Nông nghiệp - Nông thôn

Kinh Môn xây dựng vùng nông nghiệp đa giá trị

TRẦN HIỀN 27/08/2024 05:30

Thị xã Kinh Môn (Hải Dương) có nhiều tiềm năng sẵn có để phát triển nông nghiệp đa giá trị.

img_20240823_134622(1).jpg
Lễ hội thu hoạch hành, tỏi Kinh Môn lần đầu được tổ chức đầu năm 2024 vừa động viên cổ vũ tinh thần của nông dân, vừa hấp dẫn khách tới tham quan, trải nghiệm

Giàu tiềm năng

Hợp tác xã Sản xuất và Kinh doanh nông sản sạch Bạch Đằng không còn là cái tên xa lạ với những người yêu thích trải nghiệm nông nghiệp khi về Kinh Môn. Hợp tác xã có vùng trồng thanh long rộng 10 ha đạt tiêu chuẩn GlobalGAP và sản phẩm đã được chứng nhận OCOP 4 sao. Với mong muốn tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp mới, hợp tác xã đã đưa cây nho hạ đen và mẫu đơn vào trồng với tổng diện tích gần 8.000 m2. Mới đây, diện tích trồng nho hạ đen đã cho thu hoạch với năng suất đạt 3 tạ/sao. Ngoài giá trị kinh tế, vườn nho hạ đen còn hấp dẫn rất nhiều du khách tới tham quan và trải nghiệm.

449697546_2926099050874216_2599992773360150898_n(1).jpg
Khách tới tham quan và trải nghiệm tại vườn nho hạ đen của Hợp tác xã Sản xuất và Kinh doanh nông sản sạch Bạch Đằng (ảnh cơ sở cung cấp)

Với những lợi thế nông nghiệp sẵn có, xã Bạch Đằng đang xây dựng mô hình “cánh đồng trải nghiệm”. Khu vực này có diện tích khoảng 32 ha nằm ở 2 thôn Đại Uyên và Trạm Lộ với hơn 100 hộ dân tham gia sản xuất. Dự kiến giai đoạn 2025-2026 cánh đồng trải nghiệm sẽ hoàn thiện và đi vào hoạt động. Đến đây, du khách có thể thăm, chụp ảnh, trải nghiệm tự tay thu hái thanh long, nho, câu cá... Nông sản địa phương được chế biến sâu hơn giúp gia tăng giá trị sản phẩm.

“Địa phương có thế mạnh về sản xuất hành, tỏi, thanh long… cùng với vị trí địa lý thuận lợi nên mô hình cánh đồng trải nghiệm được kỳ vọng sẽ hấp dẫn du khách khi tới thị xã Kinh Môn. Đến năm 2030, xã Bạch Đằng phấn đấu xây dựng được vùng nông nghiệp đa dạng cây trồng, vật nuôi, phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ kết hợp với trải nghiệm nông nghiệp. Khi đó, nông nghiệp phát triển đúng xu hướng khai thác đa tầng, đa giá trị, đem lại nguồn thu nhập cao hơn cho người dân”, ông Trần Văn Tặng, Chủ tịch UBND xã Bạch Đằng nói.

Nhắc đến nông nghiệp đa giá trị ở Kinh Môn không thể không nhắc tới trang trại nuôi đà điểu của bà Nguyễn Thị Bình ở phường Minh Tân. Trang trại có diện tích trên 10 ha với gần 800 con đà điểu sinh sản, thương phẩm và con giống. Đây là trang trại nuôi đà điểu lớn nhất nhì miền Bắc với đa dạng các loại dịch vụ cung cấp cho khách hàng. Đà điểu giống của trang trại thường được cung cấp cho nông dân các tỉnh từ miền Trung trở ra. Đà điểu thương phẩm ngoài cung cấp cho thị trường trong tỉnh còn bán ở nhiều tỉnh, thành phố lân cận như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên…

Khi khái niệm về trải nghiệm nông nghiệp còn chưa phổ biến như hiện nay thì trang trại đà điểu của bà Bình đã mở cửa đón khách tới tham quan và trải nghiệm. Cùng với ngắm những chú chim khổng lồ, du khách còn được thưởng thức những sản phẩm chế biến từ thịt đà điểu như trứng, xúc xích, giò, cao… Thậm chí có thời kỳ trang trại còn cho khách trải nghiệm cưỡi đà điểu.

Ngoài nuôi đà điểu, bà Bình có vườn trồng nho hạ đen, nho mẫu đơn với mong muốn xây dựng trang trại du lịch sinh thái, phục vụ du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Kinh Môn được ví như “thủ phủ” hành, tỏi của cả nước với khoảng 4.000 ha, giá trị kinh tế mang về khoảng 2.000 tỷ đồng/vụ/năm. Hành, tỏi Kinh Môn có củ to, chắc, hương vị thơm cay đặc biệt luôn được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng và được bán tại nhiều chợ truyền thống trên cả nước và tại các hệ thống siêu thị lớn. Cây hành, tỏi còn thúc đẩy phát triển nhiều ngành khác ở Kinh Môn như sơ chế sản phẩm thô, chế biến chuyên sâu thành thực phẩm và dược liệu quý, xây dựng các sản phẩm OCOP… giúp gia tăng giá trị.

Mới đây nhất, Lễ hội thu hoạch hành, tỏi thị xã Kinh Môn đầu năm 2024 lần đầu tiên được tổ chức với sự tham dự của đông đảo người dân, du khách đã mang lại “làn gió" mới cho nông nghiệp Kinh Môn. Tại Lễ hội hành, tỏi, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã từng nói: “Bán những củ hành, củ tỏi giá trị không cao, bán cả không gian cảm xúc trải nghiệm làng nghề sản xuất hành, tỏi sẽ mở ra không gian giá trị lớn hơn nhiều lần”.

Ngoài hành tỏi, thanh long, sắn dây, cam Thất Hùng, Kinh Môn còn có các khu sản xuất dưa lưới công nghệ cao ở nhiều phường, xã khác như An Sinh, Long Xuyên...

Làm gì để phát huy hết giá trị?

dsc_0456.jpg
Trang trại đà điểu của bà Nguyễn Thị Bình vừa cho khách tới trải nghiệm vừa giới thiệu các sản phẩm OCOP của trang trại với khách tham quan. Ảnh: THÀNH CHUNG

Ngoài bắt kịp với xu hướng của nông nghiệp hiện đại, Kinh Môn còn quan tâm đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất, hỗ trợ các xã, phường kinh phí làm đường giao thông, hệ thống tưới tiết kiệm... Những cây trồng thế mạnh, có giá trị cao được ưu tiên hỗ trợ để nông dân mở rộng diện tích gieo trồng. Thị xã cũng quan tâm tới sản xuất sạch, hướng tới một nền nông nghiệp xanh.

Thiên nhiên đã ban tặng cho Kinh Môn phong cảnh hữu tình với đất đai màu mỡ. Hệ thống di tích đền chùa gắn với những câu chuyện lịch sử, cộng với những cánh đồng hành tỏi xanh mướt, vùng sắn dây, thanh long, cam… là điều kiện để Kinh Môn phát triển du lịch, phát triển nông nghiệp đa tầng, đa giá trị. Tiềm năng, lợi thế sẵn có nhưng không phải địa phương nào cũng có điều kiện thuận lợi để khai thác và phát triển.

Phường An Sinh nằm ngay Khu di tích Quốc gia đặc biệt An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương với dòng sông uốn lượn bao quanh cánh đồng hành, tỏi rộng lớn. Ngoài ra, địa phương còn có những sản vật đạt chuẩn OCOP như mật ong rừng, bánh lòng... Tuy nhiên, phường An Sinh chưa phát huy được thế mạnh của địa phương. Ông Nguyễn Văn Hinh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường An Sinh chia sẻ: "Vị trí địa lý là một trong những rào cản lớn nhất để địa phương phát triển. Hành, tỏi vẫn chỉ được bảo quản khô và bán sau thu hoạch, chưa có sản phẩm chế biến sâu để khai thác tối đa giá trị nông sản địa phương".

Đây có lẽ không chỉ là băn khoăn của phường An Sinh. Ông Nguyễn Xuân Hạ, Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Kinh Môn cho biết, Lễ hội thu hoạch hành, tỏi lần đầu tiên được tổ chức đã tác động lớn làm thay đổi nhận thức của người dân. Lễ hội không chỉ là dịp cổ vũ, động viên tinh thần của người nông dân mà còn góp phần thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. “Sau lễ hội, địa phương tích cực kêu gọi các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư vào các khâu bảo quản và chế biến sâu sau thu hoạch. Tuy nhiên, việc chế biến sâu mới chỉ dừng ở mức độ nhỏ lẻ theo hộ sản xuất, chưa có liên kết nên hiệu quả chưa cao. Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã về khảo sát, hỗ trợ để xây dựng các kho bảo quản và chế biến sau thu hoạch. Tuy nhiên, việc kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực này vẫn hết sức khó khăn”, ông Hạ cho biết thêm.

Hoàn thiện hạ tầng phục vụ du lịch nông nghiệp trải nghiệm

Thời gian gần đây, nông nghiệp ở thị xã Kinh Môn đã có những bước phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, hạ tầng phục vụ du lịch ở một số địa phương chưa được hoàn thiện.

Khi tới Kinh Môn, du khách ngoại tỉnh thường ghé thăm các địa điểm du lịch tâm linh thuộc Khu di tích quốc gia đặc biệt An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương kết hợp với du lịch nông nghiệp trải nghiệm. Tuy nhiên, hạ tầng dịch vụ chưa nhiều và chưa đáp ứng nhu cầu ăn, nghỉ của khách du lịch. Hầu hết du khách chỉ tham quan và trải nghiệm du lịch Kinh Môn trong ngày nên chưa thúc đẩy được các dịch vụ khác phát triển.

Chị Nguyễn Thị Xuyến, thôn Bãi Mạc, xã Thượng Quận

Chú trọng chế biến sâu để nâng cao giá trị nông sản

Kinh Môn được coi là “thủ phủ” hành, tỏi của cả nước nhưng giá trị kinh tế thu được chưa xứng với tiềm năng của sản phẩm. Sau khi thu hoạch, ngoài số lượng được bán ngay, số còn lại chủ yếu chỉ được sơ chế, bảo quản và tích trữ theo phương pháp cũ, lạc hậu, ảnh hưởng đến chất lượng, sản lượng và thời gian bảo quản sản phẩm ngắn, hiệu quả kinh tế chưa được như kỳ vọng. Với định hướng phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị, ngành nông nghiệp đã nỗ lực thu hút doanh nghiệp vào đầu tư, nhất là thu hút doanh nghiệp chế biến nông sản.

Hiện Hợp tác xã Sản xuất và Thương mại dịch vụ nông nghiệp Hạc Vàng Kinh Môn đã có một số sản phẩm biến sâu như bột sắn dây Đích Sơn, nếp cái hoa vàng, hành, tỏi sấy... Tuy nhiên công nghệ chế biến lạc hậu, số lượng sản phẩm chưa nhiều nên chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Do vậy, chúng tôi mong muốn tỉnh và thị xã Kinh Môn cần có cơ chế hỗ trợ xây dựng nhà xưởng, đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại góp phần nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm từ nguồn nông sản chủ lực của địa phương và hướng tới mục tiêu xuất khẩu.

Anh Hoàng Minh Tân, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và Thương mại dịch vụ nông nghiệp Hạc Vàng Kinh Môn

TRẦN HIỀN