Mang Mazda CX-5 đến gara sửa phanh, chủ xe hốt hoảng vì thói quen lái xe của vợ
Đi xe đến không còn má phanh, mòn vẹt cả đĩa phanh, chỉ đến khi đạp phanh không ăn và nghe thấy tiếng kim loại kêu rít, vị chủ xe Mazda CX-5 mới hốt hoảng, mang xe tới gara để kiểm tra.
Hết sạch má phanh, ăn cả vào đĩa phanh
Anh Nguyễn Thanh Bình (Long Biên, Hà Nội) vừa phải mang chiếc Mazda CX-5 2016 của mình để kiểm tra sau khi đạp phanh không còn ăn, bị rung bàn đạp và thấy tiếng kêu lạ. Chiếc xe được đưa tới một trung tâm sửa chữa ô tô ở Bồ Đề, Long Biên và sau khi các kỹ thuật viên kiểm tra, anh Bình được thông báo tình trạng má phanh sau không còn, mép ngoài đĩa phanh bị mòn vẹt. Vị chủ xe Mazda CX-5 cũng giật mình khi được nhân viên kỹ thuật đưa cho xem má phanh và bộ đĩa phanh sau.
Anh Bình cho rằng thông thường xe có vấn đề gì sẽ hiện đèn cảnh báo trên bảng đồng hồ nhưng má phanh mòn thế nào thì phải tháo bánh xe ra kiểm tra mới biết được. Anh đi xe cũng ít khi phanh gấp, xe cũng ít đi nên cũng lười đi bảo dưỡng định kỳ. Vì vậy, anh chủ quan không để ý đến bộ phận phanh và cũng không bao giờ nghĩ má phanh lại có thể mòn "hết sạch" như vậy.
Vị chủ xe cho biết: "Cách đây chưa lâu, vợ tôi có cầm lái xe, đi một đoạn dài thấy xe khá ì, kiểm tra thì thấy vợ tôi quên nhả phanh tay. Mazda CX-5 này được trang bị phanh tay điện tử nhưng lại không tự nhả như mấy dòng xe mới gần đây. Cũng vì là phanh điện tử nên tôi khó phát hiện ra là nó đã được nhả hay chưa như phanh tay truyền thống. Có thể vì điều đó mà má phanh của xe bị mòn nhanh hơn bình thường."
Để sửa chữa, anh Bình đã phải để xe lại xưởng mất mấy ngày. "Thật may là phát hiện kịp thời, dù có hơi muộn nhưng sự việc chưa bị đi quá xa. Thử tưởng tượng mình đang chạy tốc độ cao mà đạp phanh không ăn thì nguy hiểm đến mức nào", anh Bình kể lại.
Mặc dù cái giá phải trả cho sự chủ quan của anh Bình không cao, chỉ vài triệu đồng cho việc sửa chữa hệ thống phanh nhưng đây có thể được xem là một bài học về kinh nghiệm chăm sóc xe dành cho vị chủ xe này.
Nguyên nhân nào gây ra sự cố ở đĩa phanh và má phanh?
Về vấn đề này, kỹ sư Nguyễn Thành Tâm, chủ gara ô tô Thành Tâm tại phường Bồ Đề (quận Long Biên, Hà Nội) cho hay: "Để bảo đảm hệ thống phanh hoạt động hiệu quả, bề mặt đĩa phanh (rô-to phanh) phải hoàn toàn phẳng và nhẵn. Má phanh cần phải tiếp xúc liên tục với đĩa phanh khi giảm tốc độ xe. Nếu bề mặt đĩa phanh có rãnh hoặc cong vênh, áp suất của má phanh sẽ không đồng đều, gây ra hiện tượng rung khi phanh để giảm tốc".
Các vấn đề thường gặp nhất với đĩa phanh là trầy xước và biến dạng. Nếu má phanh bị mòn, nó sẽ gây trầy xước. Như trường hợp xe Mazda CX-5 của anh Bình, má phanh này hết sạch, chỉ còn các lớp kim loại bên dưới ép vào đĩa phanh khi xe giảm tốc. Trong thời gian dài, điều này dẫn tới một phần bề mặt đĩa phanh đã bị mòn và tạo thành rãnh sâu.
Anh Tâm cho biết: "Trường hợp chủ quan, không thường xuyên kiểm tra bộ phanh và chạy mòn không còn cả má phanh như vị chủ xe Mazda CX-5 không phải là ít. Nguyên nhân thường đến từ thói quen lái xe phóng nhanh phanh gấp của người dùng, đặc biệt là nhiều trường hợp lơ đãng quên hạ phanh tay".
Theo vị kỹ sư này, trong trường hợp đĩa phanh của xe không bị hư hỏng nghiêm trọng, độ mòn vẫn nằm trong ngưỡng an toàn theo quy định của mỗi nhà sản xuất, kỹ thuật viên có thể thực hiện láng đĩa phanh để tạo ra bề mặt hoạt động trơn tru và phẳng. Chi phí láng đĩa phanh vào khoảng 200.000 đồng/đĩa.
"Tuy nhiên, việc láng đĩa phanh không thể làm lại quá nhiều lần bởi bộ phận này sẽ bị mòn nhiều sẽ mất khả năng tản nhiệt và hấp thụ nhiệt. Tùy theo từng trường hợp, phía gara sẽ tư vấn cho khách hàng nên khắc phục đĩa phanh hay cần thay mới. Chi phí cho một đĩa phanh mới từ vài trăm đồng cho đến vài triệu đồng", anh Tâm nói.
Trong trường hợp má phanh cũ của xe có thể vẫn còn tốt, nhưng người dùng cũng cần thay mới vì vật liệu ma sát có thể đã mòn không đều. Chi phí thay má phanh mới cũng chỉ dao động từ 300.000-800.000 đồng (đối với xe phổ thông).
Khi nào cần thay má phanh, đĩa phanh?
Theo kỹ sư Nguyễn Thành Tâm, vì thành phần và thiết kế của đĩa phanh khác nhau do đến từ các thương hiệu khác nhau nên tuổi thọ trung bình của mỗi đĩa phanh cũng sẽ khác nhau.
Để biết khi nào xe cần thay đĩa phanh cũng sẽ phụ thuộc vào phong cách lái xe của mỗi người. Nếu chủ xe thường xuyên lái xe trong thành phố, chắc chắn sẽ cần thay má phanh và đĩa phanh sớm hơn so với khi lái xe trên đường trường.
Cách tốt nhất để hạn chế tối đa các sự cố liên quan đến hệ thống phanh, người dùng nên kiểm tra bộ phận này trong mỗi lần thay dầu định kỳ. Má phanh có độ dày ban đầu là 10-12 mm, khi độ dày giảm xuống khoảng 2-4 mm (tương đương khoảng 20-30% độ dày ban đầu), đó là thời điểm người dùng nên cân nhắc thay thế để tránh phải thay đĩa phanh quá sớm.