Giá xăng giảm lần thứ 2 liên tiếp, RON 95 về sát 21.000 đồng/lít
Giá xăng trong nước hôm nay (29/8) được liên Bộ Công thương - Tài chính điều chỉnh giảm lần thứ 2 liên tiếp.
Trên cơ sở điều hành của liên Bộ Công thương - Tài chính, các doanh nghiệp đồng loạt điều chỉnh giá xăng dầu kể từ 15 giờ hôm nay (29/8).
So với cách đây 7 ngày, giá xăng E5 giảm 90 đồng/lít, giá bán là 20.330 đồng/lít. Giá xăng RON 95 hạ 210 đồng/lít, giá bán còn 21.100 đồng/lít.
Tương tự, giá dầu diesel cũng được điều chỉnh giảm 300 đồng/lít, giá bán về mức 18.470 đồng/lít.
Hiện dư địa Quỹ bình ổn giá xăng dầu của một số doanh nghiệp đầu mối vẫn ghi nhận mức dương lớn do nhiều kỳ điều hành gần đây không sử dụng quỹ.
Theo dự thảo lần thứ 4 Nghị định về kinh doanh xăng dầu vừa được Bộ Công thương hoàn thiện, số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu thay vì để tại doanh nghiệp đầu mối như hiện nay thì sẽ được xem xét chuyển về ngân sách. Việc trích lập, chi quỹ này được thực hiện theo Luật Giá 2023.
Về việc tiêu thụ và dự trữ xăng dầu, trả lời phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 21/8, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết Chính phủ đã chính thức phê duyệt đề án nâng mức dự trữ xăng dầu. Theo đó, mức dự trữ xăng dầu thành phẩm sẽ được nâng từ 440.000m3 lên 800.000-900.000m3, tức là nâng gấp 2 lần. Khả năng dự trữ từ 7 ngày sẽ được nâng lên nửa tháng.
Bên cạnh đó, trong quyết định mới, không chỉ dự trữ xăng dầu thành phẩm mà còn dự trữ cả dầu thô - nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy lọc dầu trong nước - cũng được nâng lên. Theo đó, công suất dầu thô sẽ bảo đảm được 15-20 ngày nhập ròng.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định việc điều hành thị trường xăng dầu thời gian qua rất ổn bởi cơ quan quản lý đã điều chỉnh về mặt cơ chế giá, thời gian điều hành giá xăng dầu từ 10 ngày xuống 7 ngày. Từ đó, biên độ dao động giữa giá xăng dầu trong nước và thế giới không còn lớn như trước.
Ngoài ra, cơ quan quản lý đã có cơ chế điều chỉnh chi phí thực tế phát sinh cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu từ 6 tháng xuống 3 tháng. Khi có những biến động lớn thì Bộ Công thương cùng Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ cho phép điều chỉnh để cập nhật chi phí thực tế phát sinh cho các doanh nghiệp để bảo đảm là các doanh nghiệp không lỗ.