Âm vang Ba Đình lịch sử
Bài thơ “Mây trắng Ba Đình” của tác giả Nguyễn Sĩ Đại gắn với những sự kiện quan trọng của đất nước, được thể hiện bằng mạch nguồn cảm xúc phong phú..
MÂY TRẮNG BA ĐÌNH
Mây vẫn bay như thế, tháng năm này
Mây Nghĩa Lĩnh đã từng in bóng Bác
“Các Vua Hùng đã có công dựng nước”...
Lòng Đại đoàn còn nhớ Bác khôn nguôi.
Mây vẫn bay như thế, dưới vòm trời
Thuở Công Uẩn dời đô, Nhân Tông thiền bóng trúc
Thuở Nguyễn Trãi viết Bình Ngô và Quang Trung phá giặc
Thuở Bác Hồ sang sảng đọc Tuyên ngôn...
Mây vẫn bay như thế với sông Hồng
Sông đỏ lựng phù sa từ ruột đất
Như sóng biển, trái tim Người vẫn thức
Trong muôn triệu trái tim đập dưới lũy tre làng.
Trong đoàn người quê kiểng Bắc-Trung-Nam
Về bên Bác, lòng ta thanh thản quá
Cái giản dị thiêng liêng, cái bình thường lịch sử...
Mây vẫn bay như thế, tháng năm này!
NGUYỄN SĨ ĐẠI
Hướng tới Quốc khánh 2/9 có một địa danh lịch sử mà ai cũng hướng về đó là Quảng trường Ba Đình-nơi Bác Hồ kính yêu đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. 79 năm trôi qua, lời Bác ngày ấy vẫn còn tha thiết trong lòng mỗi người dân đất Việt với bao tình cảm liêng thiêng.
Nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại nhiều năm làm báo Nhân Dân nên khi nghĩ về những sự kiện trọng đại của đất nước ông thường gắn với cội nguồn, truyền thống dân tộc. Bài thơ “Mây trắng Ba Đình” gắn với những sự kiện quan trọng của đất nước và được thể hiện bằng mạch nguồn cảm xúc phong phú.
“Mây vẫn bay như thế, tháng năm này”. Câu thơ gợi mở về những năm tháng đất nước có nhiều biến động. Hình ảnh “mây trắng” trên bầu trời cao rộng đã thể hiện niềm tự hào của tác giả khi được làm con dân đất Việt. “Mây trắng Ba Đình” được soi chiếu với nhiều góc độ, cung bậc, không gian khác nhau. Đó là: “Mây Nghĩa Lĩnh đã từng in bóng Bác/Các Vua Hùng đã có công dựng nước”. Câu nói nổi tiếng của Bác Hồ dặn dò Đại đoàn quân Tiên Phong trước khi về giải phóng thủ đô, nơi có Quảng trường Ba Đình lịch sử được đặt trong văn cảnh thật hợp lý và sáng tạo.
Từng câu thơ gắn kết với nhau như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt kể câu chuyện lịch sử từ quá khứ, hiện tại và hướng tới tương lai. Đó là trục cảm xúc, trường liên tưởng đặc biệt của nhà thơ. Điệp khúc “Mây vẫn bay như thế” là sự chủ động, một khẳng định, một niềm tin yêu, một hứng khởi cộng hưởng để dẫn dắt chúng ta về với những trang sử vàng của đất nước. Tác giả viết những vần thơ thật hào sảng: “Thuở Công Uẩn dời đô, Nhân Tông thiền bóng trúc/Thuở Nguyễn Trãi viết Bình Ngô và Quang Trung phá giặc”. Đặc biệt là “Thuở Bác Hồ sang sảng đọc Tuyên ngôn” càng làm rõ chất hào hùng của bài thơ.
Từ ngưỡng vọng lịch sử, nhà thơ đã đưa ta về với thiên nhiên, đất nước, với những gì gần gũi, thân thuộc và bền chặt nhất. Một cội nguồn khác từ hệ sinh thái đã bồi đắp dáng vóc và tâm hồn người Việt. Một khái quát: “Mây vẫn bay như thế với sông Hồng/Sông đỏ lựng phù sa từ ruột đất” đến với lũy tre làng bao đời thân thuộc gắn với bó với đất đai Tổ quốc. Cao hơn hết đó là nhịp đập trái tim Người-vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc: “Như sóng biển, trái tim Người vẫn thức/Trong muôn triệu trái tim đập dưới lũy tre làng”. Đọc đến dây tôi chợt nhớ đến câu thơ của nhà thơ Việt Phương khi viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Muôn vàn tình thân yêu trùm lên khắp quê hương”. Những ngày này ta lại càng nhớ Bác và chính “Mây trắng Ba Đình” là cái nền nâng hình ảnh Bác giữa đất trời Tổ quốc, như một ánh xạ hào quang với bao tình cảm thiêng liêng, trìu mến.
Khổ thơ cuối là một cái kết mở, trọn vẹn một ý nghĩa nhân văn sâu sắc khi đúc kết: “Cái giản dị thiêng liêng, cái bình thường lịch sử”. Đây cũng là một khẳng định, một niềm tin, một định hướng, một niềm tự hào cao cả khi hướng tới Ba Đình trong ngày trọng đại lịch sử 2/9.