Truyện ngắn

Lão Phường

NGUYỄN THẾ TẠI 24/08/2024 10:15

Tối hôm ấy, nhà lão Phường vui hơn Tết. Người dân xóm Trại nườm nượp kéo đến ngồi chật kín cả cái sân gạch rộng.

Mh TrngLãoPhường BHD23.8.24

Tin vợ lão Phường sinh con trai vào đúng đêm mồng một loan khắp làng trên, xóm dưới.

Lão đội cái nón cũ gẫy vành, đang thập thò ở cửa ủy ban xã thì anh thư ký ủy ban đã nhanh nhẩu vui tính:

- Anh Phường ra làm giấy khai sinh cho con trai à? Vào đây! Sướng nhé! Sau này anh chị cứ gọi là chẳng cần đụng chân đụng tay cũng ăn không hết của, “trai mồng một” mà.

Được anh thư ký ủy ban chọc đúng cái huyệt xốn xang mấy ngày nay, lão thấy tự tin hơn hẳn, điềm tĩnh móc tờ giấy chứng sinh trong túi áo ra. Cả tuần nay lão khư khư giữ tờ chứng sinh như vật báu. Lão chẳng biết trong tờ giấy ấy người ta viết những gì vì một chữ cắn đôi lão không biết nhưng chắc chắn là có tên con trai lão “Nguyễn Văn Phàng”. Cái tên mà tự nhiên lão thốt ra khi chị hộ sinh hỏi: “Anh đặt tên cháu là gì?”.

Thế là từ giờ phút ấy, tên tuổi vợ chồng và thằng con “chống gậy” của lão đã nghiễm nhiên có trong sổ hộ tịch của xã. Nhà lão sẽ như bao nhiêu hộ có mặt từ mấy chục năm trước đây, khi mà xóm Trại chỉ lèo tèo vài gia đình thuyền chài lên cắm đất, dựng nhà.

Bao năm nay, người xóm Trại và cả cái xã An Hồng này chẳng ai biết tên cúng cơm của vợ chồng lão là gì? Chỉ biết rằng, mùa hanh khô năm ấy, vợ chồng lão đến diu tép ở khu đầm trũng, gần cái ao Phường của làng. Sau khi bán hết số tép diu, hai vợ chồng lão lại quẩy gánh đi dọc sườn đê, chiều hôm sau lại quay lại; cứ như thế, ngày này qua tháng khác. Người dân cả cái xã An Hồng ai cũng được ăn tép diu của vợ chồng lão. Vợ chồng lão hiền lành, dễ tính. Dân làng hỏi lão tên gì? Quê quán ở đâu? Gia cảnh thế nào? Lão chỉ cười trừ.

Hai vợ chồng lão Phường đều khỏe mạnh, chịu thương chịu khó, thật thà như đếm mà trời không thương cho mụn con. Có người trong làng xui lão dựng nhà trên khoảnh đất trống bên bờ ao Phường ở, biết đâu an cư, ông trời thương lại cho lộc con cái. Thế là cả làng, người góp tre, người cho bó rạ lợp mái dựng cho lão được hai gian nhà tranh.

*

Ngoài bú mẹ, thi thoảng cu Phàng mới được bố cho ăn thêm ít nước cơm mà lớn nhanh như thổi. Đến tuổi đi học, Phàng học trường làng. Nó thông minh, học giỏi lại khéo tay, viết chữ đẹp. Làng chưa có lớp 5 nên hết lớp 4 Phàng phải ở nhà trông em hoặc phụ bố mẹ diu tép, bắt cá, bắt cua.

Một buổi chiều nọ, Phàng bảo với bố mẹ là ra cánh đồng Đống Chày bắt cua nhưng rồi tối mịt không thấy về. Lão Phường cùng mấy người trong xóm đốt đuốc đi tìm. Tới khuya vẫn không thấy. Lão Phường về nhà ôm mặt khóc. Sáng sớm hôm sau người ta đã thấy lão ra đồng tìm con. Lão tin thằng Phàng không chết mà có thể theo ai đi đâu đó làm ăn.

Chuyện xảy ra vào cuối năm 1954, sau khi Pháp thất trận ở Điện Biên Phủ. Miền Bắc được giải phóng, thế là có tin đồn thằng Phàng theo thanh niên công giáo dưới làng Bùng vào Nam. Lão Phường nghe người ta đồn vào Nam là phản bội, là theo giặc nên suy sụp, không ăn, không ngủ mấy ngày liền. Vợ khuyên nhủ mãi lão mới dần nguôi ngoai.

Năm tháng dần trôi, cu Phùng lớn lên. Nó cũng được đi học, lại còn học giỏi hơn anh trai nên lão Phường dần quên thằng Phàng “bất hiếu”. Chuyện thằng Phàng bỏ nhà vào Nam không biết thực hư thế nào nhưng từ đó gia đình lão Phường có tên trong danh sách “Gia đình có vấn đề với cách mạng”. Vì thế mà thằng Phùng dù học rất giỏi nhưng cũng không được vào cấp III. Nó phải học bổ túc. Tuy phải học bổ túc nhưng Phùng học rất giỏi và có nhiều tài lẻ như vẽ tranh, ca hát.

Ngày Phùng được gọi vào Đại học Nông nghiệp I, lão Phường vui lắm. Ngày ấy, ở một xã nghèo của huyện mà có người đi học đại học vinh dự lắm nên bà con xóm Trại và cả xã An Hồng vui lây.

Thế nhưng vẫn có người lăn tăn bảo sao nhà lão Phường có con phản động vào Nam mà thằng Phùng vẫn được đi đại học nhỉ? Làng này, xã này ít có người học giỏi như nó nhưng cả huyện, cả tỉnh thì thiếu gì? Trong lúc niềm vui dâng trào, lão Phường chẳng để ý đến những lời dị nghị ấy. Nhưng đêm xuống, nằm vắt tay lên trán lão trăn trở về cái tiếng “gia đình có vấn đề với cách mạng”. Rồi Lão lại giận thằng Phàng, hết giận lại nhớ, lại thương. Không biết giờ này nó ở đâu? Còn sống hay chết? Nó có vào Nam thật hay đi đâu? Nó có theo Tây không? Những câu hỏi cứ nhảy múa trong đầu lão mà chẳng có lời đáp.

Từ ngày Phùng đi đại học, vợ chồng lão cũng bỏ nghề diu tép. Mà không bỏ cũng chẳng có chỗ nào mà hành nghề nữa. Tất cả ao chuôm, đầm hồ đều là của hợp tác xã. Thằng Phùng đi học đã được Nhà nước nuôi nên vợ chồng lão chỉ lo đủ ngày hai bữa, thi thoảng bán con gà, con lợn được đồng nào thì cất đi phòng khi ốm đau hoặc gửi cho thằng Phùng bồi dưỡng thêm.

Tốt nghiệp đại học, kỹ sư trẻ Nguyễn Quang Phùng được cử về Phòng Nông nghiệp huyện làm việc. Không chỉ vợ chồng lão Phường mà cả cái xã An Hồng tự hào. Chưa biết đâu, anh Chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp đã oang oang tuyên bố: “Con trai làng này làm ở Phòng Nông nghiệp huyện thì chẳng phải lo, một hai năm nữa hợp tác xã mình không tiên tiến nhất huyện tôi gọi là cứ để bà con đánh đòn thoải mái”.

Một năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, vào một buổi chiều, người làng Trại thấy có chiếc xe cam nhông biển đỏ tiến vào sân ủy ban. Người hiểu biết chút ít về biển xe thì bảo là của Huyện đội về chuẩn bị tuyển quân. Người không biết thì bảo xe của kỹ sư Phùng ở Phòng Nông nghiệp huyện về bàn việc cấy thử giống lúa mới. Nhưng gần một tiếng đồng hồ sau, người ta thấy anh Đào, xã đội trưởng lên xe cùng khách, rồi chiếc xe quay đầu đi thẳng đến cổng nhà lão Phường thì mọi đồn đoán trên đều sai bét. Nhiều người tò mò chạy đến cổng nhà lão Phường “săn tin”.

Xuống xe, anh xã đội trưởng dẫn một đại tá quân đội bước vào sân rồi lớn tiếng:

- Ông bà Phường có nhà không? Ra đón khách quý này.

Lão Phường chống cây gậy tre lần ra hè đón khách. Vợ lão đang đun nồi cám dưới bếp, đoán là khách dưới Phòng Nông nghiệp huyện của thằng Phùng về nên không vội, cố đun hết nắm rạ nữa rồi mới vấn lại cái khăn đen, lững thững bước ra. Ra đến đầu sân, nhìn người khách mặc quần áo bộ đội bà vội kêu:

- Thằng Phàng phải không con? Ối trời đất, ông bà, tổ tiên ơi! Thằng Phàng con tôi nó về thật rồi kìa!

Rồi bà khụy xuống, Phàng vội chạy lại nâng mẹ lên. Hai mẹ con ôm nhau khóc không thành tiếng. Lão Phường bám vào bậu cửa đứng như trời trồng. Mắt lão nhòa đi.

Tối hôm ấy, nhà lão Phường vui hơn Tết. Người dân xóm Trại và cả xã An Hồng nườm nượp kéo đến ngồi chật kín cả cái sân gạch rộng trước ngôi nhà ngói ba gian mà thằng con trai thứ của lão Phường mới xây đầu năm. Họ đến chia vui với vợ chồng lão và cũng xem mặt cái “thằng cu Phàng tép diu” ngày xưa bây giờ thế nào. Không ít người tò mò muốn biết về những tháng năm Phàng xa quê làm gì?

Ngày hôm sau thì mọi nút thắt xung quanh cuộc đời đại tá Phàng cũng được tháo gỡ.

Phàng có sức khỏe, tinh thông, lanh lợi lại xuất thân trong một gia đình mà bọn cường hào, ác bá thời ấy liệt vào diện “khố rách, áo ôm” nên tổ chức đã chọn anh đưa đi đào tạo. Anh hòa lẫn trong dòng người di cư vào Nam năm 1954, rồi được tổ chức rèn luyện, giáo dục, đưa vào hoạt động trong lòng địch. Những năm tháng chiến đấu gian lao, nguy hiểm, Phàng luôn lấy hình ảnh bố mẹ, làng quê nghèo khó làm động lực.

Xung quanh câu chuyện về cuộc đời bí ẩn của đại tá Phàng, nhiều người lại tò mò đến sự khẳng định của cụ Bần (94 tuổi), người đồng niên với lão Phường:

- Ngày vợ Phường sinh, tôi đã đoán ngay là con nó sau này nên cơm nên cháo đây. Các cụ nói chẳng có sai. Trai mồng một mà!

NGUYỄN THẾ TẠI