là lỗi tại ta, nay ta gặp lại âu hẳn là duyên trời”. Vua mở đại yến mời Công cùng các quan cùng ngồi, các tướng từ đấy mới biết Công là bạn cũ của Vương.

Ngay hôm sau cấp cho Công ấn tướng, giao cho tinh binh ba vạn, đường đường là viên Đại tướng tiên phong. Công dẫn quân về Hoan Châu chiêu mộ nghĩa binh tiến quân ra đánh Thăng Long. Đường công danh thẳng tiến, võ công hoàn thành, được thăng vượt lên bốn năm chức tới Đô đốc Đại tướng quân lãnh chức Bắc sứ Chánh sứ.

Chuyện đi sứ

Công đi sứ vào năm vua Càn Long.

Có tấu rằng: "Thần theo mệnh vua nước Nam ra nơi biên viễn, lễ văn còn nhiều thiếu sót mà chỉ có hai việc nhằm mở mang nền văn hoá, chúng thần trong xứ bàn bạc đã nhiều nhưng không quyết định được nên hạ thần được cử sang nhờ Thiên tử giúp cho mưu kế''.

Việc thứ nhất là: “Phu phụ là điều cốt yếu của nhân luân, Quốc vương của thần thịnh ngang đời Xuân-Thu, nhưng thần đây khốn nỗi hôn phối không thành, cầu hôn nhiều nơi chưa vừa ý nơi nào, cúi xin thiên tử rộng lượng chiếu cố”.

Đến việc thứ hai định đô. “Nước thần thế đất gập ghềnh, núi cao đèo sâu, xe ngựa qua lại khó khăn, chưa biết đóng đô ở đâu cho tiện, cúi xin Thiên tử chỉ giáo". Trong lúc tâu trình trăm quan cùng dự, có người tỏ ý tức giận, có người mỉm cười. Duy có một viên quan tỏ vẻ thờ ơ.

Thiên tử lệnh đưa tấu lên lấy bút son để phê, ghi điểm son cho các chữ. Duy có một viên quan hầu cận của Thiên tử, bốn chữ chỉ khuyên một, từ đoạn nói về núi cao trở xuống có mười sáu chữ, thêm vào bốn chữ nữa, rồi giao cho triều đình bàn bạc, rồi Thiên tử ngự trở về kinh các, ra lệnh triệu Nam sứ cùng vào. Công vào bái lạy, ngự ban lệnh cho ngồi. Bấy giờ bên cạnh ngự có một chiếc ghế, Công cung kính chưa ngồi, lại có lệnh mời ngồi, Công đến trước ghế thưa rằng ghế hẹp chưa đủ ngồi xếp chân, hỏi không đủ xếp chân thì làm thế nào? Công thưa: “Theo quốc tục nước hạ thần, bày tôi trước vua phải quỳ, nếu được ngồi thì ngồi xếp chân không được ngồi ở thế đối lại nhà vua".

Ngự ban rượu Công quỳ xuống mà nhận.

Thấy trên án có mệnh thư nói việc trước đến lăm năm trước. Công nói: “Nước tôi không hề làm việc này nên tôi không biết”. Không cảm hoá được Công nên lễ quan cùng cười và nói: “Cứ theo lý ấy nước ngươi hay dùng phép thuật, nên đặt ra làm vui đấy thôi”, Công cùng các sứ tự cười cười nói nói vui vẻ.

vhd_1.jpg
Người dân thắp hương trước ban thờ Đại Tư đồ Vũ Quốc Công. Ảnh: Đỗ Quyết

Cùng lúc Phó Tổng tài tặng Công chiếc áo giáp vàng nói rằng: “Mọi nơi không làm được áo giáp này, giáp này kị đất, đất không làm bẩn được, xuống nước không chìm, gặp lửa không cháy, đá mài không mòn, đao kiếm không làm rách được, người béo, gầy, cao, thấp, mặc đều vừa vặn, không dài, không ngắn, tên gọi là “Sam Châu Kim Giáp”. Công cố từ không nhận. Đại quan nói: “Áo giáp này là của báu của ta, từ chín đời truyền lại ta chỉ chọn văn thần xuất chúng mới tặng, phòng lúc việc quân thì dùng đến, tại sao Công lại từ chối?”. Công nói: “Giáp ít nơi có đáng trân trọng lắm, nhưng nước tôi lại coi thường vì theo tục nước tôi mỗi khi có chinh chiến tướng sĩ đều dùng áo giáp, mùa hạ dùng áo mỏng, mùa đông dùng áo bông đủ đối phó với thời tiết, không cần thiết thì không dùng, nếu tướng dùng áo giáp lấy một mình, không nghĩ đến nghĩa mệnh làm cho sĩ tốt kinh sợ là con đường bại vong vậy”. Đại quan nghe lời ấy là điều rất thiện liền thu vật tặng về.

Đang yến tiệc vui vẻ, có một quan thấy mắt trái Công có tật, hỏi công bị tật bao lâu rồi? Công trả lời: "Khoảng mười tháng". Quan nói rằng: "Có thể chữa được". Công hỏi vậy có chữa được không. Đại quan nói rằng: "Cốt ở thuốc, chữa được bệnh là cứu được người, quý hơn chiếc kim giáp". Tiệc xong về sứ quán đại quan đưa thuốc cho Công kèm theo một long nhãn nhỏ. Công đắp liền ba đêm, mắt quang được bảy phần mười. Công đến tạ rằng: "Nước tôi không có thứ thuốc này, hẳn thuốc còn chữa được nhiều bệnh''. Đại quan đưa cho Công xem một quyển sách thuốc, Công đem về sứ quán chỉ một đêm chép hết sách, hôm sau trả lại. Công rất thông minh nhưng không hiểu hết tiếng Trung Quốc nên phần ghi chép chỉ sơ lược.

Một buổi sáng ở sứ quán bỗng thấy nóng lòng, mắt nháy không yên cho là có việc gì xảy ra, lúc ấy có tên quan đến sứ quán, Công ra tiếp. Tào quan nói: “Quan sát sao trên trời, thấy tinh phận An Nam có quốc Vương mắc nạn, sứ thần có biết điều ấy không?”. Lại nói: "Ông thấy có điềm khác thường hẳn là từ trong nước báo tới", Công biết ý, sau có giấy mời liền ba ngày Công không đến. Bỗng Chánh Tổng tài báo có thiếp khẩn triệu ông đến Công đường, Công nói: “Liền trong ba ngày nay lòng tôi không yên, hẳn Quốc vương tôi có sự gì không may chăng?”.

Công về sứ quán ngủ một đêm, sáng hôm sau lại có thiếp mời đến Ngự ban rượu, Công nhận uống ngay xong thấy say cáo lui về sứ quán. Sau lại có quan đến mời đi du ngoạn phố xá cỏ cây, Công từ chối vì cảm thấy trong lòng không vui.

Ngày đương ngồi trong phòng bỗng nghe có lệnh tuyên triệu, Công vội vào hầu thấy Lễ quan cầm tờ biểu đến gần xem thì là biểu cáo tang của An Nam Quốc Vương. Công nằm vật trước thềm rồng bật tiếng khóc lớn. Vệ sĩ đến dìu sứ thần lên kỉ yên nghỉ, có người đến nói: “Theo triều nghi của Đại quốc, không kể đến phiên sứ, nay nhờ tỏ lòng mến chủ là ở chí trung thành. Đến giờ thân Công lạy tạ thiên nhan về sứ lập đàn thờ, thắp hương hướng về phương Nam mà khóc”. Liền sau đó Công đến xin về nước. Thiên tử bằng lòng và ban cho một mộc bài, hai mặt có bốn chữ "Nam Bang Tướng Sứ" một mặt có chữ "Bắc Thị", ở phần người ghi: “Không ai được làm điều ngăn trở”, còn nói: "Đây là triều quan có thể tặng thơ hay vật báu". Đi đường Công đến trạm nào cũng được đón tiếp chu đáo, không mấy đã về đến nhà.

Hồi tưởng nước ta cử sứ đi phương Bắc, từ trước đến nay kể đã trăm lần, việc phương Bắc trân trọng đón mời Công coi như hậu lắm, lưu lại hàng tháng ba lần ban rượu, sáu lần ban yến, ngoại sứ nơi thần có tình thân thích như trong nhà.

Đi sứ như thế thì cũng là vinh hạnh lắm. Hiềm một nỗi phụng mệnh vào lúc chán chường mà minh chủ bỗng mất cũng là đáng tiếc.

Công thường ngâm bài thơ:

Phiên âm:

“Bố y phấn tích ngũ niên trung

Mai cổ, thi vi tự bất đồng

Thiên vị Ngô Hoàng tăng nhất kỉ

Bất ư Đông Hán thuyết anh hùng".

Tạm dịch:

"Bố y gắng sức lăm năm dòng

Theo xưa, làm đấy chẳng được cùng

Trời để vua ta thân kỉ nữa

Chẳng cùng Đường, Hán nói anh hùng".

Đi sứ về triều đình nghị chế chẳng được như trước, quyền bính đã thay đổi. Thời thế nay đã khác xưa, không còn trung ái lòng thành, mọi nhẽ xếp đặt cơ mưu trong tay đảng gian, một cây không thể toả cành để che khắp, con phượng không thể sống cùng đàn tu hú, mưu lành lui thân. Công thọ 70 tuổi, sinh được 10 trai, 6 gái.

NGUYỄN QUỐC VĂN