Nghệ sĩ ưu tú Phạm Thanh Hà, nhà quay phim "Mùi cỏ cháy" với quê hương Hải Dương

Văn hoá-Xã hội - Ngày đăng : 12:54, 29/08/2024

Nhà quay phim, Nghệ sĩ Ưu tú Phạm Thanh Hà được ví như người thổi hồn cho những thước phim về bối cảnh chiến tranh ác liệt một thời của đất nước.
cover222.jpg

Nhà quay phim, Nghệ sĩ Ưu tú Phạm Thanh Hà được ví như người thổi hồn cho những thước phim về bối cảnh chiến tranh. Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, song tuổi thơ của ông lại gắn bó đặc biệt với quê hương Tứ Kỳ. Và cũng ít ai biết rằng, tên của ông được đặt theo tên của một huyện thuộc tỉnh Hải Dương.

Tư liệu về nhà quay phim Phạm Thanh Hà của Viện Phim Việt Nam
tit11.png

Dù đã có nhiều năm bôn ba đó đây, dành cả cuộc đời cho sự nghiệp quay phim, vậy mà mỗi lần nhắc đến quê hương, người nghệ sĩ trên đầu đã hai thứ tóc vẫn luôn dành trọn tâm trí hướng về mảnh đất này. Nơi đây không chỉ gắn liền với tuổi thơ của ông mà còn là một phần trong đời sống tâm hồn, mãi mãi không phai nhòa.

“Bố tôi là Phạm Hùng Tiến (tức Hoàng Thanh), hoạt động cách mạng ở Hải Dương từ năm 13 tuổi. Quê tôi thời bấy giờ thuộc thôn Toại An, xã Đông Kỳ (nay là xã Chí Minh, Tứ Kỳ). Bố tôi kể, huyện Thanh Hà phía bên kia sông là nơi ông từng hoạt động cách mạng với nhiều kỷ niệm vào sinh ra tử. Tên của tôi được đặt theo tên địa danh ông đã ở và hoạt động cách mạng và cái tên Phạm Thanh Hà cũng từ đó mà ra”, nhà quay phim Phạm Thanh Hà kể lại.

dji_0323.jpg
nabm0953(1).jpg
nabm0951-pano.jpg

Trong trí nhớ của Nghệ sĩ Ưu tú Phạm Thanh Hà, Tứ Kỳ là một miền quê yên bình với kênh mương chằng chịt. Thuở nhỏ, năm nào ông cũng được được bố mẹ đưa về đây ở cả tháng. Xã vùng trũng Đông Kỳ ngày đó nhà nọ đi đến nhà kia bằng thuyền, nối nhau qua những chiếc cầu tre lắt lẻo. Ven từng mương nước là thân dừa thẳng đứng với rêu phong phủ kín.

“Nhớ lúc được chú Mạ - chồng cô ruột cõng nhong nhong qua con mương nội đồng trên cầu tre mảnh khảnh đung đưa, ở trên lưng mà tôi chỉ sợ rơi xuống nước lúc nào không hay. Vùng quê Tứ Kỳ trong trí nhớ của tôi còn có những cây vải cổ thụ, thân to".

"Những kỷ niệm tuổi thơ yên bình, cái mùi lúa chín thơm ngát ấy như ám vào tuổi thơ, tạo thành nhiều cảm hứng cho con đường làm nghệ thuật của tôi sau này", Nghệ sĩ Ưu tú Phạm Thanh Hà kể.

tit22.png

“Bước chân vào nghề là anh chiếu phim, sau đó đi bộ đội. Khi chuyển về trường quân sự, tôi tự học thêm nghề thuyết minh, chụp ảnh rồi tập tành viết báo. Tôi còn nhớ mãi cảm giác sướng run người khi có bức ảnh đầu tiên được đăng báo năm 1983”, Nghệ sĩ Ưu tú Phạm Thanh Hà nhớ lại.

Năm 1985, thay vì ra quân, ông đã xin chuyển sang phụ việc cho Điện ảnh Bộ đội Biên phòng. Tại đây, ông may mắn được phụ máy cho Nghệ sĩ Ưu tú Phùng Bá Gia (một trong những Nghệ sĩ Ưu tú đầu tiên của Điện ảnh Việt Nam) tại Hà Giang. Ông làm nhiều công việc của đoàn phim, từ đo sáng đến vận hành máy nổ, sạc ắc quy....

Năm 1986, cơ duyên đã đưa ông trúng tuyển vào lớp quay phim được bao cấp toàn phần tại Trường Điện ảnh quốc tế VGIK (Liên Xô cũ). Nhớ lại niềm vui vỡ oà khi đó, Nghệ sĩ Ưu tú Phạm Thanh Hà vẫn nói đùa rằng: “Nhờ có 2 điểm ưu tiên của Quân đội, chứ thời ấy tôi thi cùng rất nhiều con nhà nòi, được kèm cặp từ bé. Mình chả được như thế, mới chỉ biết qua loa về nhiếp ảnh, thế mà ăn may lại đỗ”.

chum1(1).png
(1) Sinh viên Phạm Thanh Hà (ngoài cùng bên phải) thực hiện bài tập quay phim trong studio VGIK; (2) Ông thực hiện cảnh quay tại Nghĩa trang Novodevixchie (Liên Xô cũ); (3) Phạm Thanh Hà (ngoài cùng bên phải) trong ngày bảo vệ luận án tiến sĩ của Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Mạnh Lân; (4) Ông Phạm Thanh Hà tại Đại học Quốc gia toàn Liên Xô năm 1987

Học tập ở Liên Xô ngày ấy là môi trường lý tưởng mà ai cũng ao ước. Tranh thủ điều kiện học tập tại đây, ông miệt mài tự quay, tự chụp, tự tráng phim trong buồng tối cùng những giảng viên là nhà quay phim nổi tiếng của Liên Xô thời bấy giờ. Cứ như vậy, ông “lớn lên” cùng những bài tập rất khắt khe và bài bản.

tit33.png

Sau 6 năm học tập tại Liên Xô, ông tốt nghiệp ngành quay phim và trở về nước. Năm 1995, ông làm việc và trở thành quay phim chính của Hãng Phim truyện I trước khi chuyển về Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội làm công tác giảng dạy môn quay phim cũng như giữ chức Phó Trưởng Khoa Truyền hình năm 2011 và phụ trách Khoa Nhiếp ảnh năm 2014.

Hồi tưởng lại thời gian làm phim tại Hãng phim truyện I, ông cho biết thời điểm đó phim điện ảnh nhà nước không nhiều, mỗi năm hãng chỉ được từ 1-1,5 phim, thậm chí có năm chẳng có phim để quay. Ông cùng các đồng nghiệp phải đi làm phim truyền hình để trang trải cuộc sống cũng như không quên nghề.

TD khan gia

Hoàn cảnh đất nước khó khăn, nhất là với ngành điện ảnh thời điểm đó, các bộ phim luôn trong tình trạng “thiếu tiền”, phải quay nhanh, quay làm sao cho tiết kiệm phim, tiết kiệm thời gian quay để giải phóng diễn viên, giải phóng bối cảnh.

Thời điểm quay phim nhựa, kỹ xảo cũng chưa phổ biến ở Việt Nam. Những bộ phim về đề tài chiến tranh do Nghệ sĩ Ưu tú Phạm Thanh Hà bấm máy đòi hỏi nhiều phân cảnh khó, càng khó hơn khi phải quay bằng phim nhựa.

Trong một số bộ phim để đời của Nghệ sĩ Ưu tú Phạm Thanh Hà như: “Mùi cỏ cháy”, “Sinh mệnh”, “Cầu ông Tượng”... ông cùng đoàn phim đã sử dụng kỹ xảo ngay tay hiện trường bằng cách cắt và dán máy bay mô hình từ giấy.

chum22(1).png

Với những cảnh quay này, vai trò của người quay phim rất quan trọng, làm sao để dùng động tác máy làm cho máy bay như chuyển động là điều khó có ai làm được.

Ông đã sáng tạo và áp dụng phương pháp dùng quạt thổi khói bay ngược lại với hướng của những chiếc máy bay giấy tạo cảm giác chân thực như những chiếc máy bay đang bay lượn trên bầu trời.

chum33(1).png

“Sử dụng máy bay cắt giấy, cắt đúng như máy bay của Mỹ, nhưng bài toán lúc bấy giờ là làm thế nào cho máy bay chuyển động được. Thời điểm đó tôi nhớ lại kỷ niệm ngày bé khi gia đình sơ tán về Lạc Đạo, Văn Lâm (Hưng Yên). Khi ấy để tránh máy bay địch, lũ trẻ có phong trào chăn trâu buổi đêm. Những đêm theo các anh chị cưỡi trâu, nằm trên bờ đê nhìn lên trời thấy mặt trăng đang chạy. Tôi chợt “à” lên: Mặt trăng không chạy mà do mây bay qua mặt trăng nên tạo cảm giác mặt trăng chuyển động”, Nghệ sĩ Ưu tú Phạm Thanh Hà chia sẻ.

TD lam phim nhua

Nghệ sĩ Ưu tú Phạm Thanh Hà cũng không quên kể về quá trình làm phim với nhiều kỷ niệm khó quên: “Không chỉ là quay phim chính, có nhiều lần tôi cũng phải trở thành diễn viên bất đắc dĩ. Khi quay phim “Giọt nước mắt giữa hai thế kỷ” có tập diễn viên diễn cảnh võ thuật quá nhập tâm nên bị chấn thương phải đi bệnh viện. Bối cảnh vẫn phải trả, ngày quay phải bảo đảm nên tôi để phó quay bấm máy thay rồi nhảy vào đóng thế”.

Trích đoạn tập 8, phim "Giọt nước mắt giữa 2 thế kỷ" - đoạn nhà quay phim Phạm Thanh Hà đóng thế diễn viên (Nguồn: Công ty Nghe nhìn Hà Nội)

Suốt thời gian làm quay phim chính tại Hãng phim truyện I, các bộ phim ông tham gia đã giành được nhiều giải thưởng danh giá như: Bông sen vàng, bạc; Cánh diều vàng, bạc và các giải thưởng cá nhân cho quay phim xuất sắc, giải kỹ thuật Liên hoan phim Việt Nam... Từ những đóng góp của ông cho nền điện ảnh, năm 2007 ông đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú.

Giải Quay phim xuất sắc nhất cho phim Mùi cỏ cháy tại Lễ trao giải Cánh diều vàng 2012 (2)
Nhà quay phim Phạm Thanh Hà (thứ ba từ phải sang) nhận giải Quay phim xuất sắc nhất cho phim "Mùi cỏ cháy" tại Lễ trao giải Cánh diều vàng 2012
nhận danh hiệu NSƯT
Nhà quay phim Phạm Thanh Hà (thứ 2 từ trái sang) nhận danh hiệu Nghệ sĩ Ưu Tú năm 2007
p1000971.jpg
p1000953-1-.jpg
tit44.png

Những năm tháng du học ở nước ngoài, Nghệ sĩ Ưu tú Phạm Thanh Hà luôn ý thức phải mang tài liệu, tri thức trở về xây dựng ngành điện ảnh của nước nhà.

Khi về nước năm 1994, trong số hành lý của ông có 2 vali chứa đầy sách và tài liệu. Nhìn số đầu sách của nhà quay phim trẻ mang về, Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội lúc đó là thầy Lê Đăng Thực - Nhà giáo Nhân dân đầu tiên của ngành điện ảnh Việt Nam đã thốt lên: “Anh này phải về trường dạy luôn”.

Nhà quay phim Phạm Thanh Hà cho rằng: “Thời điểm đó tôi mới về nước, trong tay chỉ có lý thuyết chưa có sản phẩm. Bên cạnh đó, tôi muốn trực tiếp tham gia bấm máy sản xuất các bộ phim của điện ảnh Việt Nam để tích cóp thêm kinh nghiệm thực tế”.

Vừa quay phim cho hãng phim và các Đài Truyền hình, ông vừa tham gia công tác giảng dạy từ năm 2002. Tới năm 2011, ông chính thức về Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội giảng dạy môn quay phim cũng như giữ chức Phó Trưởng Khoa Truyền hình.

Nhà giáo Phạm Thanh Hà tại giảng đường Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội

Vừa giảng dạy vừa làm phim, nhà quay phim Phạm Thanh Hà có điều kiện cho sinh viên tiếp cận thực tế với trường quay. Ông kể về kỷ niệm khi làm phim “Mùi cỏ cháy” lấy bối cảnh ở Đồng Mô (thị xã Sơn Tây, Hà Nội), lúc này có rất nhiều học trò đến xem ông bấm máy, có sinh viên được cho làm phó quay, có cậu được cho làm ánh sáng…

“Đi làm phim thấy cả sinh viên đang học và sinh viên cũ cứ lần lượt lên thăm dù chỉ được đứng từ xa nhìn thầy quay. Nhận ra học trò mình vui lắm”, nhà quay phim Phạm Thanh Hà chia sẻ.

Sau nhiều năm làm nghề, ông luôn chia sẻ kinh nghiệm của mình cho những đồng nghiệp trẻ cũng như học trò. Ông đã xuất bản cuốn sách “Quay phim điện ảnh và truyền hình” - cuốn sách gối đầu giường của rất nhiều sinh viên theo học quay phim và nhiếp ảnh.

Đặc biệt, công trình nghiên cứu lý luận, phê bình điện ảnh “Quay phim điện ảnh và truyền hình” của ông đã giành giải Cánh Diều bạc trong lễ trao giải Cánh Diều năm 2016 của Hội Điện ảnh Việt Nam. Ngoài ra, ông cũng là đồng tác giả của cuốn “Kỹ xảo điện ảnh” xuất bản năm 2015, cùng dịch tác phẩm “Nghề quay phim năm 2016”...

Nhà giáo Phạm Thanh Hà giới thiệu 3 cuốn sách tại giảng đường trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội

Nhà giáo Phạm Thanh Hà

Giới thiệu 3 cuốn sách tại giảng đường Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội

cặp 3 ảnh sách..

Những cuốn sách do ông viết và đồng tác giả

được rất nhiều sinh viên đang theo học các ngành nghệ thuật đón nhận

.
.

Cuốn sách Quay phim Điện ảnh và Truyền hình

cũng là cuốn sách gối đầu giường của rất nhiều sinh viên theo nghiệp "Đứng sau ống kính"

Cả cuộc đời gắn bó với nghệ thuật thứ bảy của nước nhà, Nghệ sĩ Ưu tú Phạm Thanh Hà luôn tâm niệm quay phim là một nghề nhiều thăng trầm.

TD cai kho

Ở tuổi xế chiều, Nghệ sĩ Ưu tú Phạm Thanh Hà sở hữu không ít giải thưởng danh giá cả cá nhân và tập thể. Cùng với đó, ông có rất nhiều học trò thành đạt đang ngày đêm tiếp tục cống hiến cho điện ảnh Việt Nam.

Vậy mà khi được hỏi trong hơn 20 năm làm nghệ thuật còn điều gì làm ông phải trăn trở, người nghệ sĩ giọng nói bỗng trầm hẳn lại: “Tôi đã quay phim trên mọi miền đất nước, chỉ tiếc là chưa từng được làm bộ phim nào trên mảnh đất quê hương gắn bó với tuổi thơ. Dù đã nghỉ hưu nhưng tôi vẫn sẵn sàng trở lại đứng sau ống kính một lần nữa nếu có cơ hội được đi làm phim ở Hải Dương”.

Nội dung: VĂN TUẤN

Trình bày: TUẤN ANH

Bài viết có sử dụng tư liệu của: Nghệ sĩ Ưu tú PHẠM THANH HÀ

Hãng Phim truyện I

VĂN TUẤN