Y tế - Sức khỏe

Gỡ khó trong quản lý bệnh không lây nhiễm tại tuyến y tế cơ sở ở Hải Dương

ĐỨC THÀNH 31/08/2024 15:00

Công tác quản lý, khám và điều trị bệnh không lây nhiễm tại tuyến y tế cơ sở ở Hải Dương đã được tăng cường nhưng vẫn còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ.

Bệnh nhân mắc COPD chủ yếu được quản lý điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Bình Giang
Bệnh nhân mắc COPD được quản lý điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Bình Giang

Từ năm 2020-2023, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với các đơn vị y tế trong ngành tổ chức khám cho trên 1 triệu người, phát hiện và đưa vào quản lý 54.759 người mắc bệnh tăng huyết áp. Trong đó, các trung tâm y tế quản lý, điều trị 21.277 người. Có 33.482 người điều trị tại trạm y tế.

Cùng với đó, các trung tâm y tế cũng đã khám, sàng lọc bệnh đái tháo đường cho 767.921 người từ 40 tuổi trở lên, phát hiện trên 16.000 người nhiễm mới, nâng tổng số người mắc bệnh được quản lý lên 31.720 người.

Các trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh đều có phòng khám, điều trị hai bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường nhưng hiện nay đều gặp nhiều khó khăn như: cơ sở vật chất, trang thiết bị cũ, lạc hậu... Nhiều nơi còn thiếu thiết bị cơ bản như: máy xét nghiệm đường máu, test đường máu mao mạch. Cán bộ phụ trách chương trình phòng chống bệnh không lây nhiễm của các trung tâm y tế, trạm y tế thường xuyên thay đổi vị trí công tác nên chưa kịp thời đáp ứng công việc được giao. Nhiều trạm y tế chưa có bác sĩ nên việc quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm kể trên gặp nhiều khó khăn. Công tác thống kê, báo cáo số liệu phòng chống một số bệnh không lây nhiễm còn bất cập.

Huyện Cẩm Giàng có 8.455 người mắc các bệnh không lây nhiễm, chủ yếu là bệnh tăng huyết áp. Bác sĩ Hà Văn Đạt, Phó Trưởng Khoa Y tế công cộng - Dinh dưỡng - An toàn vệ sinh thực phẩm (Trung tâm Y tế huyện Cẩm Giàng) cho biết toàn huyện mới có 11/17 trạm y tế có bác sĩ trực tiếp quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm. Nhiều người chưa tin tưởng vào chuyên môn, trang thiết bị và thuốc điều trị bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế nên việc quản lý và điều trị tại tuyến y tế cơ sở không dễ.

Người dân mắc ĐTĐ khám và lĩnh thuốc tại Trạm Y tế xã Cẩm Vũ, Cẩm Giàng
Người dân mắc bệnh đái tháo đường đến khám và lĩnh thuốc tại Trạm Y tế xã Cẩm Vũ (Cẩm Giàng)

Huyện Bình Giang có 16 trạm y tế nhưng hiện chỉ 7 trạm có bác sĩ. 5 trạm y tế ở các xã Bình Minh, Thái Học, Tân Việt, Tân Hồng và thị trấn Kẻ Sặt không được khám bảo hiểm nên công tác quản lý bệnh không lây nhiễm khó khăn. Bác sĩ Lê Thị Tân, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện chia sẻ: "Trung tâm đang chỉ đạo các phòng chức năng rà soát nhân lực, nhất là các bác sĩ để điều động xuống trạm y tế khám, quản lý bệnh không lây nhiễm, góp phần giảm tải cho tuyến trên".

Hiện nay thù lao và lương cho cán bộ y tế tuyến cơ sở còn thấp, chưa tạo động lực cho họ. Nhiều bệnh nhân đái tháo đường đã điều trị ổn định tại các trung tâm y tế không muốn về điều trị tại trạm y tế.

Đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết để quản lý tốt bệnh không lây nhiễm tại tuyến y tế cơ sở cần tăng cường đào tạo, tập huấn về chuyên môn, nhất là cho các cán bộ làm công tác chuyên trách. Cán bộ y tế cần nắm rõ quy định về việc quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế để thực hiện thanh toán theo đúng quy định. Sở Y tế quan tâm đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ chuyên môn theo quy chuẩn cho y tế cơ sở. Bảo hiểm xã hội có thể nghiên cứu giảm bớt thủ tục để phù hợp với tuyến xã, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được tiếp cận dịch vụ tại y tế cơ sở nhanh chóng...

Năm 2024, ngành y tế phấn đấu từ 95% số trạm y tế triển khai các hoạt động dự phòng, phát hiện sớm nguy cơ mắc bệnh không lây nhiễm; 97% số trạm y tế thực hiện điều trị tăng huyết áp và với bệnh đái tháo đường cùng một số bệnh không lây nhiễm khác khác đạt từ 75% trở lên... Để đạt được những mục tiêu này thì những khó khăn, vướng mắc nêu trên ở y tế tuyến cơ sở cần sớm được khắc phục.

ĐỨC THÀNH