Tổng thống Ukraine nói về "bước đi mạnh mẽ" để kết thúc chiến tranh với Nga
Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelensky đã lên tiếng thúc giục Mỹ cho phép Kiev tấn công sâu hơn vào lãnh thổ Liên bang Nga nhằm thực hiện “bước đi mạnh mẽ” để kết thúc chiến tranh với Moskva.
Trong một phát biểu được Văn phòng Báo chí Tổng thống Ukraine đăng tải vào tối 31/8, ông Volodymyr Zelensky đã gia tăng áp lực lên Washington để cho phép Kiev tấn công sâu hơn vào lãnh thổ Liên bang Nga sau khi các đại diện của ông gặp các quan chức cấp cao của Mỹ.
Tổng thống Ukraine nói: “Tôi kêu gọi Mỹ, Anh, Pháp và Đức: chúng tôi cần năng lực để bảo vệ Ukraine và người dân Ukraine một cách thực sự và toàn diện. Chúng tôi cần được cấp quyền cả đối với năng lực tầm xa lẫn (việc sử dụng) đạn pháo và tên lửa tầm xa của các bạn. Những quyết định quan trọng đó có thể tác động đáng kể nhất đến các sự kiện không nên bị trì hoãn".
Trong phát biểu của mình, ông Zelensky cũng nhấn mạnh rằng việc quét sạch bầu trời Ukraine khỏi những quả bom dẫn đường của Liên bang Nga là một bước đi mạnh mẽ nhằm buộc Moskva phải tìm cách chấm dứt chiến tranh và có được một nền hòa bình công bằng.
Trong một diễn biến liên quan, đài CNN của Mỹ cho biết khi tới thăm Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov đã yêu cầu Mỹ dỡ bỏ các hạn chế đối với nước này trong việc sử dụng vũ khí tầm xa để tấn công sâu hơn vào bên trong lãnh thổ Liên bang Nga.
Trả lời phỏng vấn trong chương trình “The Situation Room” của CNN ngày 30/8, ông Umerov cũng xác nhận đã trình bày danh sách các mục tiêu tấn công trong khi họp với các quan chức cấp cao Mỹ tại Washington.
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine nhấn mạnh rằng Kiev đặt mục tiêu sử dụng vũ khí tầm xa để bảo vệ thường dân và cơ sở hạ tầng của nước này và đã giải thích về loại vũ khí cần để bảo vệ người dân trước hành động tấn công của người Nga.
Theo hãng tin Reuters, Washington đã cung cấp cho Ukraine hơn 50 tỷ USD viện trợ quân sự kể từ năm 2022, nhưng đã hạn chế việc sử dụng vũ khí của mình trên đất Ukraine và cho các hoạt động phòng thủ xuyên biên giới.
Đài CNN cho biết thêm tới nay, Mỹ không có kế hoạch nới lỏng các hạn chế đối với việc Ukraine sử dụng Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân tầm xa (ATACMS).
Vào ngày 27/8 vừa qua, người phát ngôn Lầu Năm Góc, Thiếu tướng Pat Ryder đã nhắc lại rằng chính sách của Mỹ liên quan đến các cuộc tấn công sâu vào lãnh thổ Nga không thay đổi, nghĩa là các hạn chế vẫn được áp dụng.
Về phía Liên bang Nga, Ngoại trưởng nước này, ông Sergey Lavrov đã cảnh báo những người đang cố gắng cản trở các cuộc đàm phán hòa bình giữa Moskva và Kiev rằng các cuộc đàm phán sẽ ngày càng khó khăn hơn theo thời gian.
Trả lời phỏng vấn đài truyền hình RT, ông Lavrov nói: “Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề cập đến các cuộc đàm phán tiềm năng cách đây một năm rưỡi. Ông ấy nói rằng chúng tôi không phản đối việc đó... Những kẻ đối địch phải hiểu rằng họ càng kéo dài thời gian thì sẽ càng khó để đi đến nhất trí về bất cứ điều gì. Thật dễ dàng nếu đạt được thỏa thuận ở Istanbul, chưa đầy một tháng sau khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt của chúng tôi. Nhưng Ukraine không muốn điều đó”.
Nhà ngoại giao cấp cao của Nga cũng nhấn mạnh nước này sẽ không thương lượng về việc Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Hồi tháng 6, Tổng thống Nga Putin từng nói rằng Moskva sẽ ngừng bắn và bắt đầu đàm phán với Ukraine ngay khi Kiev rút quân khỏi các khu vực mà Nga coi là của mình và từ bỏ kế hoạch gia nhập NATO. Về phía Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã bác bỏ đề xuất này.