U tuyến cận giáp khiến người đàn ông đi tiểu liên tục
Anh Tùng, 38 tuổi, một năm qua đi tiểu 15 lần mỗi ngày nhưng thận bình thường, bác sĩ chẩn đoán do u tuyến cận giáp.
Ngày 23/8, thạc sĩ, bác sĩ Huỳnh Bá Tấn, Khoa Ngoại vú - đầu mặt cổ, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh cho biết nồng độ canxi trong máu của người bệnh tăng 4 mmol/L, gấp đôi bình thường, nghi ngờ do cường tuyến cận giáp. Siêu âm vùng cổ và xét nghiệm hormone tuyến cận giáp (PTH) ghi nhận tuyến cận giáp dưới bên trái có u kích thước 2 cm, bình thường tuyến cận giáp chỉ nhỏ bằng hạt bắp, định lượng hormone PTH tăng 185 pg/ml, trong khi người khỏe mạnh khoảng 16-65 pg/ml.
U tuyến cận giáp là tình trạng khối u xuất hiện trên một hoặc 4 tuyến cận giáp. 4 tuyến cận giáp nằm phía sau hai thùy của tuyến giáp, có hình bầu dục. Tuyến này giải phóng hormone PTH quản lý nồng độ ion canxi và ion phosphate trong huyết tương. Dưới hoạt động của hormone PTH, nồng độ ion canxi tăng, nồng độ ion phosphate giảm. Khi PTH trong máu cao, cơ thể tăng hoạt động lấy canxi từ xương, lâu dần dẫn đến loãng xương, gãy xương. Triệu chứng cường tuyến cận giáp gồm đau xương, mệt mỏi, tiểu nhiều...
U tuyến cận giáp ít gặp, có thể xảy ra ở người 50-70 tuổi, phụ nữ nhiều hơn nam giới. Bác sĩ Tấn cho biết đây là lần đầu tiên khoa Ngoại vú - đầu mặt cổ, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh tiếp nhận và điều trị cho người bệnh gặp tình trạng này. Nếu không phẫu thuật kịp thời, anh Tùng có nguy cơ loãng xương, sỏi thận, viêm thận, suy thận, loạn nhịp tim, hôn mê. Người bệnh cần được mổ cắt bỏ tuyến cận giáp có khối u.
Bác sĩ Tấn cắt tĩnh mạch giáp giữa bên trái, lật cực dưới thùy trái ra trước và dùng dao siêu âm cắt trọn tuyến cận giáp dưới trái. Một tuần sau mổ, kết quả xét nghiệm máu ghi nhận nồng độ canxi máu và hormone PTH của anh Tùng về mức bình thường. Tình trạng đau nhức khắp cơ thể cũng cải thiện, anh ngủ ngon, không còn tiểu nhiều và tiểu đêm.
Bác sĩ Tấn cho biết 85% trường hợp u xuất hiện ở một tuyến cận giáp, 4-5% u xảy ra ở hai tuyến cận giáp, 10-12% u xuất hiện ở 4 tuyến cận giáp. Loại u này khiến tuyến cận giáp sản xuất quá mức lượng hormone PTH mà cơ thể cần.
Hiện, chưa rõ nguyên nhân gây u tuyến cận giáp. Một số yếu tố nguy cơ như di truyền, tiếp xúc bức xạ vùng đầu cổ, chế độ ăn uống thiếu canxi... Hầu hết người bệnh có u tuyến cận giáp không có triệu chứng bất thường. Bệnh thường được phát hiện tình cờ khi khám sức khỏe, xét nghiệm máu thấy tăng canxi.
Bệnh chỉ biểu hiện triệu chứng khi nồng độ canxi máu quá cao trong thời gian dài, lúc này dù có điều trị u tuyến cận giáp cũng không thể hồi phục lại các cơ quan đã bị tổn thương như thận, xương... Bác sĩ Tấn khuyến cáo mọi người khám sức khỏe định kỳ để phát hiện bất thường (nếu có) và xử trí kịp thời.
*Tên người bệnh đã được thay đổi