Giáo dục và đào tạo

Dạy theo hướng mới chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025

THẾ ANH 10/09/2024 05:07

Năm 2025, lần đầu tiên học sinh lớp 12 thi tốt nghiệp THPT theo chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, đòi hỏi cả giáo viên và học sinh ở Hải Dương phải đổi mới dạy và học để chuẩn bị hành trang tốt nhất cho kỳ thi.

img_2284(1).jpg
Học sinh lớp 12 năm học 2024-2025 sẽ là lứa thí sinh đầu tiên thi tốt nghiệp THPT theo chương trình mới

Học sinh lo lắng

Năm 2025, học sinh lớp 12 là lứa thí sinh đầu tiên thi tốt nghiệp THPT theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhiều đổi mới so với trước đây. Điểm mới nhất là thí sinh chỉ còn thi 4 môn, trong đó có 2 môn bắt buộc là ngữ văn, toán và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại, gồm: ngoại ngữ, lịch sử, vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ. Đa số giáo viên dạy lớp 12 đều cho rằng, phương án thi này có ưu điểm là giảm áp lực thi cử cho thí sinh, giảm chi phí cho gia đình và cả xã hội.

Một điểm mới được học sinh rất quan tâm và lo lắng nhất là đề thi sẽ được thiết kế theo hướng đánh giá năng lực và bổ sung thêm một số dạng thức câu hỏi mới đối với các môn thi trắc nghiệm (trước đây chỉ có 1 dạng thức câu hỏi thi trắc nghiệm). Như vậy, đề thi có thêm 2 dạng câu hỏi là trắc nghiệm đúng sai và dạng câu hỏi trả lời ngắn, yêu cầu thí sinh tô chọn đáp án. Điểm mới này nhằm khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc lòng hoặc học thuộc từ tài liệu có sẵn một cách máy móc. Đề thi sẽ có sự phân hóa cao theo các cấp độ đòi hỏi học sinh phải vận dụng được các kiến thức, kỹ năng đã được học vào thực tế để làm bài, hạn chế khoanh bừa đáp án.

Em Đặng Thế Duyệt, lớp 12 Trường THPT Phúc Thành (Kinh Môn) cho biết bản thân cũng như các bạn khác không tránh khỏi căng thẳng, lo lắng. Nhưng sau khi được thầy cô giáo phổ biến, hướng dẫn về cấu trúc đề thi, Duyệt thấy đề cũng khá phù hợp với học sinh. Khi chỉ thi 4 môn, các bạn sẽ giảm áp lực ôn tập và thi cử, có nhiều thời gian hơn để học các môn yêu thích khác cũng như tập trung cho môn học dự định sử dụng điểm để xét tuyển vào trường đại học.

“Gia đình cũng thường xuyên động viên em bình tĩnh, học tập và không tạo áp lực nên tâm lý cũng khá thoải mái. Hiện em vẫn ôn tập theo kế hoạch đã đề ra. Điều quan trọng là thời gian tới phải tiếp thu tốt nhất kiến thức đổi mới mà thầy cô truyền đạt để thi tốt nghiệp THPT 2025”, Duyệt nói.

Thầy cô chủ động

Để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, các trường THPT trong tỉnh đã sớm có kế hoạch, phương án giảng dạy và ôn tập cho học sinh, đáp ứng với yêu cầu đổi mới của kỳ thi.

z5699593649023_3ee645c873381d8c1530e91a10cd6a54(1).jpg
Một tiết ôn luyện của Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Hữu Giỏi và học sinh Trường THPT Thanh Miện

Năm học này, Trường THPT Nam Sách có hơn 500 học sinh lớp 12. Nhà trường đã sớm xây dựng kế hoạch giáo dục, chỉ đạo giáo viên đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá năng lực theo hướng phát huy phẩm chất, năng lực học sinh.

Thầy giáo Trần Khoa, Hiệu trưởng Trường THPT Nam Sách cho biết giáo viên của trường đã xây dựng ngân hàng câu hỏi, đề thi theo cấu trúc đề của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong quá trình dạy học, ôn luyện cũng như kiểm tra, đánh giá, giáo viên sẽ phải rèn cho học sinh khả năng vận dụng kiến thức, phương pháp tư duy và sáng tạo. Trường sẽ thường xuyên tổ chức sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn. Đồng thời thăm dò, khảo sát, tư vấn và sớm định hướng nghề nghiệp cho các em; định hướng chuẩn bị cho học sinh tham gia các kỳ thi riêng như đánh giá năng lực, đánh giá tư duy. Trường cũng đã cho học sinh đăng ký dự kiến môn thi tốt nghiệp để chia lớp và triển khai ôn tập sớm cho các em.

Năm học này Trường THPT Gia Lộc II có 376 học sinh lớp 12. Trường cũng đã sớm xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể cho việc dạy và học của học sinh khối 12, đặc biệt là ôn thi tốt nghiệp THPT. Thầy giáo Trương Hồng Phương, Hiệu trưởng Trường THPT Gia Lộc II cho biết nhà trường đã và đang tăng cường tuyên truyền về phương án dạy và học, đặc biệt là tổ chức ôn thi tốt nghiệp theo phương án mới, ổn định tâm lý cho học sinh, phụ huynh. Nhà trường sẽ tăng cường tổ chức hội thảo nội bộ các chuyên đề dạy và học theo chương trình mới; tổ chức học tập, trao đổi kinh nghiệm liên trường để nâng cao chất lượng dạy và học cũng như ôn tập thi tốt nghiệp.

Về phía giáo viên, trước sự thay đổi này, việc dạy và học cũng cần có sự điều chỉnh. Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Hữu Giỏi, giáo viên môn toán Trường THPT Thanh Miện cho biết sẽ tiếp tục bám sát cấu trúc và phạm vi kiến thức đúng mục tiêu yêu cầu, định hướng của Bộ Giáo dục và Đào tạo để truyền đạt kiến thức, kỹ năng cho học sinh. Phương pháp dạy học cũng sẽ thay đổi theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh trên cơ sở bám sát yêu cầu cần đạt của bộ môn.

“Chúng tôi sẽ tích cực tham gia vào các hoạt động chuyên môn trên các diễn đàn cùng với giáo viên của cả nước để có nguồn tài liệu tốt phục vụ giảng dạy. Tự học, tự nghiên cứu kiến thức của các môn học khác để có thể dạy học tích hợp liên môn. Thường xuyên tổ chức sinh hoạt chuyên môn, viết sáng kiến… theo chương trình mới, đi sâu vào các nội dung mới, nội dung khó trong chương trình. Giáo viên sẽ mở rộng, vận dụng kiến thức và hiểu biết cuộc sống để giúp học sinh rèn kỹ năng xử lý, khai thác, đọc hiểu thông tin”, thầy Giỏi nói.

THẾ ANH