Nhân sự

Tỷ lệ nữ lãnh đạo, quản lý và đại biểu dân cử ở Hải Dương còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng

THANH NGA 26/08/2024 13:50

Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy, HĐND, UBND và các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp ở Hải Dương ngày càng tăng song vẫn còn thấp, chưa tương xứng với vai trò, tiềm năng, thế mạnh của phụ nữ.

img_8276.jpg
Đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Bích, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh phát biểu tại hội thảo

Sáng 26/8, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Hải Dương phối hợp với Tổ chức Nhân dân về y tế, giáo dục và phát triển Hải ngoại Australia (APHEDA) tổ chức hội thảo về giải pháp thúc đẩy tăng tỷ lệ nữ ứng cử viên, nữ lãnh đạo trong kỳ Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030 và bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp 2026-2031.

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Bích, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh cho biết tại Hải Dương, nhiệm kỳ 2020-2025, có 7/52 đồng chí là nữ tham gia Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, chiếm 13,46% (Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy là nữ có 1/16 đồng chí, chiếm 6,25%); cán bộ nữ trong Ban Chấp hành Đảng bộ cấp huyện chiếm 22%; cấp cơ sở chiếm 27,5%. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ 2021-2026 đạt 30,26%, HĐND cấp tỉnh 28,57%, cấp huyện 25,9% và cấp xã 27,83%. Tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo chủ chốt tại HĐND, UBND cấp xã đạt 31,06%. Có 11/12 huyện, thị xã, thành phố có nữ cán bộ lãnh đạo là Bí thư, Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch UBND…

Thực tế cho thấy, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy, HĐND, UBND và các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp cơ bản ngày càng tăng song con số trên vẫn còn thấp, chưa tương xứng với vai trò, tiềm năng, thế mạnh của phụ nữ. Để tăng cường vị thế của phụ nữ, nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị, đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Bích, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh cho rằng cần nhiều giải pháp tích cực, đồng bộ và hiệu quả.

Đó là tiếp tục thực hiện hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước. Thường trực HĐND các cấp phát huy tốt chức năng, nhiệm vụ trong việc dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND cấp mình. Cần bổ sung trách nhiệm cụ thể đối với người đứng đầu các cơ quan, địa phương, đơn vị trong triển khai thực hiện công tác cán bộ nữ. Hạn chế tình trạng một đại biểu nữ “gánh” quá nhiều cơ cấu. Tiếp tục đẩy mạnh bồi dưỡng kỹ năng vận động ứng cử đối với nữ. Thường trực HĐND, Ủy ban MTTQ, Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp cần có tiếng nói mạnh mẽ trong Ủy ban Bầu cử ở các địa phương và tạo điều kiện cho đại biểu nữ được cống hiến, phát triển.

img_8287(1).jpg
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Minh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu gia đình và giới, Chủ tịch Hội Xã hội học Việt Nam chia sẻ thông tin tại hội thảo

Tại hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Minh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu gia đình và giới, Chủ tịch Hội Xã hội học Việt Nam thông tin bình đẳng giới trong lãnh đạo quản lý là nam giới và nữ giới có vị trí, vai trò ngang nhau trong công tác lãnh đạo quản lý, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực ngang nhau ở tất cả các khâu của quy trình công tác cán bộ...

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, quan điểm nhất quán đối với công tác bình đẳng giới trong quản lý lãnh đạo. Tuy nhiên, kết quả trong lĩnh vực này chưa được như mong muốn. Nguyên nhân do hệ thống chính sách còn lỗ hổng; năng lực thực hiện của bộ máy còn hạn chế; ảnh hưởng của điều kiện kinh tế, xã hội, văn hóa; định kiến giới còn phổ biến...

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Minh đã chỉ ra những vấn đề cần quan tâm để thúc đẩy bình đẳng giới trong lãnh đạo quản lý. Trước hết, các cấp ủy đảng, người đứng đầu có sự chỉ đạo chặt chẽ, quyết liệt đối với công tác cán bộ nữ. Hội Liên hiệp phụ nữ phát huy tốt vai trò trong công tác phát triển đảng và tham mưu giới thiệu cán bộ nữ. Đẩy mạnh công tác truyền thông dưới nhiều hình thức. Đặc biệt Đảng và Nhà nước cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về bình đẳng giới…

img_8270.jpg
Quang cảnh hội thảo

Ngoài ra, tại hội thảo, đại biểu còn tham gia thảo luận với các nội dung về thực trạng và giải pháp bảo đảm tỷ lệ nữ theo quy định trong Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030 và bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031; kinh nghiệm nâng cao tỷ lệ nữ trong lãnh đạo cấp ủy, chính quyền và đại biểu dân cử các cấp; phát huy vai trò của tổ chức Hội Liên hiệp phụ nữ trong bồi dưỡng, đào tạo nguồn cán bộ nữ...

Hội thảo là hoạt động thuộc Dự án Thúc đẩy bình đẳng giới - Tăng cường vai trò của nữ đại biểu dân cử trong công tác chính trị do Chính phủ Ireland, Australia và Tổ chức APHEDA tài trợ, thực hiện tại 4 địa phương gồm: Phú Yên, Hải Dương, Bắc Kạn và Hải Phòng. Dự án diễn ra từ tháng 10/2021 đến tháng 9/2026, nhằm hỗ trợ các địa phương nâng cao tỷ lệ nữ trong cơ quan dân cử, góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và phát triển bền vững.

THANH NGA