Quốc tế

Hai kình ngư Việt Nam lọt top 5 bơi Paralympic 2024

T.H (theo VnExpress) 02/09/2024 08:15

Kình ngư Lê Tiến Đạt về thứ 4 và Đỗ Thanh Hải xếp thứ 5 chung kết bơi ếch 100m nam - hạng thương tật SB5, tại Paralympic 2024.

Kình ngư Đỗ Thanh Hải dự thi chung kết bơi 100m ếch nam - hạng thương tật SB5 - tại Paralympic 2024.
Kình ngư Đỗ Thanh Hải dự thi chung kết bơi 100m ếch nam - hạng thương tật SB5 - tại Paralympic 2024

Chung kết diễn ra vào rạng sáng 2/9, giờ Hà Nội. Lê Tiến Đạt cán đích thứ tư với 1 phút 35 giây 03, nhanh hơn Đỗ Thanh Hải 58% giây. Dù nỗ lực, hai kình ngư Việt Nam vẫn khó bám đuổi top ba.

Vận động viên (VĐV) Thuỵ Sĩ Leo McCrea về nhất với 1 phút 27 giây 15. Xếp sau là VĐV Tây Ban Nha Antoni Ponce Bertran và VĐV Ukraine Danylo Semenykhin, với lần lượt chậm hơn 2 giây 38 và 3 giây 81.

Kình ngư Lê Tiến Đạt dự thi chung kết bơi 100m ếch nam - hạng thương tật SB5 - tại Paralympic 2024.
Kình ngư Lê Tiến Đạt dự thi chung kết bơi 100m ếch nam - hạng thương tật SB5 - tại Paralympic 2024

Hạng thương tật SB5 dành cho những VĐV bơi ếch có khuyết tật về thể chất. Paralympic phân loại dạng khuyết tật này theo cấp độ từ một đến 10, trong đó cấp một là khuyết tật nghiêm trọng rồi giảm dần. Hai VĐV Việt Nam đều cùng bị suy yếu chức năng chi dưới, phải ngồi xe lăn.

Vòng loại bơi ếch 100m nam SB5 có chín VĐV tham dự, đến từ Việt Nam, Ukraine (hai VĐV), Argentina, Brazil, Thuỵ Sĩ, Tây Ban Nha và Mexico. Vòng loại chia làm hai lượt bơi, để chọn ra tám người có thành tích tốt nhất vào chung kết. Theo đó, Đỗ Thanh Hải đứng thứ tư với 1 phút 35 giây 41, còn Lê Tiến Đạt xếp sau chậm hơn 69% giây.

Lê Tiến Đạt sinh năm 1987, gây bất ngờ khi giành HC vàng Asian Para Games tại Trung Quốc năm ngoái, ở nội dung bơi ếch 100m SB5, với thời gian 1 phút 34 giây 04. Anh đạt chuẩn để có lần đầu dự Paralympic.

Kình ngư Lê Tiến Đạt.
Kình ngư Lê Tiến Đạt tại Paralympic 2024

Quê của Tiến Đạt ở Đồng Tháp, với nhiều sông ngòi nên dù khuyết tật anh vẫn biết bơi từ nhỏ. Trước đây, anh cũng tham dự một số cuộc thi bơi cho người khuyết tật, nhưng nghỉ vì không có nhiều giải đấu. Đạt tập trung hơn vào việc học trước khi tốt nghiệp khoa Khoa học máy tính, thuộc Đại học Cần Thơ, vào năm 2009.

Dù tốt nghiệp đại học, Tiến Đạt vẫn xin việc rất khó khăn. Năm 2011, anh quyết định quay lại với bơi cho người khuyết tật, vốn đã phát triển hơn và nhận ra đủ khả năng cạnh tranh huy chương.

Trong khi đó, Đỗ Thanh Hải sinh năm 1990 và bắt đầu học bơi tại TP Hồ Chí Minh vào năm 2008. Anh cho biết xem tivi thấy có lớp học bơi cho người khuyết tật nên xin bố mẹ cho đi. Hải khao khát giấc mơ làm được gì đó giúp bố mẹ, vì nghe nói nếu bơi giỏi sẽ được đi thi và có giải thưởng.

Kình ngư Đỗ Thanh Hải (thứ hai từ trái sang).
Kình ngư Đỗ Thanh Hải (thứ hai từ trái sang) tại Paralympic 2024

Cuối cùng, Hải trở thành kình ngư quen thuộc của đội tuyển bơi người khuyết tật Việt Nam. Anh từng hai lần dự Giải vô địch thế giới 2015 và 2017, trong đó có huy chương đồng bơi ếch 100m SB5 năm 2015. Trước Paris 2024, anh có mặt ở hai kỳ Paralympic trước đó, lần lượt đứng thứ sáu và bảy. Ngoài ra, Thanh Hải còn giành huy chương bạc nội dung này tại Asian Para Games 2022.

Đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam tham dự Paralympic 2024, với 14 thành viên, gồm bốn cán bộ, ba huấn luyện viên và bảy VĐV ở môn bơi, điền kinh và cử tạ.

Sau hai kình ngư, Phạm Nguyễn Khánh Minh sẽ thi vòng loại chạy 400m nam – hạng thương tật T12 vào ngày 4/9. Cùng ngày, lực sĩ Lê Văn Công thi hạng 49kg nam, Nguyễn Bình An hạng 54kg nam. Một ngày sau, Đặng Thị Linh Phượng và Châu Hoàng Tuyết Loan lần lượt dự thi cử tạ hạng 50kg và 55kg nữ.

Lê Văn Công là niềm hy vọng khi từng giành huy chương vàng Rio 2016 và huy chương bạc Tokyo 2020. Ngoài ra, Đặng Thị Linh Phượng cũng từng giành huy chương đồng Rio 2016.

T.H (theo VnExpress)