Trung thu mẹ sẽ về
“Trung thu mẹ sẽ về”. Mẹ nói thế lúc vơ vội đống quần áo nhét vào chiếc túi xách chạy đi.
Mẹ vấp phải ánh nhìn van nài của Sao lúc lao người chạy xuống con dốc trước nhà. Hai bàn tay nắm chặt, Sao kìm tiếng nấc trong cuống họng. Mãi sau này, trong những buổi chiều ngồi trên dốc cổng nhìn về phía xa xăm chờ đợi một bóng hình, Sao cứ luôn tự trách mình. Giá như hôm ấy Sao níu lấy tay mẹ, gào lên “Mẹ ơi, đừng đi” thì có lẽ mọi chuyện sẽ khác. Mẹ sẽ ôm lấy Sao mà khóc nức nở. Khóc cho đến khi mệt lả, cơn say của bố cũng lịm dần, tiếng quát tháo chìm vào tiếng ngáy thì mẹ nín câm ngồi tựa vào tường. Bầu trời cũng bầm dập như thân thể mẹ. Những sợi tóc còn dính đầy rơm rạ, có khi là cả vệt máu khô. Ngồi cho đến khi trời nhập nhoạng tối, mẹ chống tay vào đầu gối gượng sức đứng dậy nhặt nhạnh từng cái xoong, cái bát văng tứ tung ngoài sân, bụi chuối. Mẹ vo gạo nấu cơm cho Sao ăn. Lúc ngồi ở bếp nhìn lửa cháy phừng phừng, mắt mẹ vô hồn. Sao đưa từng nắm lá cây bách bệnh lên miệng nhai với vài hạt muối đắp vào vết thương trên cơ thể mẹ. Chắc là xót lắm nhưng chẳng bao giờ mẹ kêu, Sao chỉ thấy da thịt như run lên giận dữ.
“Trung thu mẹ sẽ về”. Mẹ chạy nhanh, chân nọ vấp chân kia, vội vã vì biết nếu chần chừ vài giây thôi sẽ chẳng thể nào thoát khỏi nơi này. Sao không bao giờ trách mẹ, cũng thôi trách bản thân mình. Những lúc thay mẹ nhặt nhạnh lại từng cái xoong, cái bát ngoài sân Sao dễ chịu khi nghĩ giờ này ở một nơi nào đó mẹ sống nhẹ nhõm hơn. Chí ít mẹ cũng không bị những trận đòn roi của bố quất lên người. Rồi thì những cơn say của bố cũng thưa dần. Những cái chai vứt chỏng chơ trong nhà không còn rượu nữa. Một chiều ngồi tựa cửa nhìn ra những mảnh bát vỡ vứt đầy ở bụi chuối trước nhà bố hỏi Sao:
- Hôm bỏ đi, mẹ con mặc áo màu gì?
- Màu mận đỏ bố ạ.
Sao không ngoảnh nhìn bố, trả lời. Làm sao để nói cho bố biết màu áo mẹ đỏ nhức nhối cả ký ức của Sao. Thằng nhỏ vẫn nhớ đó là chiếc áo bố đã mua tặng mẹ khi bán đi lứa lợn đầu tiên. Sao còn nhớ lúc cầm xấp tiền trên tay bố tính chuyện sẽ lợp lại mái nhà, mua cho mẹ cái bếp ga nấu đỡ cực. Bố còn tính mua cho Sao chiếc cặp sách đẹp nhất chợ huyện. Thế rồi bố chợt nghĩ, tiền phải để nó đẻ ra tiền, phải mua đàn lợn giống về nuôi. Sau này giàu, muốn sắm sửa cái gì mà chẳng được. Nhưng người tính đâu bằng trời tính. Đàn lợn bố mua về nuôi thả rông bỗng nhiên đổ bệnh rồi lăn ra chết. Bao nhiêu vốn liếng tiêu tan, bố buồn chán tìm đến quán rượu mỗi ngày. Vét những đồng tiền cuối cùng nướng vào cuộc nhậu bố thường trở về nhà với cơn say xỉn, trách cứ, mắng chửi, đánh đập mẹ. Khi tỉnh lại bố ngồi ngó ra sân hỏi sao xoong nồi, bát đĩa vung vãi thế kia? Hốt hoảng nhìn vết thương trên người mẹ hỏi bị làm sao? Ai đánh em ra nông nỗi này? Sau này mỗi khi tỉnh rượu nhìn cơ thể mẹ bầm tím bố hay khóc hu hu hỏi: “Anh làm em đau thế này ư?”. Rất nhiều lần bố hứa sẽ không đụng đến giọt rượu nào, nhưng mỗi khi xuống chợ gặp bạn bè rủ rê bố lại say mềm. Đứng giữa đỉnh dốc, ngửa cổ lên trời bố tu cạn đáy chai rượu rồi gào lên giận dữ: Sao ông trời không thương tôi? Sao cứ muốn ghì đời tôi xuống mãi?
*
Người đàn ông ngồi nhìn mảng nắng nhợt nhạt ngoài sân, không chớp mắt. Trên mảnh sân lồi lõm ấy có chai rượu vứt chỏng chơ, cái dây phơi phất phơ mấy bộ quần áo cũ mèm, nhàu nhĩ mà thằng con mới vắt lên. Người đàn ông khẽ cựa mình, da thịt ngứa ngáy bởi bộ quần áo bết bát đất cát mặc trên người đã mấy ngày không thay. Người đàn ông nhận ra đã không còn ai quan tâm đến râu tóc, áo quần của mình. Ngày nắng không có người mang ghế ra sân lôi anh dí ngồi xuống, càm ràm: “Anh cứ thử ngồi im như tượng ở đây tý nữa thể nào cũng có con chim đến làm tổ trên đầu. Người đâu mà như người rừng”. Gã sẽ cười, nghĩ bụng mình cũng từng là người rừng đó thôi. Mười tuổi gã mồ côi cả bố lẫn mẹ, sống nhờ nhà cậu ruột. Quanh năm gã theo cậu vào rừng hái cây thuốc, nấm, măng, trèo leo trên cây lấy mật ong mang về cho mợ bán. Gã thích ở rừng hơn ở nhà, không phải nghe mợ vào ra lườm nguýt vì nhà thêm một miệng ăn. Không phải nhìn thấy cảnh người ta sum vầy còn mình lẻ loi cô độc. Hồi ấy tóc cũng rậm như rừng. Thỉnh thoảng hai cậu cháu nhìn nhau cười ha hả. Ngồi xuống dưới tán cây, hai cậu cháu cắt tóc cho nhau. Tóc của gã còn nằm đâu đó trên cánh rừng già.
Rồi gã có người thương. Hai đứa dắt nhau về mảnh đất bố mẹ gã để lại, vay mượn dựng căn nhà tạm bợ. Nơi này từng là tổ ấm đầy ắp tiếng cười. Gã ít vào rừng dần mà cùng vợ tính chuyện làm ăn. Gã xuống phố huyện làm thuê, không từ một việc gì. Sức dài vai rộng, gã nguyện gánh mọi vất vả trên vai để cho vợ một mái ấm gia đình. Thằng Sao ra đời, bếp nhà thêm ấm. Những khoản nợ, cơm áo gạo tiền cũng không làm gã thấy bớt đi hạnh phúc. Nhưng một tai nạn ập đến, gã ngã giàn giáo, may giữ được tính mạng nhưng để lại tật ở chân. Sức khỏe yếu dần, chân đi cà nhắc, gã chẳng xin được việc ở đâu. Hai vợ chồng quyết định chăn nuôi. Gã từng có những đêm căng võng nằm canh lợn đẻ. Từng mất ăn mất ngủ khi một con lợn trong đàn đổ bệnh. Từng tha thiết van xin ông trời hãy thương lấy gã vì bao nhiêu vốn liếng, nợ nần nằm cả trong đàn lợn. Thế mà…
Lúc này người đàn ông nhìn tóc tai thằng nhỏ bù xù mới chợt tỉnh ra. Gã đã chìm đắm trong những cơn say quá lâu đến mức quên đi thực tại. Quên mất thằng nhỏ Sao đang từng ngày lớn lên như đá cuội, cỏ hoang. Gã lôi thằng nhỏ, ấn nó ngồi xuống cái ghế gỗ quen thuộc, lia những nhát kéo vụng về. Thằng nhỏ chìa tay hứng tóc rơi, hỏi bâng quơ:
- Không biết bao giờ thì đến mùa thu?
Người đàn ông dừng tay, hướng mắt nhìn những quả hồng đã bắt đầu nhóm lửa trên cây. Giờ thì đến lượt thằng nhỏ đứng phía trước giơ chiếc gương soi cho bố. Người bố tự cầm kéo tỉa gọn đi mái tóc của mình. Gió heo may se se luồn qua chiếc gáy vừa cắt đi đám tóc lòa xòa khiến thằng nhỏ khẽ rùng mình. Thằng nhỏ ngắm nghía mái đầu mới của hai bố con, tủm tỉm hỏi:
- Bố có muốn uống trà không?
Người bố khựng tay kéo lại, không biết trả lời con thế nào. Chẳng nhớ từ bao giờ gã quen với hơi men, thiếu rượu là nhạt mồm nhạt miệng. Bao lâu rồi gã không uống trà? Lúc gã còn miên man nghĩ ngợi thì thằng nhỏ đã chạy tót lên bìa rừng rồi cầm về nắm lá trà tươi. Nhóm củi, đặt ấm nước xong nó loẹt quẹt cạo nồi chuẩn bị vo gạo nấu cơm chiều. Nhìn cái dáng lủi thủi của con lòng gã xót xa và ân hận.
- Nhà sắp hết gạo rồi bố ạ.
Gã đứng dậy, xách chiếc xô ra con suối nhỏ sau nhà. Suối mát quá, gã ngụp lặn trong dòng nước lọc sạch đi hơi men đã ngấm vào tận máu. Gã biết đã đến lúc mình phải tỉnh táo lại để lo cho thằng nhỏ. Chút nắng cuối chiều soi trên dòng nước lấp lánh như thứ ký ức về Xoan. Cũng bên dòng suối này từng có những buổi trưa hai vợ chồng đi rừng về ngồi nghỉ tại đây. Xõa mái tóc dài đen nhánh trôi theo dòng nước, Xoan nghĩ về bữa cơm trong lúc bụng đói cồn cào. Kiểu gì gã cũng mò được ít cá, ốc hay cua suối. Thêm nắm rau rừng hái sẵn là được bữa cơm ngon. Hạnh phúc ấm cúng giản dị ấy gã đã đánh mất rồi.
Thằng nhỏ chạy ra đỡ lấy xô cá bố mới mang về. Nó thoăn thoát mổ cá trên chiếc thớt vỡ, kẹp vào thanh tre mang nướng bếp lửa. Chẳng mấy chốc mùi cá chín thơm cồn cào cả bụng. Sao lấy đĩa muối trắng, chạy ra vườn hái ớt vào cho bố. Nhìn thằng nhỏ hiểu chuyện gã càng thấy đau lòng. Mâm cơm được trải chiếu dọn ra ngoài thềm nhà. Bóng tối tràn khắp xóm núi, tiếng ếch nhái kêu lên inh ỏi. Trên trời một mảnh trăng non hiện ra sau lớp mây đen. Mấy con dơi đập cánh bay qua mảnh sân chênh vênh. Đám muỗi vo ve như thể bữa chiều của chúng cũng đến rồi. Bố không say. Sao ngồi yên lặng bên mâm cơm, gặm nhấm niềm hạnh phúc ấy. Thằng nhỏ buột mồm:
- Giá như có mẹ thì…
Câu buông nửa chừng nó mới nhận ra mình đã lỡ lời, chầm chậm ngước lên nhìn bố dò xét. Người đàn ông buông tiếng thở dài mỏng như làn khói.
- Sau này lớn hơn, con có bỏ nhà đi như mẹ không?
- Con chỉ ở đây thôi, chờ mẹ về. Chẳng ai muốn bỏ nhà đi đâu bố.
Gã ngửa cổ, cố để cho giọt nước mắt nuốt ngược vào trong. Những cơn say đã cướp đi của gã một mái ấm gia đình trọn vẹn. Gã không muốn đắm chìm trong hơi men nữa. Tiếng vét gạo lột cột trong chum của thằng nhỏ hồi chiều khiến lòng gã nhức nhối không thôi. Ngày mai khi trời sáng gã sẽ vào rừng. Gã tin rừng chẳng bao giờ bỏ rơi người đã từng gắn bó. Chỉ cần chịu khó, gã sẽ không để thằng Sao phải đói. Tìm lại cái gùi, đôi ủng gác trên chái bếp gã nghĩ về những ngọn măng rừng. Mờ sáng hôm sau gã mò dậy sớm, nhóm bếp, đun ấm nước, rang sẵn cơm phần thằng nhỏ dậy ăn đi học. Gã đeo gùi nhìn thẳng phía rừng mà bước. Sau mùa mưa măng sẽ đùn lên nhiều. Thỉnh thoảng gã lại nhìn thấy dấu vết của những người đi trước. Mùa này người lên rừng hái lộc của trời không ít. Có nhà bốn, năm người, cơm gói mang theo, đi từ khi trời còn tối đen như mực. Thỉnh thoảng họ gặp nhau trên cánh rừng già. Họ chào nhau bằng ánh đèn pin loang loáng, bằng cái vỗ vai hỏi han nhau xem vết thương ở chân đã khỏi hẳn chưa?... Mệt thì ngồi nghỉ dưới tán của rừng, mở nắm cơm mang theo ăn cùng gió ngàn và tiếng chim lảnh lót. Trên chiếc gùi của gã không chỉ có măng mà còn có các loại cây thuốc quý hái về bán cho nhà thuốc nam dưới huyện. Trong giấc ngủ chập chờn giữa cánh rừng bạt ngàn gã mơ thấy vợ. Tỉnh dậy như vẫn còn hơi ấm đâu đây…
*
Thằng nhỏ cầm từ trường về một chiếc đèn Trung thu lấp lánh. Nó nói còn được đoàn từ thiện tặng cả bánh Trung thu hình con cá chép. Thằng nhỏ trèo lên ghế đẩu, đặt bánh ngay ngắn trên bàn thờ. Nó dặn bố:
- Để Trung thu thắp hương cho ông bà tổ tiên. Lúc ở nhà, mẹ vẫn thường làm thế.
Thằng nhỏ ngồi ngó vầng trăng treo vắt vẻo trên đỉnh trời mà nhớ mẹ cồn cào. Lúc còn ở nhà, Trung thu nào mẹ cũng làm con chó bưởi, mua bánh dẻo, bánh nướng cho nó. Cả nhà trải chiếu ra giữa sân, bày những quả hồng đỏ lựng, nhâm nhi từng miếng bánh. Mấy ngày gần đây thằng nhỏ luôn có cảm giác mẹ đang ở đâu đó rất gần. Mẹ hẹn Trung thu sẽ trở về. Thằng nhỏ luôn tin mẹ đang dõi theo bố con nó mỗi ngày. Biết đâu sáng mai thôi khi tỉnh giấc, mẹ đã ngồi nhặt rau ở ngoài hiên. Mẹ cười bảo “Sao dậy rồi đấy à con? Nhanh rửa mặt còn đi chợ với mẹ. Chợ Trung thu vui lắm. Mẹ còn phải bán hết chỗ măng bố vừa mới bẻ về”.
Thằng nhỏ cười, chầm chậm chìm vào giấc ngủ…