Nhà ở xã hội

Phát triển nhà ở xã hội tại Hải Dương. Bài 1: Ai đang ở nhà ở xã hội?

TÂM PHÚC 06/09/2024 05:00

Tại Hải Dương, nhu cầu về nhà ở xã hội rất lớn. Tuy nhiên, việc xây dựng thế nào để phù hợp, đúng đối tượng; việc triển khai dự án, tính giá... phải được làm rõ để các dự án này phát huy tốt hiệu quả. Từ số báo này, Báo Hải Dương đăng loạt bài phân tích về nội dung này.

img_20240903_172409.jpg
Khu chung cư Bạch Đằng trên địa bàn phường Nhị Châu (TP Hải Dương) là dự án nhà ở xã hội mới nhất được đưa vào sử dụng trên địa bàn TP Hải Dương. Ảnh: Tuấn Linh

Chưa hẳn thu nhập thấp

Nhà ở xã hội là những khu nhà dành cho một số nhóm người như: người có công với cách mạng, hộ nghèo và cận nghèo tại khu vực nông thôn; người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị... Ở Hải Dương, nhu cầu về nhà ở xã hội còn nhiều. Tuy nhiên, có một thực tế những người thu nhập không hẳn thấp vẫn tìm cách lách luật để ở nhà ở xã hội. Có chỗ xây xong lại để không, gây lãng phí.

Chị V.T.H. là chủ một căn hộ ở tòa nhà ở xã hội phường Nhị Châu (TP Hải Dương), còn gọi chung cư Bạch Đằng. Dù xét về tiêu chí gia đình chị đủ điều kiện nhưng phải rất khó khăn chị H. mới mua được căn nhà này. Thời điểm chị H. mua căn nhà này phải chịu giá cao hơn, phải cộng thêm 25 triệu đồng chênh lệch khi mua qua đại lý, nâng tổng số tiền lên gần 900 triệu đồng cho căn hộ 57 m2 (chưa tính thuế). Tòa chung cư chị H. mua căn hộ có hơn 200 căn, diện tích từ 55 - 67m2, giá bán tùy theo từng vị trí, hướng nhìn… Hầu hết các căn nhà ở đây đều đã có chủ, chỉ có điều rất khó phân định người ở và chủ sở hữu những căn hộ này trên giấy tờ có cùng là một người hay không. Thậm chí, có cả người nước ngoài đến đây thuê ở.

Trong vai người đi mua nhà, phóng viên tham gia khá nhiều hội nhóm trên mạng xã hội và tìm thấy nhóm “Mua và bán chung cư Bạch Đằng” với gần 2.000 thành viên. Trong nhóm có nhiều thông tin mua bán, cho thuê các căn chung cư. Dự án này đều đã bán hết thông qua các đại lý, nhưng thực tế thị trường sang nhượng, cho thuê ở đây vẫn sôi động. Theo Luật Nhà ở 2023 và Nghị định 100/2024/NĐ-CP, những người được mua nhà ở xã hội sẽ phải sử dụng ít nhất 5 năm mới được sang nhượng. Hoặc trong thời hạn chưa đủ 5 năm, kể từ thời điểm trả hết tiền mua nhà ở xã hội, nếu có nhu cầu bán lại thì chỉ được bán lại cho chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội (trong trường hợp mua nhà ở được đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách) hoặc bán lại cho đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội. Giá bán tối đa bằng giá bán nhà ở xã hội này trong hợp đồng mua bán với chủ đầu tư.

Dự án này mới bàn giao căn hộ cho các hộ dân được khoảng 2 năm nhưng trên thị trường hiện tại giá sang nhượng mỗi căn đã cao hơn vài trăm triệu đồng so với giá ban đầu.

Khoảng năm 2016, khu nhà ở thuộc khu đô thị Tuệ Tĩnh là chung cư đầu tiên của tỉnh được xây dựng để bán cho người có thu nhập thấp và trung bình. Dự án gồm 2 tòa nhà chung cư CT1 8 tầng và CT2 có 15 tầng được xây dựng với mục tiêu giúp những người có thu nhập thấp mua được căn nhà để “an cư lạc nghiệp”. Nhưng trên thực tế, số lượng những người thu nhập thấp thật sự mua được những căn nhà này chỉ chiếm một phần. “Nếu tính thu nhập thực tế, vợ chồng tôi không thuộc diện được mua nhà ở xã hội, nhưng mua nhà mặt đất thì lại vượt quá khả năng. Vì vậy chúng tôi đã nhờ người quen có đủ điều kiện đăng ký mua hộ. Sau thời gian theo quy định, chúng tôi mới chính thức được sang tên căn nhà này”, chị T.H.H. đang ở tại chung cư Tuệ Tĩnh cho biết.

Thực tế có một số người cũng như gia đình chị T.H.H. đã nhờ người đủ điều kiện đứng tên mua hộ.

Chỗ không người ở

eaa3408f-646e-4093-8ae4-89ac1da7fa42.jpeg
Toà nhà chung cư ở khu dân cư Đại An hiện không có người ở

Năm 2007, dự án nhà chung cư cho công nhân nằm trong khu dân cư Đại An được xây dựng do Công ty CP Đại An làm chủ đầu tư. Theo kế hoạch ban đầu, chủ đầu tư sẽ xây dựng 8 tòa chung cư, mỗi tòa 5 tầng đáp ứng phần nào nhu cầu nhà ở cho công nhân đang làm việc trong và ngoài khu công nghiệp. Vì các tòa nhà này được quy hoạch trong khu dân cư Đại An nên được bố trí đầy đủ các công trình kèm theo như hệ thống phòng cháy, chữa cháy, truyền hình K+, sân chơi…

Tuy nhiên, đến năm 2015, chủ đầu tư đã phải làm thủ tục xin điều chỉnh dự án đối với khu đất này để tránh lãng phí do không có người vào ở.

Tới cuối tháng 8/2024, ở đây mới chỉ có 1 tòa nhà 5 tầng, diện tích 2.500m2 sàn nhà ở cho công nhân. Nhưng do không được đưa vào sử dụng nên cơ sở vật chất đã xuống cấp nghiêm trọng. Tường loang lổ từng mảng, cửa kính vỡ, cây cỏ mọc tốt um trên các tầng nhà… “Từ ngày tôi dọn về đây đã thấy tòa nhà không có người ở. Cũng không rõ chủ đầu tư bán hay cho thuê. Cả công trình bỏ không trong khi công nhân vẫn phải đi thuê nhà rất lãng phí”, một người dân ở gần tòa nhà này nói.

Theo quan sát của chúng tôi, vị trí khu nhà nằm sâu bên trong khu công nghiệp, không thuận lợi cho việc đi lại, sinh hoạt... của công nhân.

Tại TP Hải Dương còn dự án nhà ở xã hội cho công nhân được xây dựng gần khu công nghiệp Nam Sách, phường Ái Quốc (TP Hải Dương) do Công ty CP Đầu tư và Xây dựng số 18 (Licogi 18) làm chủ đầu tư. Tòa nhà này có 5 tầng, 82 căn hộ, diện tích mỗi căn hộ từ 40- 68m2 với tổng diện tích sàn 5.670m2. Chủ đầu tư thực hiện theo 2 hình thức kinh doanh là bán và cho thuê. Trái ngược với khu nhà ở Đại An, khu vực này khá thuận tiện về giao thông, gần chợ, trường học và trung tâm phường. Tuy nhiên, số lượng người đến mua hoặc thuê không nhiều. Cũng vì thế đến nay dự án này chỉ có một tòa nhà mà không thể mở rộng thêm…

Theo Chương trình phát triển nhà ở của tỉnh, trong giai đoạn 2024-2025, khoảng 2.250 người thuộc diện thu nhập thấp, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh có nhu cầu về nhà ở xã hội. Chương trình này cũng đặt mục tiêu giải quyết nhu cầu nhà ở của 17.000 công nhân với khoảng 4.250 căn hộ, trong đó địa bàn TP Hải Dương hơn 2.700 căn, huyện Cẩm Giàng hơn 1.200 căn, TP Chí Linh hơn 500 căn…

Có thể thấy, nhu cầu về nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh rất lớn. Tuy nhiên, việc xây dựng ở đâu, xây thế nào để phù hợp nhu cầu và đúng đối tượng phải được làm rõ để các dự án này thật sự phát huy hiệu quả.

Bài 2: Nhiều dự án, vệc triển khai phải quyết liệt

TÂM PHÚC