Quốc phòng

Ngôi làng hiếm hoi ở Hải Dương còn 10 cụ bộ đội đặc công

TIẾN MẠNH - TUẤN ANH 03/09/2024 10:01

Làng Quan Lộc, xã Tiên Động (Tứ Kỳ, Hải Dương) là một ngôi làng hiếm hoi ở Hải Dương hiện vẫn còn 10 cựu bộ đội đặc công, trong đó có người đã 90 tuổi. 7 cụ trong số họ từng trực tiếp tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

img_1156.jpg
Các ông Lâm Thế Huyền (ngoài cùng bên phải) và Trịnh Xuân Bình (giữa) cùng lãnh đạo xã Tiên Động thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang liệt sĩ địa phương

Bất khuất, kiên trung

Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp 2/9, ông Lâm Thế Huyền (76 tuổi, cựu lính Tiểu đoàn Đặc công 28 trực thuộc Sư đoàn 4, Quân khu 4) lại cùng đồng đội đến nghĩa trang thắp hương cho các Anh hùng liệt sĩ quê nhà đã "quyết tử để Tổ quốc quyết sinh".

Tiến lại mấy phần mộ đồng đội từng cùng chung đơn vị với mình, ông Huyền kể: "Đây là phần mộ các Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Đức Lương, Nguyễn Văn Toan, Phạm Văn Chín. Tôi và các anh em này ở cùng thôn, nhập ngũ cùng ngày, sống cùng đơn vị. Chúng tôi từng kề vai sát cánh, chiến đấu bất khuất nhưng chỉ có tôi là người duy nhất may mắn được trở về bên gia đình".

Mùa xuân năm 1968, ông Lâm Thế Huyền cùng các bạn xung phong lên đường tòng quân đánh giặc. Ông và đồng đội được biên chế vào Tiểu đoàn Đặc công 28. Tiểu đoàn đặc công này có nhiệm vụ bí mật áp sát, luồn sâu vào trong các đơn vị đóng quân của địch ở Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương... để vừa nắm thông tin cung cấp cho các đơn vị bộ binh, vừa phối hợp đánh "nở hoa trong lòng địch"...

Tiểu đoàn Đặc công 28 thường chia thành nhiều mũi tiến công khác nhau, mỗi mũi từ 5-7 chiến sĩ. Ông Huyền dáng người nhỏ, mưu trí, nhanh nhẹn nên thường được giao làm nhiệm vụ trinh sát. Đây là nhiệm vụ vô cùng quan trọng nhưng rất nguy hiểm. Thường cứ 1-2 giờ sáng, ông cùng các đồng đội cắt hàng rào dây thép gai rồi từ từ tiếp cận đơn vị địch để quan sát, thu thập thông tin. Có những căn cứ phải mất vài tháng trinh sát thì bộ đội ta mới có cơ sở đánh chắc, thắng chắc. "Chúng tôi hoá trang cơ thể rất kỹ bằng mỡ trộn lẫn bột than. Nhưng khi tiếp cận căn cứ địch cũng phải rất khéo léo, linh hoạt và có sự phối hợp rất nhịp nhàng, tỉ mỉ. Chỉ một sơ suất nhỏ là có thể sẽ mất tính mạng ngay lập tức. Rất may mũi trinh sát của tôi thường rút quân an toàn", ông Huyền chia sẻ.

Giọng ông Huyền bỗng nghẹ ngào, đôi mắt nhăn nheo, rưng rưng nhìn theo làn khói hương nhè nhẹ toả bay: "Ngày 1/4/1969, 59 đồng đội thuộc Tiểu đoàn Đặc công 28, trong đó có 3 anh em cùng thôn Quan Lộc nhập ngũ cùng ngày với tôi đã anh dũng hy sinh tại một căn cứ của địch tại khu vực Suối Dây thuộc huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh. Đó là trận đánh oai hùng của tiểu đoàn. 59 anh em đã tiêu diệt được hơn 450 lính Mỹ, song vì quân địch quá đông nên..."

img_1159.jpg
Cụ Phùng Thanh Miên là người thầy của nhiều thế hệ bộ đội đặc công

Ngoài ông Lâm Thế Huyền, làng Quan Lộc còn 9 cựu bộ đội đặc công nữa, đó là cụ Phùng Thanh Miên (90 tuổi đời, 70 năm tuổi đảng) và các ông: Phùng Duy Đán, Lâm Văn Hùng, Đoàn Trung Tỵ, Vũ Hồng Phong, Lương Xuân Phái, Trịnh Xuân Bình, Trần Dũng, Đoàn Hồng Yển. Những người lính đặc công nay đều đã cao tuổi, trong đó 7 người từng trực tiếp tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

Cụ Phùng Thanh Miên được xem như "người thầy" của những cựu bộ đội đặc công còn lại của làng Quan Lộc. Năm nay dù tuổi đã cao nhưng cụ vẫn còn rất minh mẫn. Cụ kể: "Tôi từng tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Làm lính đặc công thì từ năm 1966-1968, ở Tiểu đoàn Đặc công 330, chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị ác liệt. Sau này, tôi về làm nhiệm vụ huấn luyện bộ đội đặc công. Những đặc công trong làng này từng trực tiếp tham gia chiến đấu đều do tôi huấn luyện cả".

Thời làm nhiệm vụ trong chiến trường Quảng Trị, cụ Miên chuyên làm nhiệm vụ trinh sát. Đó là khoảng thời gian cụ phải đối diện với nhiều nguy hiểm nhất. Cụ kể: "Có những chuyến trinh sát đi liên tục 15 ngày, chui qua 5-7 lớp hàng rào, mặc nắng mưa, âm thầm, bí mật nằm giữa vòng vây của địch đặt bộc phá và thu thập thông tin. Tôi tham gia trinh sát 3-4 đơn vị địch, tất cả thông tin đều hữu ích để bộ đội ta mở các đợt tấn công giành thắng lợi", cụ Miên kể.

Sau này, cụ Miên về làm công tác huấn luyện ở Trung đoàn 14 Bộ Tư lệnh đặc công và có một thời gian tham gia chiến dịch biên giới phía Bắc năm 1979. Cụ không nhớ đã đào tạo bao nhiêu thế hệ lính đặc công, chỉ biết có không ít học trò sau này đã trưởng thành, giữ những vị trí quan trọng trong quân đội, có người từng là Uỷ viên Trung ương Đảng.

Tiếp nối truyền thống

img_1157.jpg
Gia đình cựu bộ đội đặc công Trịnh Xuân Bình đã hiến hàng chục m2 đất ở để mở rộng đường làng Quan Lộc

Thượng tá Trịnh Xuân Bình 69 tuổi, nguyên cán bộ Phòng Đặc công Quân khu 3 là một trong những người con quê hương Quan Lộc đã tiếp nối truyền thống của các thế hệ cha anh đi trước. Trước khi về nghỉ hưu, ông có 38 năm làm nhiệm vụ huấn luyện bộ đội đặc công. "Truyền thống ấy vẫn đang từng ngày được phát huy. Tôi cũng có 2 người con đang là sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam", ông Bình tự hào.

Hàng chục người con, cháu, chắt của cụ Miên cũng đang công tác trong quân đội. Các cựu bộ đội đặc công còn lại ở làng Quan Lộc cũng có anh em, con cháu đã và đang phục vụ trong quân ngũ. Làng Quan Lộc có nhiều cán bộ, chiến sĩ quân đội nhất xã. Xã Tiên Động hiện cũng có nhiều cán bộ, chiến sĩ quân đội nhiều nhất huyện Tứ Kỳ với gần 150 người.

Đồng chí Phạm Minh Thảo, Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND xã Tiên Động cho biết toàn xã hiện còn 11 cựu cán bộ, chiến sĩ đặc công, riêng làng Quan Lộc có 10 người và hầu hết đều là đảng viên. Tuy tuổi đã cao nhưng ai cũng nhiệt tình, gương mẫu và vận động con cháu cùng tham gia vào tất cả các phong trào, cuộc vận ở địa phương.

Không chỉ là những nhân chứng lịch sử, họ còn là tấm gương sáng để thế hệ trẻ hôm nay học tập.

TIẾN MẠNH - TUẤN ANH