Gia đình

Lời con trẻ

NHẬT MAI 15/09/2024 09:31

Tôi chấp nhận và dung túng cho một thói quen xấu của chồng, dần hình thành tính cách, cho đến khi phải soi mình vào lời con trẻ.

Gia đình xã hội: Lời con trẻ

Nửa tháng nay vợ chồng tôi không ngủ chung phòng, cũng không có chuyện gì để nói với nhau sau một lần vùng vằng cãi vã. Việc ai người ấy làm, mệnh ai người ấy lo. Tôi làm bạn với con, chồng tôi rảnh ra là cắm mặt vào điện thoại. Tôi biết trong điện thoại có ti tỉ thứ vui khiến người ta quên đi thực tại. Chúng tôi chỉ nói với nhau điều gì cần thiết nhất, đáp lại là những câu trả lời cụt ngủn. Thật ra chẳng có mâu thuẫn gì to tát. Sau bốn năm cưới nhau, chúng tôi nhận ra mình đã không tìm được tiếng nói chung trong đời sống hôn nhân. Cứ mỗi lần xảy ra chuyện gì cả hai đều cảm thấy tổn thương. Không ai chịu nhường ai nên chẳng thể kéo nhau ngồi xuống để giãi bày. Người này sống mà không cần người kia phải quan tâm chia sẻ hay chung vai đấu cật. Ngày này qua ngày khác sự im lặng trở thành một thói quen trong nhà. Vợ chồng tôi đã nuôi nấng nó bằng sự cố chấp và ích kỷ. Dù thỉnh thoảng con gái tôi hay hỏi “sao bố mẹ không cười đùa vui vẻ cùng con?”. Tôi không biết trả lời con thế nào. Chúng tôi đã để con phải sống trong ngôi nhà ngột ngạt. Hẳn con cũng có lúc cảm thấy khó thở, điều mà trước đây tôi chưa từng nghĩ đến.

Chồng tôi tính vừa ngang, vừa cục. Chuyện chẳng to tát gì cũng có thể cáu um. Chồng tôi không bao giờ tự nhận mình sai, kiểu gì cũng đổ vấy lỗi lầm cho người khác. Nên mỗi lần như thế tôi thường chẳng nói gì, để mọi chuyện tự qua. Cũng chẳng buồn phân giải đúng sai, vì biết chỉ càng làm cho không khí gia đình thêm căng thẳng. Tôi chấp nhận và dung túng cho một thói quen xấu của chồng, dần hình thành tính cách. Nhưng con gái của tôi thì không chịu thỏa hiệp. Con quan sát mỗi ngày cho đến khi bật ra câu hỏi “Sao mỗi khi con sai thì bố bắt con phải khoanh tay xin lỗi. Còn bố thì không bao giờ xin lỗi mẹ những lúc sai?”. Sự phản kháng của con trước những “bất công” ở trong nhà khiến vợ chồng tôi đều cảm thấy xấu hổ. Khi hằng ngày vẫn lên tiếng dạy con những bài học lễ nghĩa, đúng sai. Mà chính mình lại không thể làm gương cho con soi vào đó. Sau câu hỏi của con tôi thấy chồng cúi mặt. Lời con trẻ thơ ngây mà thường khiến chúng ta phải suy nghĩ lại.

Tôi mệnh hỏa, nóng tính, nhiều khi không kiềm chế được cảm xúc của mình. Nhất là khi làm mẹ của một đứa trẻ bướng bỉnh, lì lợm lại thêm chứng biếng ăn. Mỗi lần con hờn khóc, không cách nào dỗ nổi, tôi điên tiết phải dùng đến đòn roi. Một lần rồi nhiều lần tôi hình thành thói quen “thương cho roi cho vọt”. Cho đến một hôm trong lúc đùa vui, con gái cắn vào tay tôi rất mạnh. Tôi đau đớn hét lên “sao con lại cắn mẹ đau thế chứ?”. Con cúi mặt lí nhí “mọi lần mẹ cũng đánh con đau đấy thôi”. Tôi lặng đi vì cảm giác ân hận. Thịt da nào chẳng đau, tôi thừa hiểu mà vẫn giơ tay đánh con. Những vết hằn trên da thịt non nớt của con có thể mờ đi nhưng lằn roi trong tâm trí con thì còn mãi. Tôi nhớ lại ánh mắt của con sau mỗi lần bị đánh, vừa cam chịu vừa có phần uất ức. Con không dám khóc nữa mà lặng lẽ ngồi im trong xó xỉnh. Có lần tôi thấy con ngồi co ro nhìn những luồng sáng lọt vào từ khe cửa. Vậy mà bấy lâu nay sau mỗi lần đánh con tôi thường nói “lì với mẹ mà được à” như một sự hả hê. Mà không nhận ra khoảng cách giữa hai mẹ con ngày càng lớn. Tôi đã nuôi con mình không chỉ bằng cơm gạo, tình thương. Mà còn nuôi con bằng thói quen đòn roi dạy dỗ. Mà thứ đó đâu phải là dinh dưỡng để nuôi nấng thể chất và tâm hồn một con người.

Cuộc sống kỳ lạ lắm. Chúng tôi - những người lớn đã từng yêu thương nhau tha thiết, chọn cách gắn kết với nhau trở thành một gia đình. Rồi chọn sinh ra một đứa trẻ để nuôi dạy và yêu thương nó hết lòng. Chúng ta phải vất vả mưu sinh để kiếm thật nhiều tiền xây nên một ngôi nhà và gọi nó là “tổ ấm”. Nhưng hằng ngày lại vô tình nuôi nấng trong nhà những thói quen xấu xí mà không chịu hiểu ra nó chính là tác nhân phá vỡ một gia đình. Mà những thói quen vốn là thứ vừa hiện hữu vừa vô hình. Nó tồn tại mỗi ngày nhưng có khi ta không nhìn thấy được. Nên hằng ngày chúng ta chỉ bận tâm chăm sóc những thứ ngay trước mắt. Một người già, một đứa trẻ, một cái cây, một con mèo, một bể cá cảnh. Nuôi con thì phải dạy, nuôi cây thì uốn từ lúc còn non, nuôi một con mèo cũng dạy nó điều được phép và không được phép. Nhưng thói quen nằm trong chính con người mình thì chúng ta lại không chăm chút, uốn nắn, luyện rèn. Chúng ta buông thả, dung túng cho nó nhởn nhơ tồn tại mỗi ngày. Cho đến khi phải soi mình vào lời con trẻ.

NHẬT MAI