Góc nhìn

Chưa vào năm học mới, nữ sinh đã đánh nhau

HUY HOÀNG 29/08/2024 05:30

Chưa chính thức bước vào năm học mới nhưng những ngày qua ở Hải Dương liên tiếp xảy ra 2 vụ nữ sinh đánh nhau.

Công an xã Hồng Lạc (Thanh Hà) làm việc với nhóm học sinh để xác minh vụ việc
Công an xã Hồng Lạc (Thanh Hà) làm việc với nhóm học sinh đánh nhau ở sân vận động xã ngày 26/8 để xác minh vụ việc

Ngày 22/8, vì mâu thuẫn cá nhân, thách thức nhau trên mạng xã hội, 1 nữ sinh lớp 11 ở Thanh Miện đã đánh, chửi bạn học cùng ngay tại lớp học. Ngày 26/8, cũng vì mâu thuẫn cá nhân mà 2 nữ sinh THCS ở Thanh Hà hẹn nhau ra sân vận động xã "nói chuyện" và xảy ra đánh nhau “hội đồng”. Rất may cả 2 vụ việc không có trường hợp học sinh nào bị thương tích nghiêm trọng. Nhưng từ những video ghi lại, nhìn các nữ sinh chửi bới, đánh nhau mang tính chất côn đồ, hung hãn, nhiều người rất bức xúc, lo sợ, thậm chí ám ảnh.

Trong vụ việc ở Thanh Hà, nữ sinh lớp 7 bị 3 nữ sinh đánh “hội đồng”, nếu các em chỉ thiếu một chút may mắn, vụ việc không dừng lại sớm thì hậu quả rất có thể sẽ nghiêm trọng hơn; hành vi bạo lực học đường có thể dẫn đến tội cố ý gây thương tích.

Vấn nạn bạo lực học đường, bạo lực ở lứa tuổi học sinh vốn nhức nhối, phức tạp từ nhiều năm nay và tính chất ngày càng nghiêm trọng. Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong năm học 2022-2023, cả nước có 1.250 vụ việc bạo lực học đường xảy ra với 3.478 học sinh vi phạm. Nguyên nhân chính dẫn đến bạo lực học đường là do mâu thuẫn cá nhân (chiếm 40,9%), học sinh chưa được giáo dục kỹ năng sống (38,5%) và ảnh hưởng từ môi trường bạo lực (17,6%). Đáng chú ý là sự gia tăng của bạo lực trên mạng trong các năm gần đây. Một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu giáo dục năm 2020 cho thấy, tỷ lệ học sinh bị bắt nạt trên mạng tăng từ 12% vào năm 2016 lên 18% vào năm 2020... Sự gia tăng của bạo lực học đường dẫn đến nhiều hậu quả tiêu cực đối với nền giáo dục và tâm lý học sinh. Hậu quả nghiêm trọng nhất là tỷ lệ tự tử ở tuổi vị thành niên tăng cao.

Ở Hải Dương, nắm bắt cách xử lý khi xảy ra các vụ việc học sinh đánh nhau, có cảm nhận nhiều nơi vì sợ ảnh hưởng đến thành tích, uy tín, hình ảnh địa phương, nhà trường, đơn vị hoặc lấy lý do muốn “bảo vệ” các em mà có xu hướng không muốn các vụ việc được thông tin rộng rãi. Có nơi cố gắng giảm nhẹ tính chất các vụ việc và hướng đến việc hòa giải, xin lỗi, dàn xếp giữa các bên... là xong. Đối với các gia đình, khi xảy ra xô xát giữa các con, phụ huynh thường có tâm lý là mặc định bảo vệ bằng được con em mình. Thậm chí, có người biết con sai nhưng vẫn tìm cách giảm lỗi cho con, đổ vạ cho đối phương…

Từ những hiện tượng trên cho thấy vấn đề bạo lực trong học sinh dường như chưa thực sự được quan tâm, chú trọng đúng mức. Nếu người lớn còn có tâm lý né tránh, e ngại đề cập, đối diện với vấn đề này thì rất khó có những giải pháp quyết liệt, triệt để... Thực tiễn đã chứng minh, mọi hành vi bao che khi trẻ em phạm lỗi sẽ hình thành ra những đứa trẻ ỷ lại, cậy thế, không ý thức được hành vi sai trái. Về lâu dài, hành vi của những đứa trẻ đó sẽ ảnh hưởng ngược lại đối với các gia đình. Cũng vì thế mà các hành vi vi phạm pháp luật, phạm tội vị thành niên gia tăng.

Có nhiều lý do khác nhau dẫn đến bạo lực trong học sinh. Việc phòng chống các hành vi bạo lực cần được chú trọng thực hiện bằng những giải pháp, việc làm cụ thể. Ngay từ đầu năm học, các nhà trường cần tổ chức các hoạt động truyền thông, trang bị kiến thức, kỹ năng để nâng cao nhận thức, hiểu biết cho học sinh về bạo lực trong học sinh. Các gia đình cũng cần tăng cường giám sát, quản lý con em mình để kịp thời định hướng các em tránh xa những xu hướng bạo lực ngoài xã hội, trên internet; hỗ trợ giải quyết sớm khi các em có mẫu thuẫn với bạn bè; trang bị những kiến thức, kỹ năng để các em không là người gây ra và tránh là nạn nhân của bạo lực...

Cùng với đó, các chế tài để xử lý các trường hợp học sinh có hành vi bạo lực cũng cần nghiêm khắc hơn nữa. Khi xảy ra các vụ việc bạo lực ở trong hay ngoài nhà trường cũng cần xử lý dứt điểm, nghiêm khắc thì học sinh vi phạm và các học sinh khác khác tự soi vào và tự sửa. Hàn Quốc - quốc gia đang báo động về nạn bạo lực học đường đã có nhiều biện pháp ngăn chặn đáng để tham khảo như học sinh có hành vi bắt nạt tại trường học sẽ bị lưu hồ sơ kỷ luật cho đến khi làm hồ sơ xét tuyển vào đại học; tăng gấp đôi thời gian lưu giữ bắt buộc hồ sơ kỷ luật đối với các trường hợp sinh viên có hành vi bắt nạt nghiêm trọng lên 4 năm để các trường hợp này sẽ bất lợi khi tuyển dụng...

Khi gia đình, nhà trường và toàn xã hội cùng chung tay, nhận thức đúng đắn, thực sự vào cuộc để thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng ngừa từ sớm, từ xa; xử lý nghiêm khắc, đủ sức răn đe từng vụ việc thì vấn nạn bạo lực học đường mới bị đẩy lùi.

HUY HOÀNG