Nhiều trường ở Hải Dương cho học sinh nghỉ học do úng ngập
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Hải Dương, đến 19 giờ ngày 11/9, nhiều trường học trong tỉnh cho học sinh nghỉ học do úng ngập hoặc thuộc khu vực có nguy cơ, ảnh hưởng của mưa lũ.
TP Hải Dương có Trường Mầm non Nhị Châu và Trường Tiểu học Đặng Quốc Chinh phải cho học sinh nghỉ học do nước ngập sâu. Trường Mầm non Nhị Châu không bị ngập nhưng một số khu vực dân cư thuộc phường bị ngập úng. Khu vực Trường Tiểu học Đặng Quốc Chinh nước ngập sâu khoảng 40-50 cm.
Trường THPT Nguyễn Văn Cừ cho học sinh nghỉ học ngày 12/9 do nhiều tuyến đường ở TP Hải Dương bị ngập úng và cơ sở 2 của trường cũng bị ngập.
Một số trường khác ở TP Hải Dương đang xin ý kiến phụ huynh để dạy học trực tuyến.
TP Chí Linh có Trường THCS Hoàng Tân cũng bị nước ngập sân trường. Trường Tiểu học Tân Dân chưa khắc phục xong cây đổ sau bão. Ngoài ra, một số trường mầm non chưa đón trẻ do vẫn mất điện, nước.
Huyện Thanh Hà có 12 trường mầm non, tiểu học, THCS thuộc 4 xã khu Hà Đông, gồm: Thanh Hồng, Thanh Quang, Thanh Cường, Vĩnh Lập cho học sinh nghỉ học. Đây là khu vực có nguy cơ cao ngập lụt, gần đê.
Do tình hình mưa lũ, ngày mai 12/9, toàn bộ các trường mầm non, tiểu học, THCS ở huyện Thanh Miện nghỉ học trực tiếp tại trường. Các trường tiểu học và THCS cho học sinh học trực tuyến (nếu đủ điều kiện).
Thị xã Kinh Môn còn 18 trường mầm non chưa đón trẻ. 6 trường mầm non có thể đón trẻ ngày mai nhưng chưa thể tổ chức ăn bán trú. Ngoài ra, có 2 trường tiểu học cho học sinh nghỉ học để tiếp tục khắc phục sự cố sau bão.
Huyện Nam Sách vẫn có 3 trường mầm non chưa đón trẻ do mất nước.
Huyện Tứ Kỳ giao hiệu trưởng các trường quyết định cho học sinh nghỉ học. Hiện chưa có số liệu thống kê cụ thể nhưng do vẫn mất điện, ngập úng một số nơi nên sẽ có nhiều trường cho học sinh nghỉ học. Huyện Cẩm Giàng cũng tương tự như huyện Tứ Kỳ…
Chiều 11/9, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương chỉ đạo tuỳ theo diễn biến của mưa lũ và điều kiện thực tế, thủ trưởng các cơ sở giáo dục chủ động quyết định cho học sinh nghỉ học, chỉ cho học sinh đến trường khi bảo đảm an toàn; bố trí học bù vào thời gian phù hợp; có thể dạy học trực tuyến...
Các cở sở giáo dục chủ động rà soát, kiểm tra hệ thống cây xanh, các công trình có nguy cơ mất an toàn để có phương án cắt tỉa, sửa chữa, khắc phục; không đưa vào sử dụng những công trình không bảo đảm chất lượng, có nguy cơ đổ sập. Chủ động các biện pháp phòng tránh lũ, lên phương án bảo đảm an toàn, giảm thiểu thiệt hại về cơ sở vật chất, công trình trường học, tài liệu, sách vở và dụng cụ học tập. Yêu cầu lực lượng cứu hộ địa phương hỗ trợ khi cần thiết.