Nhớ những mùa trăng tuổi thơ
Qua bao nhiêu mùa Trung thu, tôi nhận ra rằng trẻ con bây giờ ít hào hứng hơn chúng tôi ngày xưa. Chắc có lẽ, cuộc sống đã đủ đầy hơn.
Tôi luôn nhớ những ngày Trung thu ấu thơ. Với lũ trẻ của vùng quê nghèo ngày ấy, tết Trung thu cực kỳ đặc biệt. Đó là ngày hội của lũ trẻ, là niềm háo hức, mong chờ từng phút từng giờ. Độ ngày 12, 13 tháng tám âm lịch, không hẹn mà gặp cả lũ rủ nhau chuẩn bị làm đèn. Chúng tôi tập hợp lại một nhà nào đó, thường là nhà của đứa làm đèn “siêu đẳng”. Đứa này học đứa kia cứ thế tự mày mò và lắp ghép, cuối cùng cũng ra được một chiếc đèn hoàn chỉnh.
Không khí chuẩn bị làm đèn thật nhộn nhịp. Góc bên kia đứa thì chẻ nan tre, chỗ này mấy đứa khác cắt cắt dán dán trông rất khí thế. Đèn ông sao chỉ cần buộc, cột, neo lại các mấu nối, mặc cho chúng lớp giấy bóng là xong. Đèn kéo quân thì được làm bằng bìa, thêm bàn tay khéo léo gấp thẳng thớm. Đèn quả trám làm bằng những lon bia, mấy đứa con trai mạnh tay dùng kéo cắt dọc thân lon, đập dập, dùng dây dù xuyên qua… Tuy được xem hình mẫu trước để làm nhưng khi qua tay của những “nghệ nhân” nghiệp dư thì lại thành những hình thù khác lạ, thậm chí là… kỳ dị. Đứa này nhìn sản phẩm của đứa khác và ngược lại rồi cười phá lên vang làng vang xóm. Tuy vậy, niềm vui cầm được đèn trong tay vẫn sung sướng biết nhường nào.
Và rồi, “ngày trọng đại” cũng đến. Từ đầu giờ chiều của đêm trăng rằm, lũ trẻ con bắt đầu đi từng nhà để “khuyên góp” cho mâm cỗ buổi tối. Đứa góp na, đứa góp hồng, đứa góp mấy viên kẹo chanh nhỏ tí xíu. Ai có gì thì góp nấy, tuyệt nhiên chẳng có so bì, thiệt hơn. Hồi đó chúng tôi cũng chẳng biết bánh nướng, bánh dẻo là gì, nên mâm cỗ toàn là “cây nhà lá vườn”. Đêm trăng rằm đúng nghĩa dành cho lũ trẻ, không một người lớn nào tham gia. Có chăng một vài anh chị phụ trách Đội đứng ra tổ chức cho đêm trăng được “quy củ” và ấm cúng hơn.
Khi bóng tối bắt đầu buông xuống, lũ trẻ chúng tôi ăn vội cơm rồi nhanh chóng cầm đèn tỏa ra khắp đường làng. Đây cũng là lúc để chúng tôi “trưng khoe” sản phẩm. Vừa cầm đèn lũ trẻ chúng tôi vừa nghêu ngao hát những khúc đồng dao: “Này ông trăng ơi/ Xuống đây mà chơi/ Có nồi cơm nếp/ Có tệp bánh chưng/ Có lưng hũ rượu/ Thằng Khướu đánh đu/ Thằng Cu gỡ chài/ Cái Hai mang giỏ/ Mẹ Đỏ bế em/ Đi xem đánh cá/ Cậu mợ ở nhà/ Lấy lược chải đầu/ Con trâu cày ruộng/ Cái muống thả ao...”.
Rước đèn khắp một lượt đường làng rồi về tập trung tại sân kho ngồi chung ăn uống đồ lúc chiều cả bọn đã khuyên góp. Đứa nào đứa nấy đều cười tươi mãn nguyện dưới ánh trăng sáng lung linh. Khoảnh khắc đó thật tuyệt vời, đến độ tôi cứ mong ánh trăng đêm Trung thu cứ mãi kéo dài như thế. Để rồi, khi nhắm mắt lại tôi vẫn mơ thấy mình đang thưởng thức hoa quả và ngắm trăng cùng mọi người.
Thấm thoắt vậy mà đã hơn hai mươi năm trôi qua. Lũ trẻ ngày ấy giờ đây đã trưởng thành, có người đã trở thành những ông bố, bà mẹ. Qua bao nhiêu mùa Trung thu, tôi nhận ra rằng trẻ con bây giờ ít hào hứng hơn chúng tôi ngày xưa. Chắc có lẽ cuộc sống đủ đầy, thị trường cũng bày bán sẵn những chiếc đèn từ đơn sơ đến cầu kỳ và có nhiều loại bánh trái ngon nên trẻ con có nhiều lựa chọn. Dẫu biết là mỗi thời mỗi khác nhưng tôi vẫn thấy tiêng tiếc ngày xưa. Những ngày tháng của trẻ con đợi chờ mùa trăng hồn nhiên trong trẻo đến lạ kỳ…