Đêm 7/9, khu vực Hải Dương tiếp tục có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 9-10
Đêm 7/9, khu vực tỉnh Hải Dương gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 9-10, sau đó giảm đi. Dự báo từ đêm 7/9 đến sáng 9/9 có mưa to đến rất to.
Theo bản tin lúc 20h của Đài khí tượng thủy văn tỉnh, đêm 7/9, khu vực tỉnh Hải Dương gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 9-10. Ngày 8/9, gió giảm dần.
Gió giật mạnh có thể gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, làm gãy đổ cây cối, hư hại nhà cửa, các công trình giao thông và cơ sở hạ tầng. Cấp độ rủi ro thiên tai do bão: Cấp 3
Từ đêm 7/9 đến sáng 9/9 khu vực tỉnh Hải Dương có mưa to đến rất to, lượng mưa các nơi phổ biến như sau:
Khu vực Đông Bắc tỉnh gồm Chí Linh, Kinh Môn, Kim Thành, Nam Sách, Thanh Hà, lượng mưa phổ biến 100-150mm, có nơi trên 150mm.
Khu vực Tây Nam tỉnh gồm các huyện Cẩm Giàng, Bình Giang, Thanh Miện, Gia Lộc, Tứ Kỳ, Ninh Giang và TP Hải Dương, lượng mưa phổ biến 80-120 mm, có nơi cao hơn.
Ngày và đêm 9/9, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới, khu vực tỉnh Hải Dương tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông.
Mưa có thể gây ra lũ quét, sạt lở đất, đặc biệt là các khu vực có địa hình dốc; có thể làm quá tải hệ thống thoát nước đô thị, gây ra ngập úng trong các khu dân cư, ách tắc giao thông… Mưa cũng gây ngập úng cây trồng, làm đất trở nên bão hòa nước, hoặc làm cây bị đổ gây thiệt hại cho mùa màng.
Mưa lớn còn có thể kèm theo các hiện tượng lốc, sét và gió giật mạnh làm gãy đổ cây cối, hư hại nhà cửa, các công trình giao thông và cơ sở hạ tầng.
17 giờ, theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, hiện nay bão số 3 đã đổ bộ vào đất liền các tỉnh từ Quảng Ninh - Hải Phòng. Trên địa bàn tỉnh đang có gió mạnh cấp 10-11, giật cấp 12. Cấp độ rủi ro thiên tai do bão: Cấp 3.
Khu vực tỉnh Hải Dương có mưa to, lượng mưa từ 19h ngày 06/9 đến 17h ngày 07/9 phổ biến từ 70-80mm (cao nhất ở Ninh Giang 194mm). Dự báo diễn biến mưa trong 24 giờ đến 48 giờ tới khu vực Hải Dương có mưa to đến rất to và dông. Lượng mưa phổ biến từ 200mm đến 300mm, có nơi lớn hơn 300mm.
Lúc 16 giờ ngày 7/9, vị trí tâm bão vào khoảng 20.8 độ Vĩ Bắc; 106.5 độ Kinh Đông, trên đất liền Quảng Ninh – Hải Phòng; sức gió mạnh nhất cấp 12-13 (118-149km/giờ), giật cấp 16. Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 20km/giờ.
Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh đã huy động lực lượng trợ giúp nhân dân phòng, chống bão, di chuyển người, tài sản tại các khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.
Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh duy trì nghiêm chế độ trực, thường xuyên cập nhật, nắm chắc tình hình diễn biến của cơn bão số 3; sẵn sàng tham gia cứu hộ, cứu nạn, giúp nhân dân khi có tình huống xảy ra. Trong đó, lực lượng thường trực, lực lượng dân quân tự vệ của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh có 8.698 người. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã chuẩn bị 90 chiếc ô tô, 15 chiếc xuồng tham gia ứng phó với bão.
Các địa phương đã di chuyển 1.730 hộ dân yếu thế (người già neo đơn, hộ gia đình…) ra khỏi khu vực nguy hiểm. Trong đó, TP Hải Dương di chuyển 132 hộ dân khu tập thể B2, B3 Bình Minh; Tứ Kỳ 350 hộ; Thanh Miện di chuyển 335 hộ; Chí Linh 286 hộ; Gia Lộc: 12 hộ; Bình Giang: 244 hộ; Kinh Môn: 31 hộ; Ninh Giang: 288 hộ, Nam Sách 52 hộ.
16 giờ 43, theo thông tin từ Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương, mưa bão, gió giật đã khiến 105 đường dây trung áp (22kV, 35kV) và 16 đường dây 110kV đang gặp sự cố khiến cho khoảng 500.000 khách hàng bị mất điện. Các huyện, thành phố, thị xã đều mất điện lưới.
Khi thời tiết ổn định hơn, Điện lực Hải Dương sẽ kiểm tra toàn bộ các đường dây đang mất điện, nếu không phát hiện sự cố hoặc nguy cơ sự cố thì khôi phục đường dây cấp điện cho các khách hàng; nếu có sự cố sẽ thực hiện xử lý, khắc phục trước khi đóng lại. Các đơn vị ưu tiên kiểm tra xử lý các đường dây cấp điện cho các trạm bơm tiêu úng, trung tâm hành chính, chỉ huy phòng chống lụt bão...
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lưu Văn Bản chỉ đạo ngành điện phối hợp với các ngành liên quan khẩn trương khắc phục những sự cố về đường dây, cột điện… cấp điện kịp thời để các lực lượng khắc phục hậu quả sau bão, đặc biệt là hệ thống trạm bơm tiêu.
16 giờ 30, theo báo cáo nhanh của nhiều đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh Hải Dương, Trung tâm Y tế các huyện Kim Thành, Ninh Giang, Thanh Miện đã chịu nhiều thiệt hại của bão số 3.
Tại Trung tâm Y tế Kim Thành, cửa kính cường lực vào khu vực phòng khám bị gió thổi bung vỡ vụn, nhiều mái tôn khu vực để xe bị thổi bay.
Tại Trung tâm Y tế huyện Ninh Giang, khu vực tiền sảnh nhà chờ khám bệnh mái tôn và trần nhựa bị lật tung...
Trung tâm Y tế huyện Thanh Miện có 3 cây xà cừ lâu năm bị đổ; tôn chống nóng trên nóc nhà Khoa Đông y bị tốc mái... Trạm Y tế các xã Cao Thắng, Ngũ Hùng, Thanh Tùng cũng bị ảnh hưởng tới mái tôn, biển cổng.
Hiện các cơ sở điều trị đã bố trí bệnh nhân ở các khu vực, phòng bệnh an toàn. Các cơ sở y tế bố trí đủ quân số, phương tiện, vật tư... sẵn sàng đáp ứng tình huống khẩn nội viện và ngoại viện.
16 giờ 20, theo thông tin từ Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, đến 15 giờ ngày 7/9, địa bàn tỉnh Hải Dương có gió mạnh cấp 10-11, có nơi giật cấp 12. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Địa bàn tỉnh có mưa to và rất to, lượng mưa từ 7 giờ ngày 6/9 đến 13 giờ ngày 7/9 phổ biến từ 50-60 mm (cao nhất ở Thanh Hà 60 mm). Dự báo diễn biến mưa trong 24 giờ đến 48 giờ tới, khu vực Hải Dương có mưa to đến rất to và dông. Lượng mưa phổ biến từ 200-300 mm, có nơi lớn hơn 300 mm.
Trên địa bàn tỉnh chưa xuất hiện tình trạng ngập úng.
Do ảnh hưởng của mưa bão, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện một số thiệt hại về sản xuất nông nghiệp, cơ sở vật chất, cây cối… Cụ thể, toàn tỉnh có khoảng hơn 236 ha lúa bị đổ, trong đó nhiều nhất ở Bình Giang (180 ha). 6,1 ha cây rau màu vụ hè thu bị ảnh hưởng, trong đó Nam Sách có 3,1 ha ngô bị đổ nhẹ, Kim Thành có 3 ha ngô cũng bị đổ. Dù chưa có số liệu thống kê nhưng địa bàn tỉnh ghi nhận nhiều diện tích cây ăn quả, chủ yếu là chuối bị đổ.
Về thiệt hại công trình, cơ sở hạ tầng, Trường Mầm non xã Chi Lăng Nam (Thanh Miện) bị tốc mái tôn chống nóng; mái tôn tại một số trường học, hội trường xã ở Thanh Hà bị gió tốc.
Toàn tỉnh ghi nhận nhiều bảng quảng cáo, cây bóng mát bị đổ, gãy. Nhiều địa phương bị mất điện. Dẫn đến mất điện tại một số trạm bơm tiêu trên địa bàn các huyện: Bình Giang, Cẩm Giàng, Gia Lộc; một số trạm thu, phát sóng bị gián đoạn.
Tạm cấm một số đoạn, tuyến đường
15 giờ 47, theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải, do tình trạng đổ cây nhiều tại các địa phương nên sở đã thống nhất với các địa phương cấm một số đoạn, tuyến đường. Cụ thể, đoạn đường tỉnh 390 từ đầu TP Hải Dương đi thị trấn Thanh Hà; đoạn quốc lộ 17B huyện Kim Thành; đường tránh TP Chí Linh; quốc lộ 37 từ quốc lộ 18 đi Côn Sơn (Chí Linh); đoạn đường 391, 392 huyện Tứ Kỳ và 390B Thanh Hà.
Thời gian cấm đường từ chiều 7/9.
Thị xã Kinh Môn đã đề nghị cấm đường đoạn từ đường dẫn cầu Triều đi quốc lộ 17B.
Ngay trong bão, lực lượng chức năng và nhân dân một số địa phương đã khẩn trương thu dọn cây xanh đổ ngang đường để bảo đảm an toàn giao thông.
Ban An toàn giao thông tỉnh Hải Dương khuyến cáo người dân không đi ra đường khi không thực sự cần thiết, nhất là trong khoảng thời gian từ 12 giờ ngày 7/9 đến 6 giờ ngày 8/9.
Ban An toàn giao thông tỉnh đề nghị các đồng chí Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các lực lượng chức năng và UBND cấp xã tuyên truyền đến người dân trên địa bàn chủ động các biện pháp phòng, tránh bão; không tham gia giao thông khi không thực sự cần thiết; trường hợp bắt buộc phải tham gia giao thông cần lựa chọn tuyến đường có ít cây to, không lưu thông qua tuyến đường có cầu cao, khi lưu thông cần giảm tốc độ và chú ý quan sát để phòng, tránh tai nạn.
Các lực lượng chức năng và UBND cấp xã thực hiện phòng, chống bão theo phương châm “4 tại chỗ”; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng của tỉnh và của Sở Giao thông vận tải tổ chức giải tỏa giao thông, điều tiết, phân luồng, hạn chế giao thông trên các tuyến đường qua địa bàn, có biện pháp bảo đảm an toàn cho lực lượng tham gia phòng, chống bão.
Nhiều cây xanh, cột điện gãy đổ, đã có trường học bị tốc mái, một số diện tích lúa bị đổ
15 giờ, theo thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ huyện Kim thành, trên địa bàn huyện gió giật cấp 11-2, nhiều mái tôn của các trường học, trạm y tế, biển quảng cáo bị tốc, đổ; hàng trăm cây chuối tại các vùng trồng tập trung của bà con ở các xã Tuấn Việt, Kim Xuyên, Đại Đức… bị gãy. Nhiều cây cối đổ ngổn ngang trên quốc lộ 17B và những tuyến đường khác.
14 giờ 15, tại TP Chí Linh, các địa phương đều cử các đoàn xuống các thôn, khu dân cư kiểm tra các vị trí xung yếu. Đã có một số mái tôn của nhà dân, công trình bị gió tốc. Nhiều địa phương của TP Chí Linh tiếp tục di chuyển các hộ dân ở vùng nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn; khoanh vùng, kiểm tra hiện trạng và đặt biển cảnh báo nguy cơ sạt lở đối với những vị trí xung yếu...
14 giờ, theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương, toàn tỉnh Hải Dương có khoảng 236,4 ha lúa bị đổ. Trong đó huyện Bình Giang bị thiệt hại nặng nhất (180ha), tiếp đến là Gia Lộc gần 39ha… Ngoài ra, tại huyện Nam Sách và Kim Thành mỗi nơi có khoảng 3 ha ngô cũng bị đổ. Nhiều diện tích chuối cũng bị thiệt hại...
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thuỷ lợi Hải Dương, hiện tại hầu hết các trạm bơm tiêu trên địa bàn tỉnh đều gặp sự cố mất điện.
13 giờ 45, tại nhiều tuyến phố chính của TP Hải Dương như khu vực gần Quảng trường Độc Lập, phố Quang Trung, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Văn Linh..., hàng loạt cây xanh bị bật gốc, biển báo giao thông gãy đổ.
13 giờ 50, tuyến đường từ Ga Cao Xá đi xã Đức Chính (Cẩm Giàng) đoạn gần trạm điện, dự án bể bơi Thái, xe ô tô đâm đổ cột điện, lao xuống ruộng. Người trong xe may mắn không sao. Lực lượng chức năng có mặt thì lái xe đã rời khỏi hiện trường. Người dân cho biết xe đang di chuyển thì lệch hướng lao xuống. Hiện lực lượng công an vẫn chưa liên lạc được với chủ phương tiện.
13 giờ, theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương, đến 13 giờ ngày 7/9, bão số 3 đã đổ bộ vào đất liền các tỉnh ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh - Hải Phòng. Trên địa bàn tỉnh Hải Dương đang có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 10. Rủi ro thiên tai do bão cấp 3.
Theo Trung tâm Khí tượng tỉnh, đây chưa phải thời điểm gió mạnh nhất, bão số 3 tiếp tục di chuyển theo quán tính trên đất liền, đến khoảng từ 15h - 18h bão tiệm cận đến khu vực Chí Linh, lúc này tốc độ gió ảnh hưởng mạnh nhất.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu sau ảnh hưởng của cơn bão số 3 nên từ sáng 7/9 đến sáng 9/9, khu vực Hải Dương có mưa to đến rất to và dông. Lượng mưa phổ biến từ 200mm đến 300mm, có nơi lớn hơn 300mm. Hiện tại hồ thủy điện Hòa Bình đang mở 1 cửa xả đáy.
Mưa bão khiến 10/12 địa bàn cấp huyện mất điện lưới diện rộng, gồm Bình Giang, Cẩm Giàng, Chí Linh, Kinh Môn, Kim Thành, Ninh Giang, Thanh Hà, Tứ Kỳ, TP Hải Dương. 1 trạm 2G và 2 trạm 3G cũng mất liên lạc.
Tại huyện Thanh Miện, xã Chi Lăng Nam khuyến cáo người dân hạn chế di chuyển trên đường tỉnh 396 đoạn qua trường mầm non. Các hộ dân xung quanh Trường Mầm non xã tuyệt đối không ra khỏi nhà.
Trước đó, Trường Mầm non xã Chi Lăng Nam bị gió thổi bay phần mái chống nóng của dãy nhà 2 tầng, 5 phòng học.
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, tính đến 12 giờ ngày 7/9, huyện Bình Giang có 180ha lúa bị đổ rạp (Bình Xuyên 90ha, Cổ Bì 45ha, Thái Học 40 ha, Hùng Thắng 5 ha).
Huyện Gia Lộc 40ha lúa bị ngập, 38,7ha lúa bị đổ rạp. Huyện Nam Sách có khoảng 2 ha lúa đang thời kỳ đỏ đuôi đổ ẹp.
Ngoài TP Hải Dương đã di chuyển các hộ dân sống trong các khu tập thể cũ nguy hiểm như B2,B3 Bình Minh, khu tập thể Máy Bơm, huyện Tứ Kỳ cũng đã di chuyển gần 350 hộ, Bình Giang 244 hộ, Chí Linh di chuyển 22 hộ, Gia Lộc 12 hộ… đến nơi an toàn.
Huyện đoàn Gia Lộc đã yêu cầu Đoàn các xã, thị trấn thành lập Đội Thanh niên xung kích, tối thiểu 15 người/đội. Từ sáng ngày 7/9, các Đội Thanh niên xung kích phối hợp với UBND các xã, thị trấn, tổ chức đoàn thể thực hiện việc hỗ trợ di chuyển người sống trong những ngôi nhà không an toàn về trụ sở UBND xã, các điểm công cộng; gia cố nhà cửa, lớp học, chặt cây, dọn dẹp cây cối có nguy cơ bị đổ. Các Đội Thanh niên xung kích sẽ trực tại trụ sở UBND các xã, thị trấn đến khi hết bão.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu: Chính quyền và nhân dân cùng đoàn kết vượt qua cơn bão số 3
12 giờ, đồng chí Lê Ngọc Châu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương sáng 7/9 đã đến thăm, động viên nhân dân tại 2 điểm tránh trú bão trên địa bàn TP Hải Dương. Tại đây, đồng chí nhấn mạnh chính quyền và người dân toàn tỉnh cùng đoàn kết vượt qua cơn bão số 3.
Tại 2 điểm tránh trú bão ở hội trường UBND phường Nguyễn Trãi và ký túc xá Trường THCS Lê Quý Đôn (phường Phạm Ngũ Lão), Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu thăm hỏi, động viên, mong người dân cùng đoàn kết vượt qua những khó khăn tạm thời trước mắt để bảo đảm sự an toàn trước ảnh hưởng, diễn biến khó lường của cơn bão số 3.
Đồng chí khẳng định cấp ủy, chính quyền tỉnh Hải Dương nỗ lực ở mức cao nhất để bảo đảm an toàn tuyệt đối về tính mạng, bảo vệ tài sản cho người dân toàn tỉnh nói chung, những hộ dân đang ở nơi tránh trú bão tạm thời nói riêng trước cơn bão số 3.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lưu Văn Bản yêu cầu Chí Linh chủ động bơm tiêu gạn nước, bơm chống úng kịp thời
Sáng 7/9, kiểm tra công tác ứng phó với bão số 3 tại TP Chí Linh (Hải Dương), đồng chí Lưu Văn Bản, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu Ban Quản lý khu công nghiệp Cộng Hòa phối hợp TP Chí Linh triển khai các phương án chống ngập úng, đồng thời thông báo tới các chủ doanh nghiệp, nhà máy trong khu công nghiệp triển khai ngay việc bảo vệ máy móc, hàng hóa, tránh bị thiệt hại do mưa bão gây ra. Cán bộ, nhân viên quản lý các trạm bơm trên địa bàn TP Chí Linh cần theo dõi sát diễn biến của bão, chủ động bơm tiêu gạn nước, bơm chống úng kịp thời để bảo vệ an toàn cho diện tích lúa và hoa màu của nhân dân. Thành phố tiếp tục chỉ đạo bảo vệ an toàn các lồng cá trên sông, trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Các địa phương chủ động di dời các hộ dân ở những nơi nguy hiểm ra vị trí an toàn. Làm tốt công tác hiệp đồng với các đơn vị quân đội, công an, bảo đảm trang thiết bị vật tư cần thiết để chủ động ứng phó. Theo dõi sát các vị trí đê xung yếu, đặc biệt là khu vực phường Văn An, Đồng Lạc, An Lạc...
11 giờ 30, toàn tỉnh Hải Dương đã có mưa với lượng phổ biến 10-15mm, gió bão cấp 6-7, giật cấp 8. Hồi 10 giờ ngày 7/9, vị trí tâm bão số 3 ở vào khoảng 20,6 độ Vĩ Bắc; 107,6 độ Kinh Đông, trên vùng biển Quảng Ninh-Thái Bình. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (134-149km/h), giật cấp 16, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 15-20km/h.
Từ trưa 7/9, khu vực tỉnh Hải Dương có gió mạnh cấp 7-8 sau tăng lên cấp 9-10, giật cấp 11-12 ( thời điểm gió mạnh nhất trong khoảng từ trưa đến chiều tối ngày 7/9). Dự báo tác động của gió mạnh: gió giật mạnh có thể gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, làm gãy đổ cây cối, hư hại nhà cửa, các công trình giao thông và cơ sở hạ tầng. Cấp độ rủi ro thiên tai do bão: Cấp 3.
10 giờ 30, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu tỉnh Hải Dương điện: Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố, thị xã; Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh; Các sở, ngành: Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Giáo dục và Đào tạo, Công thương, Y tế, Văn hóa thể thao và Du lịch, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, Báo Hải Dương; Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh, Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương, Công ty cổ phần Quản lý công trình đô thị Hải Dương; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, Chi cục Thủy lợi, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Hải Dương, Cục dự trữ Nhà nước khu vực Hải Hưng; Các đồng chí thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh và các sở, ban, ngành, đoàn thể khác của tỉnh.
Theo tin bão khẩn cấp từ Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Hải Dương, hiện nay do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, tại đảo Bạch Long Vĩ có gió mạnh cấp 12, giật cấp 14, đảo Cô Tô có gió mạnh cấp 7, giật cấp 11, Móng Cái gió mạnh cấp 6, giật cấp 9, Cửa Ông gió mạnh cấp 8, giật cấp 9 (đều tăng thêm 01 cấp so với nhận định lúc 05 giờ ngày 07/9/2024). Hồi 07 giờ ngày 07/9/2024, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,4 độ Vĩ Bắc; 108,2 độ Kinh Đông, trên vùng biển vịnh Bắc Bộ, cách Quảng Ninh-Thái Bình khoảng 150km về phía Đông Đông Nam, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, giật cấp 17, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 15-20km/h. Đến 19 giờ ngày 07/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,0 độ Vĩ Bắc; 106,1 độ Kinh Đông, trên đất liền phía Đông Bắc Bộ, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10, giật cấp 12, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 15-20km/h.
Hiện tại hồ thủy điện Hòa Bình đang mở 01 cửa xả đáy, mực nước lũ các sông đang lên cao.
Nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Hải Dương: Khu vực tỉnh Hải Dương có gió mạnh cấp 7-9, giật cấp 10, riêng thành phố Chí Linh giật cấp 10-12 (gió mạnh nhất từ thời điểm từ 15 giờ đến 18 giờ ngày 07/9). Từ sáng 07/9 đến sáng 09/9, trên địa bàn tỉnh có mưa to đến rất to và dông, lượng mưa phổ biến từ 180 đến 300mm, có nơi trên 300mm. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3.
Để chủ động phòng, tránh, ứng phó, xử lý kịp thời những tình huống do bão, mưa lũ sau bão gây ra, thực hiện Công điện số 88/CĐ-TTg ngày 07/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung ứng phó bão số 3 và mưa lũ sau bão và chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố, thị xã, các cấp, các ngành:
1. Các cấp chính quyền, cơ quan, đơn vị tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, có hiệu quả các chỉ đạo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh tại Công điện số 05/CĐ-PCTT&TKCN ngày 04 tháng 9 năm 2024; Công điện số 06/CĐ-PCTT&TKCN ngày 05 tháng 9 năm 2024; Công điện số 07/CĐ-PCTT&TKCN ngày 05 tháng 9 năm 2024 về việc tập trung ứng phó khẩn cấp bão số 3 năm 2024 trên địa bàn tỉnh Hải Dương; tập trung ưu tiên bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân và nhà nước.
2. Bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân tại các khu vực nguy hiểm, nhất là trên lồng bè nuôi cá trên sông, công trình, nhà xung yếu, khu vực có nguy cơ ngập sâu, khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét không bảo đảm an toàn, kiên quyết không để người dân ở lại khu vực nguy hiểm; kiên quyết cưỡng chế di dời người dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm (lồng bè nuôi cá trên sông, nhà ở, khu dân cư mất an toàn, sạt lở…), để bảo đảm an toàn tính mạng.
3. Chỉ đạo đảm bảo an toàn công trình đê điều, hồ đập, an toàn giao thông, hạn chế thiệt hại về nhà ở, kho tàng, trụ sở, công trình công cộng, khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp; bảo vệ sản xuất nông nghiệp, chống ngập úng khu đô thị và khu công nghiệp.
4. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị có liên quan khẩn trương rà soát, cập nhật phương án ứng phó theo mức độ rủi ro của bão, chủ động bố trí lực lượng, phương tiện phối hợp với các lực lượng có liên quan triển khai công tác phòng, chống bão, lũ theo quy định.
Theo thông tin ban đầu của phóng viên Báo Hải Dương, tối 6/9, tại TP Hải Dương 132 hộ ở khu tập thể B2, B3 Bình Minh đã được vận động di chuyển đến nơi an toàn để tránh bão. 100% số hộ sống ở dãy nhà cấp 4 tập thể Máy Bơm phường Nguyễn Trãi cũng đã sơ tán để tránh bão số 3. Cũng trong đêm 6/9, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Thanh Miện và các xã, thị trấn trong huyện đã di chuyển 335 hộ dân ở nơi nguy hiểm đến chỗ an toàn. Tại Kinh Môn, đến 9 giờ 30 sáng 7/9, 31 hộ ở phường An Lưu cũng đã di chuyển khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở Đồi Phủ.