Gia đình

Tìm thấy mộ cha là liệt sĩ nhờ 1 lọ... penicillin

TIẾN MẠNH 04/09/2024 11:00

52 năm kể từ ngày hy sinh tại chiến trường Quảng Đà, mộ của liệt sĩ Vương Đình Xuyên ở xã Nam Chính (Nam Sách, Hải Dương) đã được con cháu tìm thấy nhờ 1 lọ... penicillin.

img_0444.jpg
Ông Vương Đình Tuyến (thứ tư từ phải sang) cùng những người thân trước phần mộ người cha của mình - liệt sĩ Vương Đình Xuyên tại nghĩa trang liệt sĩ thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam)

1/8/2024 là ngày đặc biệt đối với anh em ông Vương Đình Tuyến, Vương Đình Huấn (là con cả và con út của liệt sĩ Vương Đình Xuyên). Đó là ngày mà lần đầu tiên anh em ông được đứng trước phần mộ người cha của mình tại nghĩa trang liệt sĩ thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) để thắp nén tâm nhang tri ân đấng sinh thành sau hàng chục năm mỏi mòn tìm kiếm.

Tháng 9/1967, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông Vương Đình Xuyên (sinh năm 1943) từ biệt vợ và 3 người con trai lên đường tòng quân đánh giặc. Ông được biên chế vào Tiểu đoàn 2 (mật danh V25) - là đơn vị "đặc công hoá" tại mặt trận Quảng Đà (tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng ngày nay), sau làm Đại đội phó.

Năm 1972, ông Xuyên hy sinh song 2 năm sau gia đình mới nhận được giấy báo tử.

IMG_0915 3
Bằng Tổ quốc ghi công của liệt sĩ Vương Đình Xuyên do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký

Năm 2007, trước khi qua đời, cụ Trần Thị Lầm (vợ của liệt sĩ Vương Đình Xuyên) mong muốn các con tìm mộ và đưa hài cốt cha về quê hương. Nhưng đây là nhiệm vụ mà cả gia đình đều xác định tỷ lệ thành công rất thấp. Bởi trên giấy báo tử chỉ ghi liệt sĩ Vương Đình Xuyên hy sinh tại mặt trận Quảng Đà, ngoài ra không còn thông tin gì khác.

Ông Tuyến và người em trai thứ hai làm nông dân, ít có điều kiện ra tỉnh ngoài. Chỉ có người con trai út là ông Vương Đình Huấn là bộ đội chuyên nghiệp. Giai đoạn 1993-2008, ông Huấn công tác tại Lữ đoàn 680 (Đà Nẵng) nên được cả gia đình giao phó nhiệm vụ trên. Mỗi khi có thời gian, ông Huấn đều tranh thủ đi tìm mộ cha. Ông đã đến nhiều nghĩa trang nhưng không có kết quả.

"Ở Quảng Nam và Đà Nẵng có hàng trăm nghĩa trang liệt sĩ. Mỗi nghĩa trang có hàng nghìn ngôi mộ. Tôi đi tìm mộ cha như mò kim đáy bể và dù đã nhờ nhiều đồng đội quê trong này giúp đỡ thì kết quả vẫn chỉ bằng... không. Có ai ngờ được rằng, nơi cha tôi nằm xuống lại chỉ cách Lữ đoàn 680 khoảng 30 km", ông Huấn kể.

Nghĩa trang liệt sĩ thị trấn Nam Phước, nơi gia đình tìm thấy phần mộ liệt sĩ Vương Đình Xuyên có khoảng 4.000 phần mộ, trong đó có rất nhiều mộ vô danh. Ông Nguyễn Đức Cửu làm nhiệm vụ quản trang kể: "Mấy năm trước, trong quá trình đào móng thi công xây dựng trụ sở Kho bạc Nhà nước huyện Duy Xuyên, đơn vị thi công đã phát hiện nhiều hài cốt liệt sĩ. Tuy nhiên, chỉ liệt sĩ Vương Đình Xuyên là có thông tin về đơn vị, quê quán, tên vợ con được ghi trên một mẩu giấy đựng trong chiếc lọ penicillin. Có thể thời điểm ông Huấn đến tìm mộ cha thì hài cốt của liệt sĩ Vương Đình Xuyên chưa được quy tập về đây".

img_0911.jpg
Ông Vương Đình Huấn cẩn thận lau chùi di ảnh của cha

Năm 2021, cả gia đình ông Tuyến vui mừng khôn xiết khi nghe Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hải Dương thông báo về thông tin trên. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và một số lý do khác nên vừa rồi anh em ông mới có thể vào Đà Nẵng để tìm mộ cha.

Trước khi lên đường nhập ngũ, liệt sĩ Vương Đình Xuyên là đảng viên, giáo viên Trường Tiểu học xã An Lâm (Nam Sách). Ngày 22/4/1974, Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng đã ký bằng Tổ quốc ghi công đối với liệt sĩ này. Liệt sĩ Vương Đình Xuyên được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến các hạng nhất, nhì, ba.

TIẾN MẠNH