Góc nhìn

Đừng vội tích trữ hàng hóa vì tin đồn "vỡ đê"

PV 10/09/2024 14:02

Người dân Hải Dương cần bình tĩnh, không chủ quan, không hoang mang trong phòng chống lụt bão. Mọi người cần cập nhật, theo dõi tình hình mưa lũ từ những nguồn thông tin chính thống, cảnh giác với những tin sai sự thật, không vội tích trữ hàng hóa vì tin đồn.

z5815657890714_f082b519e049c4a7d9d666b5c8ef7f9e(1)-5c56ae52fb677e95f54f031b7a0eb618.jpg
Sáng 10/9, nhiều người ở TP Hải Dương chen nhau mua nhu yếu phẩm tích trữ vì tin đồn vỡ đê sai sự thật. Ảnh: HÀ VY

Sáng 10/9, mực nước ở hệ thống sông qua Hải Dương như sông Thái Bình, sông Kinh Thầy, sông Kinh Môn… lên cao. Lũ trên sông Thái Bình đã ở mức báo động II.

Trước tình hình nước dâng nhanh, người dân nhiều vùng ven đê đã khẩn trương di chuyển tài sản, vật nuôi ra khỏi vùng ngoài đê. Ngay trong đêm 9/9, lực lượng canh gác, bảo vệ đê cũng xuyên đêm trực theo cấp báo động để phát hiện, xử lý kịp thời nếu phát sinh các tình huống đe doạ an toàn hệ thống đê, kè, cống. Các địa phương trong tỉnh đang tập trung cao độ ứng phó với mưa lũ theo phương châm "4 tại chỗ". Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương, đến trưa 10/9, tất cả các tuyến đê trên địa bàn tỉnh Hải Dương không chỗ nào bị vỡ, vẫn được bảo vệ nghiêm ngặt, an toàn; một vài sự cố nhỏ đã được xử lý ngay.

z5815185981569_cbbc088fe24544b5c4a1e347eadc2033(1).jpg
Người dân di chuyển vật nuôi ngoài đê vào nơi an toàn

Tuy nhiên trên Facebook và một số hội nhóm trên Zalo, một số tài khoản đăng những thông tin không đầy đủ về tình hình mưa lũ, thậm chí lan truyền thông tin sai sự thật ở Hải Dương có sự cố vỡ đê ở TP Hải Dương; các huyện Thanh Hà, Nam Sách, Cẩm Giàng... Thông tin sai lệch làm nhiều người dân Hải Dương nói chung, người Hải Dương xa quê nói riêng hoang mang, lo lắng cho người thân, nhất là trong bối cảnh sóng di động, internet ở nhiều địa phương vẫn chưa có trở lại sau bão số 3.

Tin đồn lan nhanh làm người dân nhiều nơi đổ xô đi mua đồ tích trữ. Rất nhiều hàng hóa, thực phẩm bị đẩy giá cao, khan hiếm đột ngột. Mì tôm, nước uống… được nhiều cửa hàng, siêu thị thông báo tạm hết hàng.

Thậm chí, đầu giờ sáng 10/9, một số người dân còn mang xe ô tô lên cầu chữ Y ở lối từ khu đô thị sinh thái EcoRivers sang khu đô thị mới phía đông TP Hải Dương để phòng xe bị ngập nước khi lũ lụt khiến lực lượng chức năng của thành phố phải vất vả giải toả. Việc giải toả là cần thiết vì đỗ xe như vậy đã vi phạm Luật Giao thông đường bộ, cản trở giao thông.

z5815659833750_24ba0408b8f997559af0fb8a80504161.jpg
Một số người dân đỗ xe trên cầu chữ Y, khu đô thị Ecorivers vào sáng 10/9. Ảnh: TIẾN MẠNH

Hiện mực nước các sông ở khu vực Hải Dương đang ở mức cao và có thể vẫn tiếp tục lên. Việc cần làm lúc này của mỗi người là bình tĩnh, chủ động nắm bắt thông tin chính xác từ các nguồn tin chính thống của tỉnh, từ chính quyền, cơ quan chuyên môn, báo Hải Dương, các nền tảng mạng xã hội của Báo Hải Dương và báo chí chính thống, thực hiện nghiêm các khuyến cáo của lực lượng chức năng. Đặc biệt, mọi người dân cần cảnh giác trước những tin đồn thất thiệt, gây hoang mang.

Gần đây nhất, một người ở Bắc Giang đã bị Công an triệu tập vì đưa tin đồn thất thiệt về vỡ đê. Trước đó, trong đợt chống dịch Covid-19 cũng đã có nhiều trường hợp bị xử phạt hành chính thậm chí xử lý hình sự vì đưa tin sai sự thật trên mạng xã hội. Lực lượng công an Hải Dương đang điều tra làm rõ, xử lý người đưa tin sai sự thật vỡ đê.

Bão số 3 đi qua đã gây thiệt hại lớn về tài sản trên địa bàn tỉnh. Hiện cả hệ thống chính trị của Hải Dương đang khẩn trương từng phút, từng giờ phòng chống mưa lũ với quyết tâm cao nhất bảo vệ an toàn hệ thống đê điều.

Người dân cần tỉnh táo trước những thông tin thất thiệt; cập nhật thông tin chính xác và chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống mưa lũ đúng với mức độ cảnh báo của các cơ quan chức năng đưa ra để tránh chưa bị thiệt hại vì mưa lũ đã thiệt hại vì thông tin thất thiệt.

PV