Trả giá vì thông tin sai sự thật về tình hình bão lũ ở Hải Dương
Những ngày qua, trước tình hình mưa lũ phức tạp, một số người dân ở Hải Dương đã thông tin sai sự thật, nhất là trên mạng xã hội, gây ra nhiều hậu quả. Những trường hợp vi phạm đã bị xử lý nghiêm minh.
Chưa kiểm chứng đã tung tin
Sáng 10/9, chị Vương Thị H. (sinh năm 1991, trú tại xã Cẩm Vũ, Cẩm Giàng) vào mạng internet để xem, cập nhật tình hình mưa bão trên địa bàn tỉnh. Chị H. thấy một số bài viết đăng tải thông tin liên quan đến việc vỡ đê, trong đó có huyện Thanh Hà. Thấy vậy, chị H. không kiểm chứng thông tin trên xem do cơ quan nào phát ngôn, đúng hay sai liền dùng tài khoản Facebook cá nhân đưa nội dung "Thanh Hà vỡ đê rồi". Chị H. đăng thông tin trên nhằm mục đích tăng tương tác cho tài khoản cá nhân bán hàng online. Sau khi đăng 15 phút nhận thấy thông tin không đúng sự thật, có biểu hiện vi phạm pháp luật, chị H. vội xoá nội dung này.
Cùng với chị H. trong ngày 10/9, nhiều tài khoản Facebook đăng tải bài viết, bình luận, chia sẻ một số thông tin sai sự thật về việc vỡ đê ở các huyện: Cẩm Giàng, Thanh Hà và TP Chí Linh. Những ngày qua, tình hình mưa lũ trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, thông tin các trường hợp trên đưa ra thu hút sự chú ý và chia sẻ của nhiều lượt người. Các thông tin sai sự thật khiến nhiều người dân hoang mang, lo lắng quá mức về tình hình mưa lũ, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phòng chống lũ và an ninh trật tự.
Hậu quả rõ rệt nhất từ các thông tin sai sự thật này khiến rất nhiều gia đình đổ xô đi mua hàng hóa tích trữ. Có điểm mua sắm còn xảy ra hiện tượng chen lấn nhau để mua hàng. Cảnh tượng này không khác gì những ngày đầu của thời đại dịch Covid-19 diễn ra ở tỉnh ta. Ở nhiều cửa hàng, các mặt hàng thiết yếu như gạo, mì tôm, trứng, nước uống và nhiều loại đồ khô khác không có để bán. Chiều tối 10/9, nhiều cửa hàng, chợ cũng không còn trứng, mì tôm.
Cũng như nhiều người dân, khi thấy thông tin thất thiệt đăng trên mạng xã hội về việc ngập úng, vỡ đê, lo sợ tình huống xấu xảy ra, chị Phạm Thị Quỳnh Trang ở khu dân cư số 4, phường Nhị Châu (TP Hải Dương) đã vội vã gác lại công việc để đi mua sắm hàng hóa. Chị Trang còn không quên gọi điện bảo người nhà lo sắp xếp đồ đạc ở tầng 1 đề phòng ngập lụt. “Nhà tôi có tổng cộng 7 người, có cả người gia và trẻ nhỏ nên cần mua hàng hóa phong phú, số lượng lớn về tích trữ, nhất là gạo, thịt, cá, trứng, mì tôm, rau xanh. Việc mua bán hàng hóa diễn ra nhộn nhịp ở các cửa hàng, khu chợ khiến tôi không khỏi lo lắng”, chị Trang chia sẻ.
Xử lý nghiêm
Ngay sau khi phát hiện thông tin sai sự thật về tình hình mưa lũ, vỡ đê xuất hiện trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, cơ quan công an các cấp của tỉnh nhanh chóng vào cuộc. Từ ngày 10/9 đến sáng 11/9, cơ quan công an các cấp đã phát hiện, xác minh và mời tổng số 21 trường hợp có hộ khẩu thường trú trên địa bàn các huyện Cẩm Giàng, Thanh Miện, Nam Sách, Bình Giang, thị xã Kinh Môn, TP Hải Dương đến làm việc.
Các trường hợp này đều thừa nhận các thông tin mình đăng tải về tình hình mưa lũ, vỡ đê là nghe đồn, xem trên mạng xã hội chứ không được lấy từ các nguồn chính thống hay của cơ quan chức năng. Các thông tin này đều sai sự thật. Các trường hợp thông tin với mục đích câu like, tạo thu hút, chú ý để phục vụ mục đích cá nhân. Khi được cơ quan công an mời đến làm việc, các trường hợp trên đều nhận thức được việc làm sai trái, vi phạm pháp luật của mình và gây hậu quả xấu đến đời sống xã hội. Cùng với đó, họ đã hạ, xóa nội dung đăng tải sai sự thật và cam kết không tái phạm.
Trước những thông tin sai sự thật đăng tải trên các trang mạng xã hội, các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị của tỉnh đã tích cực tuyên truyền, định hướng người dân. Đồng chí Nguyễn Văn Liệu, Chủ tịch UBND xã Tiên Động (Tứ Kỳ) cho biết khi thấy nhiều thông tin sai sự thật đăng tải trên mạng xã hội về tình hình mưa bão, ngập lụt, vỡ đê, địa phương đã tuyên truyền, vận động đến người dân bằng nhiều hình thức như thông tin trên đài truyền thanh, các nhóm mạng xã hội của xã, thôn, tổ liên gia… giúp người dân hiểu đúng, rõ vấn đề. Từ đó, tin tưởng, đồng lòng cùng địa phương tham gia phòng chống thiên tai.
Dự báo những ngày tới, tình hình mưa lũ tiếp tục diễn biến phức tạp. Lực lượng công an tỉnh sẽ tiếp tục nắm tình hình, rà soát trên không gian mạng để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng đến công tác phòng chống. Cơ quan công an khuyến cáo nhân dân cần chấp hành nghiêm các quy định trong sử dụng mạng xã hội. Đặc biệt, không đăng tải, chia sẻ thông tin sai sự thật, thông tin chưa được kiểm chứng lên mạng xã hội làm ảnh hưởng đến công tác phòng chống thiên tai, gây dư luận, hậu quả xấu cho xã hội.
Theo cơ quan chức năng, đưa thông tin sai sự thật về tình hình mưa lũ, vỡ đê như các trường hợp trên trên là vi phạm điểm d, khoản 1, Điều 101, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dich điện tử. Các trường hợp vi phạm có thể bị xử phạt từ 10-20 triệu đồng đối với tổ chức và từ 5-10 triệu đồng đối với cá nhân.