Môi trường

Hải Dương phát công điện khẩn trong đêm

PV 05/09/2024 23:15

Đêm 5/9, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương phát công điện số 06 về việc tập trung ứng phó khẩn cấp bão số 3 trên địa bàn tỉnh.

e248e94b179ab0c4e98b.jpg
Trong ngày 5/9, Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thuỷ lợi tỉnh Hải Dương đã hoàn thành toàn bộ việc kiểm tra, tu sửa máy móc, thiết bị các trạm bơm tiêu để sẵn sàng phục vụ chống úng. Ảnh: MT

Theo dự báo của Đài Khí tượng thuỷ văn tỉnh Hải Dương, do ảnh hưởng của bão số 3 nên từ sáng sớm 7/9 các khu vực trong tỉnh sẽ có gió mạnh cấp 5, cấp 6, sau tăng lên cấp 7, cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Từ đêm 6-9/9, địa bàn Hải Dương sẽ có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 200-350 mm. Cấp độ rủi ro thiên tai lớn (cấp 3). Bão số 3 được nhận định có cường độ rất mạnh, mức độ tác động lớn và diễn biến khó lường.

Để chủ động phòng tránh, ứng phó và xử lý kịp thời các tình huống do bão số 3 gây ra, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đề nghị Ban Chỉ huy các huyện, thành phố, thị xã, các cấp, ngành theo dõi sát thông tin dự báo, diễn biến tình hình mưa, bão, lũ, kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3 với tinh thần chủ động phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất. Không để bị động, bất ngờ, bảo đảm an toàn về tính mạng, nhất là trẻ em và các trường hợp yếu thế, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của nhân dân và nhà nước. Tổ chức thường trực, trực ban 24/24 giờ, chấp hành nghiêm chế độ báo cáo theo quy định. Chủ tịch UBND cấp huyện, thủ trưởng các sở, ngành, cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu chủ quan, lơ là trong lãnh đạo, chỉ đạo, chậm triển khai ứng phó với bão, lũ dẫn tới thiệt hại về người và tài sản.

Đài Khí tượng thuỷ văn tỉnh tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, báo cáo, truyền tin kịp thời tới các cơ quan, địa phương để chủ động chỉ huy, chỉ đạo công tác ứng phó. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Hải Dương, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh, các cơ quan thông tin đại chúng cấp huyện, xã, thôn tăng cường tuyên truyền về diễn biến mưa bão và công tác chỉ đạo ứng phó đến các cấp, ngành và nhân dân.

Các địa phương tuyên truyền, vận động người dân thu hoạch nhanh sản phẩm nông nghiệp có thể thu hoạch với phương châm “xanh nhà hơn già đồng” để giảm thiểu thiệt hại. Tổ chức cắt tỉa cành cây nhưng không ảnh hưởng tới sinh trưởng, phát triển của cây xanh và bảo đảm cảnh quan đô thị. Chằng chống nhà cửa, công trình, trường học, kho tàng, bến bãi, các biển hiệu quảng cáo, mái che, mái vẩy, công trình cột tháo cao, téc nước trên cao… Khi có tình huống không bảo đảm an toàn tại công trình, nhà xung yếu, khu vực sạt lở đất thì khẩn trương thực hiện phương án sơ tán dân tới nơi an toàn. Triển khai các giải pháp bảo vệ diện tích cây trồng, thuỷ sản, nhất là cá lồng trên sông, tuyệt đối không để người dân ở lại chòi canh cá lồng khi bão đổ bộ.

Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương chủ động kiểm tra hệ thống công trình điện, bảo đảm cấp điện cho các trạm bơm phục vụ tiêu úng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương rà soát, kiểm tra các trọng điểm xung yếu về đê điều, thuỷ lợi, sạt lở đất để triển khai xử lý ứng cứu ngay từ giờ đầu, bảo đảm an toàn cho công trình. Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh và UBND cấp huyện yêu cầu các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp chủ động triển khai phương án phòng chống bão, mưa, úng.

Các doanh nghiệp khai thác công trình thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh chủ động thực hiện gạn tháo, bơm tiêu úng. Riêng TP Hải Dương phải bơm tiêu nước đệm tối đa, hạ thấp mực nước trong hồ chứa, kênh hợp lý. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh sẵn sàng lực lượng, phương tiện hỗ trợ các địa phương ứng phó bão, cứu hộ, cứu nạn. Sở Giáo dục và Đào tạo theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, chủ động cho học sinh nghỉ học khi bão đổ bộ trực tiếp vào tỉnh.

Các đồng chí thành viên Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh phối hợp Trưởng Ban Chỉ huy cấp huyện trực tiếp xuống các địa bàn trọng điểm để lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống bão, mưa, lũ trên địa bàn theo nhiệm vụ được phân công. Các địa phương thực hiện thống kê, đánh giá thiệt hại do bão gây ra, đề xuất hỗ trợ khắc phục hậu quả sau bão theo quy định.

PV