Thoả ước lao động tập thể không chỉ là "tờ giấy"
Thời gian qua, nhiều công đoàn cơ sở ở Hải Dương đã không ngừng nâng cao chất lượng thoả ước lao động tập thể, góp phần bảo vệ quyền lợi cho đoàn viên và tạo mối quan hệ hài hoà, tiến bộ trong doanh nghiệp.
Nâng cao chất lượng
Công ty TNHH Long Hải được đánh giá là đơn vị tiêu biểu của tỉnh Hải Dương trong thực hiện các hoạt động an sinh xã hội hướng đến người lao động. Doanh nghiệp này đã xây dựng được thoả ước lao động tập thể gồm 11 chương, 32 điều. Đây là những cam kết của người sử dụng lao động với người lao động về quyền hạn, trách nhiệm và quyền lợi của mỗi bên trong thời hạn thoả ước có hiệu lực. Đặc biệt, bản thỏa ước này có 1 chương, 2 điều với 9 nội dung được thực hiện có lợi hơn cho người lao động so với Bộ Luật Lao động. Trong đó tập trung vào việc nâng cao chế độ phúc lợi, khen thưởng, hỗ trợ người lao động có hoàn cảnh khó khăn, khi có việc hiếu, hỉ...
Theo anh Nguyễn Trung Tín, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Long Hải, những năm qua công đoàn đã bổ sung, điều chỉnh nhiều nội dung phù hợp với điều kiện thực tế của doanh nghiệp cũng như mong muốn, nguyện vọng của người lao động. Trong đó, có nhiều nội dung có lợi cho người lao động như: hỗ trợ hoàn cảnh khó khăn từ 500.000 - 3 triệu đồng/trường hợp; hỗ trợ người mắc bệnh hiểm nghèo từ 3-5 triệu đồng; hiếu, hỉ, thai sản từ 500.000 - 5 triệu đồng... Nhờ đó, đời sống của người lao động được nâng cao, tạo tâm lý phấn khởi, góp phần đưa doanh nghiệp ngày càng phát triển.
Công ty TNHH Nissei Việt Nam ở khu công nghiệp Phúc Điền hiện có gần 1.000 lao động. Năm 2023, doanh nghiệp đã thương thảo, bổ sung một số điều vào bản thoả ước lao động tập thể với nhiều nội dung có lợi cho người lao động. Nhiều năm nay, quan hệ lao động tại công ty luôn hài hòa, ổn định. Anh Đào Tiến Sơn, công nhân bộ phận ép nhựa cho biết: “Tôi cảm thấy hài lòng với bản thoả ước lao động tập thể của công ty. Các chính sách, quyền lợi đều được doanh nghiệp lắng nghe, giải quyết thấu đáo. Đây là động lực giúp chúng tôi tiếp tục cống hiến và hoàn thành các nhiệm vụ được giao".
Hiện nay, Nissei đang duy trì nhiều chế độ lương, thưởng khá tốt cho người lao động. Điển hình như: trợ cấp sinh hoạt cho người lao động 500.000 đồng/người/tháng. Các dịp nghỉ lễ, Tết, thưởng từ 5 - 60% lương cơ bản; Tết Nguyên đán từ 50-300% lương cơ bản. Những cá nhân, tổ chức có sáng kiến hay trong sản xuất sẽ được hỗ trợ từ 500.000 - 30 triệu đồng. Thưởng thâm niên cho người cống hiến nhiều nhất là 20 triệu đồng/người/năm. Ngoài ra, hằng năm, doanh nghiệp đều tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao, du lịch cho người lao động.
Tăng cường giám sát
Đến ngày 20/8, toàn tỉnh có 811 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn. Trong đó có 598 doanh nghiệp đã thương lượng, ký kết thoả ước lao động tập thể, chiếm 73,7%.
Theo Liên đoàn Lao động tỉnh, chất lượng của thoả ước lao động tập thể đạt loại A mới chỉ chiếm 5%, loại B là 47%, còn lại là loại C và D. Điều này cho thấy, vẫn còn thỏa ước mang tính hình thức, sao chép các quy định của pháp luật, thương lượng không thực chất. Thậm chí có bản thỏa ước đã hết hạn nhưng không được sửa đổi bổ sung kịp thời. Việc đánh giá định kỳ các nội dung của thỏa ước lao động tập thể vẫn còn hạn chế. Điều này làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi chính đáng của người lao động.
Ông Nguyễn Hồng Dương, Chủ tịch Công đoàn TNHH Nissei Việt Nam cho biết: "Thỏa ước lao động tập thể có ít hay nhiều quyền lợi cho người lao động phụ thuộc vào sự khéo léo của cán bộ công đoàn trong việc thương lượng với chủ doanh nghiệp. Để thoả ước đi vào thực tiễn, tổ chức công đoàn phải làm tốt vai trò giám sát, phản biện. Bên cạnh đó, nâng cao nhận thức cho người sử dụng lao động và người lao động về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc thương lượng, ký kết và thực hiện thoả ước lao động".
Để thoả ước lao động tập thể không còn là hình thức, các công đoàn cơ sở phải làm tốt vai trò là cầu nối giữa người lao động với người sử dụng lao động. Phải cụ thể hoá tâm tư, nguyện vọng của người lao động thông qua việc xây dựng những bản thoả ước lao động tập thể chất lượng. Bởi đây là cơ sở pháp lý bảo đảm mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định; là công cụ quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho người lao động. Mặt khác, người lao động và tổ chức công đoàn phải trực tiếp giám sát việc triển khai thực hiện các nội dung trong thoả ước và mạnh mẽ lên án những thoả ước chỉ mang tính hình thức.
Ông Nguyễn Văn Quyết, Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc, nhắc nhở các đơn vị, doanh nghiệp trong việc thực hiện quy chế đối thoại, thương lượng tập thể cũng như việc ký kết, sửa đổi, bổ sung và thực hiện thoả ước lao động. Bên cạnh đó, hỗ trợ công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trong việc thẩm định nội dung thỏa ước. Cung cấp thoả ước lao động tập thể mẫu, danh sách gợi ý những điều khoản có lợi cho người lao động để các đơn vị tham khảo. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện thoả ước lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp...